Giải mã nhập siêu

Những năm trước, khi Việt Nam xuất siêu, nhiều chuyên gia không tỏ ra hào hứng bởi nguyên nhân không nằm ở cơ cấu kinh tế, mà chủ yếu do các yếu tố bên ngoài. Nay xuất siêu đã chính thức trở lại, nên mừng hay lo? Những người có suy nghĩ tích cực cho rằng nhập siêu tăng là dấu hiệu cho thấy kinh tế hồi phục, nhập khẩu tăng nhanh.
 

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập siêu 2,97 tỷ USD, bằng khoảng 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, riêng tháng 5 nhập siêu ước 900 triệu USD, bằng 6,7% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, sau 3 năm xuất siêu, nhiều khả năng năm 2015 Việt Nam nhập siêu trở lại.

Những năm trước, khi Việt Nam xuất siêu, nhiều chuyên gia không tỏ ra hào hứng bởi nguyên nhân không nằm ở cơ cấu kinh tế, mà chủ yếu do các yếu tố bên ngoài. Nay xuất siêu đã chính thức trở lại, nên mừng hay lo? Những người có suy nghĩ tích cực cho rằng nhập siêu tăng là dấu hiệu cho thấy kinh tế hồi phục, nhập khẩu tăng nhanh.

Dẫn chứng điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cho rằng sự hồi phục của khu vực sản xuất đã dẫn tới việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tác động tới nhập siêu. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, riêng 2 dự án lớn của Samsung và Formosa đã nhập khẩu hơn 1 tỷ USD máy móc, thiết bị.

Thế nhưng, ở góc độ ngược lại, không ít chuyên gia lo ngại nhập siêu quay trở lại là chỉ dấu tiêu cực cho ổn định kinh tế vĩ mô. Trên thực tế, nhập siêu là "căn bệnh" khó chữa ở Việt Nam. Ngoại trừ giai đoạn 2012-2014 có xuất siêu, năm 2008 mức nhập siêu của cả nước 17,5 tỷ USD; năm 2009 là 12,2 tỷ USD; năm 2010 là 12,7 tỷ USD; và 2011 lên tới 13,8 tỷ USD.

Điều chỉnh cơ cấu kinh tế để gia tăng giá trị xuất khẩu, giảm giá trị nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu vẫn luôn là trăn trở của các cơ quan điều hành chính sách. Bởi lẽ, chỉ khi nhìn nhận thấu đáo vấn đề này mới có thể đưa ra được những giải pháp xử lý triệt để, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nguyên nhân nhập siêu trở lại đến từ tốc độ gia tăng nhập khẩu tương đối ổn định trong khi xuất khẩu tăng chậm do suy giảm tại khu vực doanh nghiệp trong nước. Do ngành chế biến chế tạo có tỷ lệ nhập khẩu cao, sự gia tăng trong sản xuất của các doanh nghiệp đang hoạt động và vận hành mới của các doanh nghiệp FDI trong những tháng đầu năm 2015, đã dẫn tới gia tăng trong nhập khẩu.

Tỷ giá ngoại hối cũng đang diễn biến theo hướng có lợi cho nhập khẩu. Đồng EUR và yen trượt giá so với USD, qua đó giảm giá so với VNĐ, đã thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường này. Trong khi đó, xuất khẩu đang giảm cả về giá và lượng. Số liệu thống kê cho thấy do giá dầu thô giảm nên kim ngạch xuất khẩu dầu thô trong 4 tháng đầu năm đã giảm tới 1 tỷ USD. Xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp trong nước, ước chỉ đạt 8,14 tỷ USD trong 5 tháng qua, giảm 9,5% so với cùng kỳ.

Nói đến nhập siêu không thể không nhắc tới thị trường Trung Quốc. Trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhập siêu vẫn chủ yếu từ Trung Quốc và tăng dần qua từng năm. Năm 2009, tổng nhập siêu của Việt Nam 12,2 tỷ USD, riêng từ Trung Quốc lên đến 11,5 tỷ USD. Năm 2011, nhập siêu 13,8 tỷ USD, trong đó Trung Quốc 9,5 tỷ USD. Năm 2013, Việt Nam xuất siêu 900 triệu USD nhưng nhập siêu từ Trung Quốc 23,7 tỷ USD. Năm 2014, Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc 29 tỷ USD. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2015, tổng nhập siêu của Việt Nam gần 3 tỷ USD, trong khi nhập từ Trung Quốc 10,7 tỷ USD.

Những số liệu trên cho thấy nỗ lực cân bằng cán cân thương mại chỉ cần xử lý ở một điểm nhấn. Hồi tháng 5-2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng đó là cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Nhưng thực tế 1 năm qua cho thấy các giải pháp đưa ra vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân cuối tháng 4 vừa qua, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã không ngần ngại nhắc tới “một cơ hội bị bỏ lỡ” trong cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc. Câu chuyện thương mại với Trung Quốc còn rối rắm và phức tạp ở chỗ có sự khác biệt quá lớn trong con số thống kê của 2 phía. Năm 2014, Việt Nam thống kê đã xuất khẩu sang Trung Quốc 14,9 tỷ USD, nhưng phía Trung Quốc lại tính 19,9 tỷ USD.

Ngược lại, Việt Nam tính nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 43 tỷ USD, trong khi Trung Quốc tính tới 58 tỷ USD. Tổng mức chênh lệch lên tới 20 tỷ USD! Đã có ý kiến cho rằng sự khác biệt này là do nhập lậu. Theo TS. Trần Đình Thiên, nếu không tính đúng, tính đủ không thể kiểm soát được tình hình. Và như vậy, làm sao có được lời giải cho bài toán giảm nhập siêu từ Trung Quốc một cách hữu hiệu nhất.

Đã đến lúc cần có một chương trình tổng thể để tái cân bằng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là giải pháp hữu hiệu nhất cho căn bệnh nhập siêu của Việt Nam. Vấn đề này không chỉ là sự điều hành của Việt Nam mà cần có sự tham gia của phía Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, từng tỏ ra băn khoăn: “Trung Quốc với Hoa Kỳ có nhập siêu lớn đã ngồi lại với nhau để họp bàn. Còn ta, sao không thấy?”. Câu hỏi này có lẽ cần sớm được giải đáp.

Các tin khác