Trà Vinh: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển

(ĐTTCO) - Nhân kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Trà Vinh, tại Trường ĐH Trà Vinh đã  tổ chức hội thảo về “Khai thác tiềm năng kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững ĐBSCL”, thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các ngành Trung ương, các tỉnh, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp… tham dự. 
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, là tỉnh nằm ở cửa ngõ của vùng ĐBSCL ra biển Đông, có Cảng Định An đang thi công, là cảng biển lớn nhất vùng ĐBSCL, dự kiến tháng 6-2020 hoàn thành 1 trong 3 bến, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn. Đây được xem là cửa ngõ huyết mạch của vùng.
Ông Lê Văn Hẳn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Trà Vinh được Trung ương quan tâm quy hoạch và đầu tư nhiều công trình trọng điểm mang tầm quốc gia như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Khu Kinh tế Định An...
Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động thu hút được nhiều nhà đầu tư trên các lĩnh vực hạ tầng cảng biển, điện gió, điện mặt trời, chế biến thủy hải sản, du lịch… Trà Vinh có điều kiện phát triển kinh tế biển nhờ hệ thống hạ tầng đầu tư khá, đặc biệt là cả giao thông đường thủy và đường bộ liên hoàn với 4 Quốc lộ và 2 sông lớn (sông Tiền, sông Hậu), bảo đảm nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trong vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ và sang vương quốc Campuchia. 
Về nguồn nhân lực, Trà Vinh hiện có 1 trường đại học, 2 trường cao đẳng và hệ thống trường dạy nghề. Riêng Trường Đại học Trà Vinh có hơn 20.000 sinh viên theo học, hằng năm tốt nghiệp ra trường và cung cấp cho thị trường lao động từ 4.000-5.000 lao động. Thời gian qua, kinh tế biển của tỉnh phát triển tương đối đều; đến nay, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ven biển đóng góp 59,75% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh. 
PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Trường ĐH Ngoại Thương nhận định, tỉnh Trà Vinh được Trung ương quan tâm đầu tư phát triển kinh tế biển và hệ thống logistics, bởi Trà Vinh có vị trí địa lý thuận lợi là nằm giữa hai con sông lớn tạo ra lợi thế phát triển đường thủy rất mạnh, tiềm năng phát triển vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, cái thiếu hiện nay là chưa kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics. Chưa xây dựng chiến lược phát triển logistics của tỉnh dựa trên chiến lược phát triển hệ thống cảng biển; chưa xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hoá xuất khẩu điển hình của tỉnh… những hạn chế  này cần nhanh chóng khắc phục. 
Tiến sĩ Lê Thị Thu Diềm, Trường ĐH Trà Vinh chỉ ra nguồn nhân lực logistics còn thiếu cả về lượng và chất, hạ tầng logistics chưa đồng bộ; doanh nghiệp logistics nói chung và logistics trong kinh tế biển còn quá ít và yếu. Giải pháp trước mắt nên  xem xét xây dựng khung tiêu chí phát triển dịch vụ cảng biển nước sâu tại tỉnh Trà Vinh. Các tiêu chí xây dựng phải được đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. 
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Thanh, Trường ĐH Trà Vinh đề xuất việc nghiên cứu phát triển du lịch biển nhằm giúp nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển. Việc phát triển du lịch biển còn góp phần giải quyết việc làm cho cư dân địa phương; đồng thời kích thích sự phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật vùng ven biển, làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội vùng ven biển. 

Các tin khác