Trung tâm tài chính và tội phạm tài chính

(ĐTTCO)-Thị trường tài chính, với chức năng cơ bản tạo ra kênh truyền dẫn hiệu quả để nguồn vốn lưu thông từ các nhà đầu tư đến các doanh nghiệp và tổ chức có nhu cầu sử dụng vốn, là thực thể quan trọng đóng vai trò đòn bẩy cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, từ sự phát triển của thị trường tài chính trở thành trung tâm tài chính đã trở thành mục tiêu hấp dẫn của giới tội phạm tài chính. 
Trung tâm tài chính và tội phạm tài chính
Tội phạm tài chính là khái niệm không mới đối với nhiều quốc gia phát triển và mới nổi trên thế giới. Các tổ chức tội phạm lạm dụng thị trường tài chính nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các nguồn vốn rồi vào lưu thông trong nền kinh tế, sau đó thu hồi nguồn vốn đã được hợp pháp hóa về lại các tổ chức tội phạm.
Quá trình hợp pháp hóa các nguồn vốn bất hợp pháp được gọi là rửa tiền, đã và đang tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, bất ổn xã hội và sự toàn vẹn của các thị trường tài chính trên thế giới.
Dưới góc nhìn của giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư, cũng như với các tổ chức tài trợ vốn phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các quốc gia cấp vốn ODA, họ quyết định đầu tư hoặc mở rộng quy mô đầu tư vào một quốc gia phụ thuộc vào danh tiếng của thị trường tài chính và sự minh bạch trong quản lý của quốc gia đó.
Rất ít giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư muốn thực sự đưa tài sản, chất xám, công nghệ, quy trình quản lý vào các quốc gia và vùng lãnh thổ được biết đến như các thiên đường trốn thuế hoặc rửa tiền trên thế giới.
Điều này đặt ra câu hỏi lớn cho nhiều quốc gia mới nổi, đang tìm kiếm cơ hội nắm bắt đà phát triển kinh tế, xã hội và công nghệ trên thế giới, để trở thành trung tâm tài chính mới. 
Trong hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành một hiện tượng trên trường quốc tế về tốc độ phát triển kinh tế và xã hội. Việt Nam đang trên đường tích lũy nội lực để vươn lên nhóm quốc gia có thu nhập trung bình và trong tương lai xa trở thành quốc gia phát triển.
Trên chặng đường này, nhu cầu cấp thiết là xây dựng thương hiệu và uy tín của Việt Nam như điểm đến an toàn và hiệu quả cho các chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới, thu hút nguồn vốn và các yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững như chất xám, công nghệ, và kinh nghiệm quản lý. Và chiến lược phát triển Việt Nam thành một trung tâm tài chính là bước đi chiến lược đúng đắn. 
Tuy nhiên, trước những thách thức đặt ra bởi giới tội phạm tài chính, cũng như những diễn biến phức tạp về tình hình hối lộ, tham nhũng và tội phạm kinh tế trong nước, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu phát triển thị trường tài chính và trở thành trung tâm tài chính nhằm mục đích thu hút nguồn vốn, chất xám, công nghệ và kinh nghiệm quản lý để phát triển quốc gia.
Việt Nam cần học bài học từ nhiều quốc gia đã trải qua giai đoạn này, khi không ít trong số quốc gia đó đã trở thành các thiên đường rửa tiền và trốn thuế, nơi nguồn vốn chảy vào với quy mô lớn nhưng không hề tạo ra các động lực phát triển cần thiết.

Tội phạm tài chính 2000-2020 và khuynh hướng mới 
Thập niên 2010-2020 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của tội phạm tài chính về quy mô và cách thức hoạt động. Cơ quan Điều tra Tội phạm có tổ chức của Anh quốc ước tính 2-5% GDP toàn cầu, tức 800 - 2.000 tỷ USD có liên quan đến hoạt động rửa tiền của giới tội phạm tài chính.
Con số này lớn hơn GDP của Arập Saudi, một quốc gia dầu mỏ giàu có tại Trung Đông với GDP 2018 khoảng 748 tỷ USD và đứng thứ 19 trên thế giới. Tội phạm tài chính đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối và khó giải quyết hàng đầu của các chính phủ trên thế giới. 
Thông thường, giới tội phạm tài chính thông qua các công ty bình phong với nguồn vốn bất hợp pháp, hoặc các công ty hợp pháp tham gia các hoạt động phi pháp, để đưa nguồn tiền bất hợp pháp vào hệ thống tài chính, chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng, nơi quy trình phòng thủ tội phạm tài chính vẫn đang ở giai đoạn phôi thai.
Tình hình thường phức tạp hơn khi giới tội phạm tài chính tại các quốc gia mới nổi lại chính là những người trong bộ máy hành chính và chính phủ, cũng như giới điều hành các tổ chức tài chính. 
2 trường hợp kinh điển của hình thức rửa tiền này là Ngân hàng Danske của Đan Mạch, chi nhánh Estonia, bị lạm dụng để rửa nguồn tiền phi pháp từ Nga và Trung Quốc, với tổng giá trị hơn 228 tỷ USD trong giai đoạn 2007-2015.
Ngân hàng Wachovia của Mỹ với các mối quan hệ giao dịch tại Mexico, bị lạm dụng để rửa nguồn tiền phi pháp từ giới buôn bán chất kích thích và thuốc phiện Mexico, có sự tham gia của nhiều quan chức trong chính quyền Mexico, với tổng giá trị hơn 390 tỷ USD trong giai đoạn 2004-2007.
Hệ quả là Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra các biện pháp trừng phạt đối với nhiều pháp nhân và cá nhân tại 3 quốc gia Nga, Trung Quốc và Mexico.
Còn rửa tiền nhằm mục đích tài trợ khủng bố, tuy nhỏ hơn về quy mô nhưng cách thức tổ chức mang tính phức tạp, để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho sự ổn định xã hội và an ninh kinh tế quốc gia.
Thông thường, các tổ chức khủng bố sẽ đứng trên danh nghĩa nhà đầu tư thành lập các doanh nghiệp hợp pháp và kinh doanh hợp pháp, nhằm tạo ra nguồn tiền hợp pháp để chuyển về các tổ chức này.
Đó là các tổ chức khủng bố nắm rõ tâm lý khát vốn của các doanh nghiệp tại những quốc gia mới nổi, cũng như tính lỏng lẻo trong việc kiểm soát nguồn gốc nhà đầu tư và nguồn vốn của các tổ chức tài chính tại các quốc gia này.
Từ đó thành lập các tổ chức đầu tư với trụ sở đặt tại các thiên đường thuế, như British Virgin Islands, Panama và hoặc Cayman Islands, và thông qua hệ thống công ty con đầu tư vào các quốc gia mới nổi.
Thông thường, các quốc gia nơi thị trường tài chính trở thành điểm trung chuyển nguồn vốn tài trợ khủng bố chịu sự áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm trọng từ Anh, Mỹ và EU, cũng như trở thành những thị trường đỏ thiếu tính minh bạch và toàn vẹn, bị giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư gạt khỏi danh sách điểm đến đầu tư. 
2 trường hợp kinh điển của hình thức rửa tiền này là Ngân hàng HSBC của Anh, với các chi nhánh Trung Đông và Bắc Phi, bị các tổ chức khủng bố lợi dụng để rửa hơn 8 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2010, gây mất ổn định trầm trọng, tạo ra các xung đột tại các quốc gia Bắc Phi.
Ngân hàng Standard Chartered của Anh bị các tổ chức có mối quan hệ với chính phủ Iran lợi dụng để rửa khoản vốn giá trị hơn 265 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2010. Các sự kiện này đều trở thành những vấn đề nhức nhối đối với chính phủ Anh, đã thúc đẩy đợt cải cách cơ quan quản lý triệt để và sâu rộng nhất trong lịch sử quản lý thị trường tài chính của Anh vào tháng 4-2013.
Đối với các quốc gia mới nổi, trong tầm nhìn 2030, giới tội phạm tài chính được dự báo tạo ra 2 khuynh hướng mới: lợi dụng hệ sinh thái công nghệ tài chính, bao gồm các sản phẩm tiền ảo, để trung chuyển nguồn vốn bất hợp pháp với quy mô nhỏ nhưng tổng giá trị lớn; tiếp tục đẩy mạnh việc tận dụng sự thiếu kinh nghiệm quản lý và biện pháp phòng thủ tội phạm tài chính để lạm dụng hệ thống tài chính và thị trường tài chính của các quốc gia mới nổi.
Tội phạm tài chính là nguyên nhân của 3 tác động tiêu cực: sự đổ vỡ của khối kinh tế tư nhân, tính mất ổn định của nền kinh tế và chính sách kinh tế, và tổn hại uy tín quốc gia.

Sự đổ vỡ của khối kinh tế tư nhân
Tội phạm tài chính thường sử dụng các công ty bình phong có nguồn tài chính dồi dào từ các tổ chức tội phạm, tạo ra lợi nhuận hợp pháp và dần chuyển nguồn vốn bất hợp pháp thành hợp pháp thông qua quá trình chi trả lợi nhuận và tái đầu tư.
Trong thị trường mới nổi rất phổ biến các trường hợp quan chức lập công ty sân sau, hoặc công ty do các thành viên trong gia tộc đứng tên để rửa các khoản tiền tham nhũng và tham gia các ngành nghề kinh tế.
Với nguồn vốn vượt trội so với các doanh nghiệp tư nhân, các công ty bình phong này thường tiếp cận được với các đối tượng khách hàng ở những mức giá và dịch vụ các doanh nghiệp tư nhân khác không có khả năng tiếp cận.
Điều này trực tiếp thúc đẩy quá trình đào thải các doanh nghiệp tư nhân với nguồn vốn hợp pháp ra khỏi thị trường, đẩy mạnh thị phần của các công ty bình phong. 

Mất ổn định của nền kinh tế và chính sách kinh tế
Các tổ chức tội phạm chỉ có mục tiêu duy nhất là chuyển hóa nguồn vốn bất hợp pháp thành nguồn vốn hợp pháp, ít quan tâm đầu tư công nghệ, chất xám và kinh nghiệm quản lý.
Thông thường, các tổ chức tội phạm thường đầu tư số vốn lớn vào các ngành nghề phổ thông, thường không thu hút sự quan tâm của giới truyền thông, nhằm bảo toàn vốn và đảm bảo quá trình chuyển hóa của nguồn vốn.
Điều này thường không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, không tạo ra các động lực cần thiết cho sự phát triển bền vững. Trong các quốc gia mới nổi, giới tội phạm tài chính thường nhắm vào các khu vực nhà hàng, khách sạn, xây dựng và bất động sản, tạo ra làn sóng phát triển ảo và bong bóng giá cả.
Hệ quả, khi giới tội phạm tài chính cảm thấy các ngành nghề này không còn tính an toàn, nguồn vốn sẽ bị dịch chuyển sang các ngành khác, gây ra sự đổ vỡ của nhiều khu vực kinh tế và cho nền kinh tế. 
Ở góc độ kinh tế vĩ mô, tội phạm tài chính có thể tạo ra nhiều bất ổn cho chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ, khi hành vi của giới này hoàn toàn đi ngược với các hành vi kinh tế truyền thống.
Một trường hợp điển hình là tỷ giá đi ngược với chính sách quản lý khi giới tội phạm tài chính không đầu tư vào các quốc gia có tỷ suất sinh lợi cao, mà tập trung vào các quốc gia mới nổi, nơi hệ thống nhận diện và phòng ngừa tội phạm tài chính còn non yếu.
Tội phạm tài chính cũng có thể tạo ra tính mất ổn định trong lạm phát. Chẳng hạn thông qua việc tác động đến sự hình thành các cơn sốt tài sản và hàng hóa trong các khu vực kinh tế, giới tội phạm tài chính đánh giá là an toàn cho việc sử dụng nguồn vốn, và có khả năng thu hồi nguồn vốn đã chuyển hóa trong thời gian ngắn.
Hậu quả nhãn tiền là sự tồn tại các bong bóng tài sản, sự thiệt hại về vốn đối với các nhà đầu tư chân chính khi các bong bóng tài sản đổ vỡ.

Tổn hại uy tín quốc gia
Trong nền kinh tế toàn cầu, các chính phủ đều không muốn uy tín và thương hiệu quốc gia bị tổn hại vì có mối liên hệ đến tội phạm tài chính. Bởi khi “dính” vào, các quốc gia này bên cạnh việc không thể thu hút các nguồn vốn và nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế, thường chịu sự trừng phạt của các quốc gia như Anh, Mỹ và EU, mất đi tính cạnh tranh và tiếng nói trên trường quốc tế, chỉ có thể là điểm đến ưa thích của các tổ chức tội phạm.
Quan trọng hơn, khi uy tín quốc gia đã mất, hình ảnh một quốc gia gắn liền với tội phạm tài chính sẽ rất khó để thuyết phục cộng đồng quốc tế. Thông thường, để thực hiện các chương trình tái định hình uy tín quốc gia lấy lại niềm tin từ giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư, các chính phủ sẽ tốn thời gian 5-10 năm và chi tiêu ngân sách đáng kể, và có biện pháp cụ thể phòng ngừa tội phạm tài chính.
Tóm lại, đi cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình hình tội phạm trong và ngoài nước đang có những diễn biến phức tạp.
Song song với các loại hình tội phạm truyền thống, trong quá trình chuyển hóa nền kinh tế trong thời đại số hóa, các hệ sinh thái tài chính mới nổi tại Việt Nam, cũng như các loại hình tiền tệ phi vật thể như tiền ảo, cũng đang tạo ra những thách thức lớn không chỉ với Việt Nam mà còn cho nhiều chính phủ trên thế giới. Không thể phủ nhận các hoạt động kinh tế số đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, với đặc điểm không yêu cầu nhiều sổ sách và chứng từ, kinh tế số đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho giới tội phạm tài chính, nhất là khi các giao dịch gần như không để lại nhiều dấu vết như kinh tế truyền thống, khung pháp lý và quản lý về pháp luật vẫn đang bỏ ngỏ. 

Các tin khác