Kỷ lục thanh khoản: hơn 6.600 tỷ đồng

Ngày 20-2, TTCK lập kỷ lục về thanh khoản cao nhất mọi thời, với GTGD cả 2 sàn đạt gần 5.500 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 21-3, lại có thêm một kỷ lục mới được thiết lập khi GTGD toàn thị trường lên đến hơn 6.600 tỷ đồng.

Ngày 20-2, TTCK lập kỷ lục về thanh khoản cao nhất mọi thời, với GTGD cả 2 sàn đạt gần 5.500 tỷ đồng. Nhưng đến ngày 21-3, lại có thêm một kỷ lục mới được thiết lập khi GTGD toàn thị trường lên đến hơn 6.600 tỷ đồng.

Choáng

Nhiều người đã dự đoán phiên 21-3 sẽ là một phiên “bom tấn” về thanh khoản, vì lý do khá đơn giản và dễ đoán đó là các quỹ ETF hoàn tất cơ cấu danh mục đầu tư trong phiên này, lượng mua vào hay bán ra đều sẽ ở mức “khủng”. Nhưng cái cách các ETF hành động trong đợt 3 (khớp lệnh định kỳ, xác định giá đóng cửa) có thể khiến những người có thâm niên gắn bó với TTCK cũng cảm thấy choáng váng.

Khoảng từ 14 giờ 30 đến 14 giờ 35, lệnh mua ATC (mua với giá đóng cửa) được đổ vào ào ạt khiến một số blue chip tăng trần, nhưng ở chiều ngược lại một số CP có vốn hóa lớn khác cũng bị “đè” bán không thương tiếc với khối lượng lên đến vài triệu đơn vị CP. Đến khoảng 14 giờ 40, mọi thứ bắt đầu cân bằng hơn khi CP lúc nãy còn ở trạng thái giảm sàn giờ chỉ giảm nhẹ 100-200 đồng/CP, còn một số mã ban đầu tăng trần sau chỉ tăng nhẹ, thậm chí quay sang giảm.

Kết thúc phiên, VN Index tăng 1,49 điểm lên 601,75 điểm, GTGD đạt 4.800 tỷ đồng, HNX Index tăng 0,66 điểm lên 90,36 điểm cùng GTGD hơn 1.800 tỷ đồng.

Là một người đã làm việc trong ngành chứng khoán được 8 năm, anh H. nói nửa đùa nửa thật rằng: “Có khi nào TTCK có bull trap không?”. Nhận định này xuất phát từ một số lần VN Index tạo đỉnh cũng là lúc KLGD được đẩy lên mức cao nhất. Vậy còn lần này thì sao?

Phiên 21-3, NĐTNN mua vào gần 85 triệu USD, gấp 5 lần so với phiên trước đó và đồng thời giá trị bán của khối này cũng tăng lên gần 104 triệu USD, gấp 4 lần hôm trước. Khoảng 20 triệu USD bán ròng của khối ngoại không phải là con số quá lớn nên cầu từ khối nội đã “cân” một cách dễ dàng. Nếu nói về mức độ “đáng ngại” phiên 20-3 mới đáng chú ý, vì trong phiên này VN Index đã giảm khá mạnh và khá lâu, bắt đầu từ đầu giờ chiều cho tới kết thúc phiên, mất hơn 5 điểm, còn 600,3 điểm. Điều này cho thấy ngưỡng tâm lý quan trọng này vẫn “trụ” được, nhưng lại “trụ” một cách khá “chơi vơi”.

Nhưng nếu quan sát kỹ về thanh khoản trong phiên 20-3, có thể nhận thấy một xu hướng rất tích cực và cũng đã kéo dài từ khá lâu, đó là lực cầu giá thấp vẫn rất cao. Nói là “giá thấp” thực ra cũng chỉ là thấp… trong phiên, tức là thấp so với giá tham chiếu.

NĐT hăng lên

Nói như một NĐT dày dạn kinh nghiệm, điều này cho thấy NĐT vẫn rất… máu chiến, cứ “giá đỏ” (giảm) là “lên tàu” (mua vào). Và cái sự “máu” này thể hiện rõ nhất tại “sàn Hà” (tức HNX). Cần nhắc lại là lực mua “giá đỏ” trong phiên 20-3 tại HOSE khá cao, nhưng đến khi CP quay lại “giá vàng” bắt đầu chùng xuống, còn tại HNX mạnh mẽ hơn hẳn khi đẩy HNX Index từ chỗ giảm giá lên thành tăng nhẹ khi kết thúc phiên.

Để nhận diện xu hướng của VN Index cũng như của thị trường, hiện một số NĐT đang sử dụng phương pháp quan sát, nhận định liên quan đến một số CP vốn hóa lớn, tác động mạnh đến biến thiên của VN Index. Các CP này được gọi là “trụ” và trong mỗi giai đoạn tương ứng sẽ có chức năng khác nhau, gồm trụ đẩy, trụ kéo, trụ xả, trụ giữ…

Về mặt điểm số, VN Index đã có 3 phiên trụ trên ngưỡng tâm lý quan trọng 600 điểm, còn HNX Index đã có phiên đầu tiên vượt ngưỡng 90 điểm. Vẫn còn khá sớm để nói về điều gì đó chắc chắn nên hiện giờ vẫn còn ít nhất 2 luồng quan điểm. Đầu tiên là với VN Index, quan điểm thận trọng cho rằng khu vực 605-610 điểm chừng nào được chinh phục thì chỉ số này mới “chắc ăn” cho một xu hướng tăng lên 630 điểm, còn lại vẫn rất rủi ro vì 600 điểm trên phương diện phân tích kỹ thuật không phải là mốc quan trọng. Nhưng nếu nhìn dưới góc độ thị trường ngưỡng 600 điểm trụ được sau 3 phiên đã khá ấn tượng khi kẻ mua người bán ngày càng tấp nập hơn. 

Thị trường vẫn đang được hỗ trợ từ các tin tức vĩ mô tích cực liên quan đến CPI, lãi suất và những động thái hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, kỳ vọng của các NĐTNN đối với triển vọng của TTCK trong trung và dài hạn rất tốt. Nhưng trong ngắn hạn, vẫn có những vấn đề đáng chú ý, liên quan đến tâm lý của các NĐT. Một tâm lý khá phổ biến khi TTCK lên, nhiều khi ai cũng nghĩ mình là… Warren Buffett. Thực tế, trong một giai đoạn TTCK được ví là “mạnh như rồng”, có khi chỉ cần mua CP, kiên nhẫn giữ (hold) một thời gian sau CP sẽ tăng giá. Thậm chí, mua CP nghĩ rằng CP sẽ tăng giá vì lý do này, lý do nọ, cuối cùng CP cũng tăng.

Những điều này đã nảy sinh tâm lý chủ quan cho các NĐT, nói một cách đơn giản mua trúng một CP “nóng” nào đó tại HNX, CP sau đó tăng trần 4 phiên liên tiếp, lãi hơn 40%, ai mà không “sướng”. Nếu các CTCK chủ động giảm lãi suất margin, tăng hỗ trợ cho khách hàng xu hướng NĐT “hăng máu” với những CP nóng, CP mà khi mua không nắm rõ được công ty như thế nào sẽ còn diễn ra nhiều hơn nữa.

Động lực cho TTCK

Về mặt diễn biến thị trường, tuần này VN Index sẽ phụ thuộc vào các “trụ” bao gồm nhóm ngân hàng với BID, VCB và “tứ trụ” quen thuộc gồm BVH, MSN, VIC và VNM. Tuần rồi, MSN và nhóm ngân hàng “tỏa sáng” nhất cả về biến động giá và thanh khoản. Với MSN, tuần rồi CP này đã được các ETF đưa vào danh mục, còn nhóm ngân hàng với BID và VCB làm đầu tàu, sau một giai đoạn “ngủ yên” đã có dấu hiệu “thức giấc”. BVH và VNM tuần rồi có diễn biến giá không thuận lợi, nhưng điều này không bắt nguồn từ yếu tố cơ bản mà do các giao dịch của thị trường.

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH

Cả tuần qua, BVH không có phiên nào “giá xanh” (tăng), nhưng khi tiến sát vùng giá 47.000 đồng/CP, lực mua đã tăng rất mạnh. Và với xu hướng “xoay trụ”, “đổi trụ” diễn ra khá thường xuyên trong thời gian qua, khả năng tuần này BVH, VNM sẽ có những tín hiệu khởi sắc, điều tương tự cũng sẽ diễn ra với VIC.

Phiên cuối tuần, cả VIC và VNM là những “trụ chính” góp phần cho việc tăng điểm của VN Index. Phiên 21-3, đã có lúc giá khớp lệnh tạm tính vào đợt 3 của VIC được đẩy lên giá trần, kết thúc phiên VIC tăng 2.000 đồng lên 78.500 đồng/CP thanh khoản của CP này cũng đã tăng lên 2,5 triệu CP.

Nhiều khả năng dòng tiền mạnh mẽ từ NĐT nội sẽ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy TTCK trong tuần cuối cùng của tháng 3. Còn với các NĐTNN, sau khi hoạt động tích cực tuần rồi, động thái của các ETF có thể dịu đi đôi chút. Vậy nên, kịch bản VN Index sẽ diễn biến tương đối tích cực, nhưng không quá bùng nổ sẽ xuất hiện. Dòng tiền của thị trường có thể tập trung vào một số CP, một số nhóm, sẽ di chuyển theo hướng nhanh hơn, tích cực hơn và kèm theo đó là xu hướng đầu cơ. 

Các tin khác