Trách nhiệm khi chậm cấp vốn

(ĐTTCO) - Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 được kỳ vọng tạo ra cú hích để huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư các dự án hạ tầng, giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước (NSNN). 
Các nhà đầu tư đã rất mong đợi các văn bản dưới luật sớm được ra đời nhằm tháo gỡ, khắc phục khó khăn, bất cập trong đầu tư PPP tồn tại từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, một trong những điều mong đợi nhất của các nhà đầu tư là trách nhiệm của nhà nước ra sao trong việc cấp vốn cho dự án theo thỏa thuận vẫn chưa được làm rõ.
Theo Khoản 2, Nghị định 28/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo hình thức PPP vừa được Chính phủ ban hành cuối tháng 3, vốn nhà nước trong dự án PPP được thanh toán khi cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn, giao dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật. 
Đại diện Vụ PPP (Bộ GTVT) cho rằng, quy định này mới chỉ nêu nghĩa vụ thanh toán mà chưa có nội dung cách thức xử lý trong trường hợp Nhà nước chậm giao kế hoạch vốn. Trong khi, trên thực tế, không ít dự án PPP triển khai trong thời gian qua bị chậm tiến độ do phía cơ quan có thẩm quyền không bố trí kịp thời vốn NSNN.
Điển hình là tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nguồn vốn NSNN cho giải phóng mặt bằng theo cam kết là hơn 4.000 tỷ đồng đã bị “treo” nhiều năm qua, khiến dự án lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính. Tương tự, tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả, hiện NSNN vẫn chưa cấp khoản vốn 1.180 tỷ đồng còn lại khiến nhà đầu tư điêu đứng, không đủ tiền để vận hành công trình. 
Theo các chuyên gia, các thỏa thuận cấp vốn đều đã được nêu rõ trong hợp đồng BOT ký kết giữa đại diện cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng trong một số trường hợp, phía cơ quan nhà nước đã đơn phương không thực hiện điều khoản trong hợp đồng và phần thiệt hại thuộc về doanh nghiệp. Vấn đề này khiến nhiều nhà đầu tư rất lo ngại và đang gây bất lợi trong quá trình đàm phán hợp đồng các dự án đường cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP. Hiện có 3 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Các dự án này dù đã đấu thầu, lựa chọn xong nhà đầu tư từ cuối năm 2020 nhưng quá trình đàm phán hợp đồng giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư trúng thầu vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Một số nhà đầu tư yêu cầu cần phải tính lãi nếu nhà nước chậm giải ngân phần vốn hỗ trợ. Cụ thể, trong trường hợp dự án được chấp thuận cấp vốn ngân sách nhưng chưa được bố trí và giải ngân kịp thời, nhà đầu tư có quyền huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án và được tính lãi vay. Yêu cầu này hoàn toàn chính đáng và cần được các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Tài chính, xem xét. 
Theo quy hoạch mới nhất của Bộ GTVT, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc, trong đó sẽ hoàn thành xây dựng đường vành đai 3, 4, 5 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3, 4 vùng TPHCM; hoàn thiện đường ven biển dọc các tỉnh gồm hệ thống quốc lộ và đường địa phương… Để đạt mục tiêu này, bên cạnh vốn NSNN, nguồn vốn xã hội hóa vẫn là kênh đặc biệt quan trọng.
Muốn vậy, các quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được đúc kết từ thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP cần được bổ sung kịp thời. Nếu các nhà đầu tư không cảm thấy việc cam kết cấp vốn từ phía nhà nước là chắc chắn, họ sẽ không dám tham gia. Và như vậy, các mục tiêu lớn về đột phá hạ tầng giao thông trong thời gian tới sẽ khó thành hiện thực. 

Các tin khác