Tín dụng bất động sản

Khép chứ không đóng

Thực hiện chủ trương cắt giảm tỷ lệ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, các NHTM đã bắt đầu siết tín dụng ở lĩnh vực này, trong đó bất động sản (BĐS) và chứng khoán được “soi” kỹ nhất. Ngay cả đối với những NHTM có “room” tín dụng BĐS còn rộng vẫn ngại đẩy vốn vào lĩnh vực này.

Thực hiện chủ trương cắt giảm tỷ lệ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, các NHTM đã bắt đầu siết tín dụng ở lĩnh vực này, trong đó bất động sản (BĐS) và chứng khoán được “soi” kỹ nhất. Ngay cả đối với những NHTM có “room” tín dụng BĐS còn rộng vẫn ngại đẩy vốn vào lĩnh vực này.

Dừng để thu hồi vốn

Chủ trương của NHNN các NHTM sẽ phải tuân thủ nghiêm túc, nhưng giảm dư nợ BĐS không có nghĩa là không cho vay với tất cả khách hàng. Đây là thời điểm để các ngân hàng cơ cấu lại tín dụng, ưu tiên khách hàng tốt có dự án vay vốn khả thi. Với VIB những dự án đã ký với khách hàng vẫn triển khai theo hợp đồng, đặc biệt vẫn ưu tiên tín dụng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thực sự.

Ông Ngô Xuân Dũng, Giám đốc điều hành VIB TPHCM

Chỉ thị 01 của NHNN yêu cầu các NHTM phải kéo dư nợ phi sản xuất, trong đó có cho vay BĐS xuống dưới 22% đến cuối tháng 6 và xuống dưới 16% đến cuối năm 2011. Số liệu từ NHNN cho biết đến nay có khoảng 25 NHTM có dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ 25% trở lên, trong đó có ngân hàng dư nợ phi sản xuất chiếm 50-55%/tổng dư nợ. Thực tế, trong dư nợ phi sản xuất, lĩnh vực cho vay chứng khoán và các lĩnh vực khác chiếm dư nợ không cao mà chủ yếu là BĐS.

 Vài năm gần đây khi thị trường chứng khoán ảm đạm, các NHTM đã dừng hẳn việc đổ vốn vào lĩnh vực này, nếu có thì việc thu hồi vốn cũng nhanh vì hầu hết là tín dụng ngắn hạn không quá 6 tháng. Trong khi đó lĩnh vực BĐS dù tỷ lệ chiếm không quá lớn trong tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng nhưng phần lớn là tín dụng trung, dài hạn, ít nhất 6-7 năm mới thu hồi vốn. Hiện cho vay tín dụng lĩnh vực BĐS chiếm 23%/tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, nếu giảm xuống theo đúng yêu cầu của NHNN, dự kiến dòng vốn tín dụng mất khoảng 5 tỷ USD. Vì thế nhiều ngân hàng cổ phần như OCB, KienLongBank, WesternBank… đã phải dừng cho vay BĐS.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB, cho biết mặc dù nợ phi sản xuất chiếm trên 35%/tổng dư nợ nhưng việc kéo giảm các tỷ lệ này xuống nằm trong khả năng của OCB. Cụ thể ngân hàng sẽ đẩy tổng dư nợ tín dụng lên mức tăng trưởng 20% để kéo rộng room dư nợ phi sản xuất và chỉ khoảng 1-2 tháng nữa OCB sẽ đủ mức tăng trưởng tín dụng 20%. Hiện nay OCB đã yêu cầu toàn hệ thống dừng cho vay BĐS và chứng khoán, đồng thời đẩy mạnh thu hồi nợ. Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT TrustBank, cho biết dừng cho vay lĩnh vực này và đang đẩy mạnh thu hồi nợ. Những dự án đã ký hợp đồng TrustBank yêu cầu chủ đầu tư dời lại năm sau. Những khoản vay đang giải ngân trước mắt sẽ thương lượng với người vay và chủ đầu tư để chậm giải ngân khoản nào hay khoản đó. Riêng đối với những khoản vay đến hạn, ngân hàng sẽ tích cực thu hồi và không cho vay lại.

Ưu tiên dự án dở dang và cá nhân

Không chỉ đối với ngân hàng nhỏ, các ngân hàng lớn như ACB, Sacombank… cũng đang hạn chế bơm vốn vào lĩnh vực phi sản xuất, nhất là BĐS. Theo đó ACB không có chủ trương cho vay đầu tư vào các dự án BĐS mà chỉ cho vay đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở. Vì vậy, dư nợ ở lĩnh vực này không lớn. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, ACB sẽ ưu tiên vốn vào lĩnh vực sản xuất, nếu có cho vay dự án liên quan đến BĐS sẽ sàng lọc, ưu tiên các công trình gián tiếp phục vụ cho sản xuất. Trong khi đó, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, cho biết đã dừng cho vay dự án BĐS mới. Với những dự án đang dở dang ngân hàng vẫn giải ngân, vì nếu dừng doanh nghiệp sẽ khó khăn và ngân hàng cũng không thể thu hồi nợ. 

Người dân có nhu cầu mua nhà để ở vẫn được ưu tiên vay vốn ngân hàng. Ảnh: LÃ ANH

Người dân có nhu cầu mua nhà để ở vẫn được ưu tiên vay vốn ngân hàng. Ảnh: LÃ ANH

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc giảm dư nợ tín dụng cho vay BĐS ở các NHTM dễ hay khó tùy thuộc vào cách hạch toán. Tức có ngân hàng sẽ “lách luật” hợp thức hóa các giấy tờ để chứng minh các khoản cho vay BĐS thành cho vay sản xuất, hoặc cho vay BĐS trực tiếp phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên nhiều NHTM đang gửi kiến nghị NHNN hướng dẫn cụ thể về cho vay phi sản xuất và không phi sản xuất để thuận lợi trong hạch toán nhằm điều chỉnh kế hoạch tín dụng phù hợp.

Siết tín dụng BĐS tất yếu sẽ buộc các ngân hàng tính toán chọn lọc đối tượng khách hàng cho vay, chấp nhận buông những dự án không hiệu quả. Nhưng đối với các dự án có đủ điều kiện pháp lý, vị trí đắc địa vẫn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư và ngân hàng mở rộng hầu bao. Một tin vui cho thị trường BĐS là dù đóng cửa tín dụng nhưng nhiều ngân hàng cho biết vẫn sẽ dành một khoản vốn nhất định cho khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà.

Ông Trần Phương Bình cho biết tỷ lệ dư nợ BĐS với khách hàng cá nhân rất nhỏ trong tổng dư nợ nên ngân hàng sẽ dành vốn cho vay để đáp ứng nhu cầu an cư của người dân. Mới đây, VIB cũng công bố chương trình tín dụng cho khách hàng vay vốn mua nhà của Vĩnh Đức Home.

Các tin khác