Trình Quốc hội thông qua mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM

(ĐTTCO) - Ngày 7-10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp trực tuyến thẩm tra dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Theo tờ trình của Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tại phiên họp, Chính phủ đề nghị nghị quyết này có tên gọi là Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM (trong tên gọi không có từ “thí điểm”). 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chính phủ nhận định, việc ban hành nghị quyết là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.
Về mô hình chính quyền đô thị, dự thảo nghị quyết quy định, chính quyền địa phương ở TPHCM gồm có: HĐND và UBND thành phố; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác trên địa bàn thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo đó, UBND quận, phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Các nhiệm vụ của HĐND quận, phường được điều chuyển cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND thành phố; UBND quận, phường; và bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, dự thảo nghị quyết quy định giao cho chủ tịch UBND quận (không chuyển giao nhiệm vụ này cho UBND thành phố) để bảo đảm quy định về thời gian và tiến độ thực hiện của các dự án. 
Chính phủ cũng đề xuất, để kịp thời triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương tại TPHCM từ ngày 1-7-2021 (thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ năm 2021 - 2026), nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021. Điều này đồng nghĩa với việc dự thảo nghị quyết cần được trình Quốc hội xem xét, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn ngay tại kỳ họp thứ 10 tới đây. 
Báo cáo ý kiến nghiên cứu về dự thảo nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức phân tích, việc xác định tên gọi của dự thảo để áp dụng trực tiếp và lâu dài, không thí điểm, thử nghiệm trước khi tiến hành tổng kết, đánh giá là “khó lý giải”. Bởi lẽ, nếu đề nghị của Chính phủ được chấp thuận thì thời điểm 1-7-2021 sẽ có tới 3 nghị quyết về việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị có hiệu lực thi hành; trong đó có 2 địa phương (tại Hà Nội và Đà Nẵng) thực hiện thí điểm, một địa phương lại không tiến hành thí điểm mà thực hiện ngay. “Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu trường hợp này không tiến hành thí điểm thì phải trình Quốc hội ban hành một đạo luật về chính quyền đô thị tại TPHCM, song song tồn tại với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Có như vậy, mới bảo đảm về giá trị pháp lý, hiệu lực và tính ổn định, lâu dài của quy định, cũng như tránh gây sự không thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông Phạm Trí Thức nhận định. 
Vẫn theo ông Phạm Trí Thức, vì lý do nêu trên, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị giữ lại từ “thí điểm” trong tên gọi của nghị quyết. Mặt khác, do đây là vấn đề lớn, hệ trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, nên để bảo đảm tính thận trọng, dự thảo nghị quyết này cần được báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. 
Tại phiên họp, các ý kiến đều ủng hộ việc bổ sung dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội, trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 10. Tuy nhiên, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết, vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành đề xuất của Chính phủ - cũng là mong muốn của cử tri, người dân TPHCM. Một số ý kiến khác tán thành đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật, với lý do thực hiện theo hướng này cũng phù hợp với tinh thần của kết luận của Bộ Chính trị và có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, không gây chậm trễ trong triển khai mô hình chính quyền đô thị một cấp tại TPHCM.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc trao một số thẩm quyền cho UBND quận, phường, nhất là trong quyết định chủ trương đầu tư công; để tên gọi phù hợp với tính chất, phương thức hoạt động của UBND quận, phường (chỉ là cánh tay nối dài của UBND thành phố, không phải là một cấp ngân sách độc lập)… 

Các tin khác