TPP mới giải quyết điều kiện cần cho xuất khẩu

Muốn hưởng lợi thế từ TPP, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể và bản thân doanh nghiệp (DN) phải chủ động tạo sức mạnh cho mình.

Muốn hưởng lợi thế từ TPP, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể và bản thân doanh nghiệp (DN) phải chủ động tạo sức mạnh cho mình.

Năm 2013, Vinatex cán đích gần 3 tỷ USD, tăng trưởng 13% so với 2012. Toàn ngành đã cán đích xuất khẩu 20 tỷ USD. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước suy giảm; đặc biệt là tất cả các thị trường Mỹ, châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp cao, ảnh hưởng đến sức mua.

Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, nhất là trong tư thế chuẩn bị đón nhận cơ hội thị trường lớn khi Hiệp định TPP được ký kết, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex cho rằng, có rất nhiều thách thức mà Tập đoàn nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung đang phải đối mặt.

Năm 2013, Vinatex cán đích gần 3 tỷ USD, tăng trưởng 13% so với 2012.
Năm 2013, Vinatex cán đích gần 3 tỷ USD, tăng trưởng 13% so với 2012.

TPP mới là điều kiện cần

Theo ông Trường, trong cái khó khăn của dệt may, bên cạnh vấn đề phát triển thị trường, giải quyết việc làm, tăng lương, đảm bảo an sinh xã hội... thì đối mặt với vấn đề buôn vải. Tuy không phải buôn lậu mà là buôn chính thức nhưng như... buôn lậu. Chẳng hạn, có những hóa đơn nhập vải từ Trung Quốc dưới giá thành (ví dụ giá 30.000-40.000 đồng, nhưng xuất hóa đơn ghi giá chỉ 8.000 đồng), tức là không chịu thuế.

Cho nên, trong năm 2014, ông Trường đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương, Chính phủ chỉ đạo sát sao vấn đề này. “Vì nó không phải hoạt động chuyển giá mà là trốn giá từ khâu nhập. Điều này ảnh hưởng rất lớn cho sản xuất dệt may trong nước. Đây cũng là các thách thức cho chúng tôi khi chuẩn bị cho TPP”- ông Trường nhấn mạnh.

Bàn về lợi thế khi gia nhập TPP, ông Trường cho rằng, “Nếu TPP được ký kết, cũng chỉ mới giải quyết được điều kiện cần cho xuất khẩu. Bởi vì, chúng ta đi sau các cường quốc dệt may đã có nguyên liệu, thiết bị như Ấn Độ, Trung Quốc... Họ đã đi trước 15 năm, khấu hao của họ đã về 0. Cho nên, bây giờ sức cạnh tranh của họ rất mạnh. Họ có sẵn thị trường, nhân lực, đầu tư trước đã khấu hao xong.

Hơn nữa, khi vào thị trường TPP, ông Trường lấy ví dụ, “nếu được lợi về thuế khoảng 15%, thì người tiêu dùng các nước trong TPP cũng được hưởng một phần. Khi đó, chắc chắn người tiêu dùng yêu cầu giá hàng nhập khẩu phải thấp xuống, để họ được chia sẻ lợi ích thì họ mới tích cực tham gia vào mua hàng của chúng ta”.

Do đó, theo ông Trường, cần phải có giải pháp để bù đắp cho việc mất lợi thế của chúng ta. Đó là nếu có TPP, với quản trị tốt, đầu tư hợp lý và chuẩn mực, chúng ta có thể tăng tốc, bùng nổ kim ngạch xuất khẩu”. Vì thị phần của dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới rất lớn. Chẳng hạn, hàng dệt may Việt Nam đang đứng thứ 2 về xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng kim ngạch chỉ đạt 8 tỷ USD, trong khi đó Trung Quốc đạt tới 50 tỷ USD ở thị trường này.

Cần hình thành gói tín dụng để hỗ trợ đón đầu TPP

Trước ngưỡng cửa TPP, ông Trường đánh giá: Dư địa cho xuất khẩu, nếu có TPP, là rất tốt, nhưng cần phải làm rất nhiều việc. Đó là cần đầu tư cho nguyên liệu là khâu chi phí rất cao (chi phí dệt và nhuộm cao hơn may và sợi).

Bản thân Vinatex đã đi trước một bước là đầu tư mạnh cho khâu sợi và may để đón đầu TPP. Vừa qua, Vinatex đầu tư một loạt các nhà máy may, nhà máy sợi tại các địa phương. Vì bản thân sợi và may đã có thị trường. Cho dù chỉ số lợi nhuận không cao nhưng cũng đã an toàn. Sau đó, khi có TPP, Vinatex sẽ đầu tư nối kết vào khúc giữa là dệt, nhuộm thì sẽ an toàn.

Lý giải nguyên nhân hiện chưa dám đầu tư nhiều vào khâu dệt, nhuộm, ông Trường cho hay: “Do ở nước ta đầu tư sử dụng vốn vay, chờ niên độ 2 năm thì định phí này chịu không nổi”.

Một trong những áp lực nữa khiến sức mạnh của dệt may Việt Nam so với nước ngoài còn hạn chế. Đó là, trong 2 năm gần đây hấp thụ FDI cho dệt may là 1 tỷ USD, trong khi đó 15 năm qua cũng chỉ có 3 tỷ USD. Điều này cho thấy, nước ngoài họ cũng căn TPP của Việt Nam rất kỹ.

Do nguồn lực của dệt may trong nước rất hạn chế, vốn rất khó khăn. Cho nên, “dù chúng ta chiến đấu cho TPP rất quyết liệt ở cấp Chính phủ, nhưng để tận hưởng lợi ích từ TPP, nếu không làm nhanh khâu đầu tư của dệt may và các ngành khác nói chung, thì nước ngoài sẽ đầu tư vào để hưởng cái lợi này. Bởi với vốn, công nghệ, tài chính, thị trường có sẵn, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư rất nhanh. Ví dụ, một nhà máy tại Quảng Ninh được đầu tư 5 triệu USD, làm trong vòng 1 năm đã có thể làm tới đâu sản xuất tới đó”.

Lãnh đạo Vinatex đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ nên xem xét cho hình thành gói tín dụng cho các DN phục vụ đón đầu TPP, trong đó có dệt may. Lấy ví dụ so sánh với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho BĐS, ông Trường cho rằng: Nếu dệt may cũng có được gói khoảng 10.000 tỷ đồng cũng sẽ là một thuận lợi cho đẩy mạnh đầu tư tại các địa phương.

Nếu có tín hiệu tốt từ TPP, Vinatex sẽ dành nguồn lực đầu tư nhanh cho dệt, nhuộm để đón đầu. Hiện nhiều hạ tầng phục vụ dệt nhuộm là có sẵn, mặc dù trước đây các địa phương kỳ thị với dệt nhuộm vì lo ô nhiễm môi trường. Nhưng nay Vinatex cam kết khi đầu tư sẽ đảm bảo xử lý tốt về môi trường, thậm chí cam kết gắn camera tại các vùng nguyên liệu nối về các lãnh đạo các Sở Công Thương và Sở Tài nguyên Môi trường để kiểm tra. Đây là việc làm rất minh bạch, có trách nhiệm với xã hội.

Tuy nhiên, ông Trường cũng lưu ý: "Cần có sự đối xử rất công bằng giữa DN trong  nước và DN nước ngoài. Nếu không, DN nước ngoài xử lý môi trường kém, nhưng chi phí thấp nên giá thành của họ thấp hơn, sức cạnh tranh tốt hơn. Khi đó, “chúng tôi làm tốt nhưng lại thiệt thòi nhiều".

Tuy nhiên, ông Trường cũng thẳng thắn: “Có thực mới vực được đạo, tay không bắt giặc không được. Cho nên, việc tiếp cận xử lý tài chính trong 5-10 năm chuẩn bị cho TPP là rất quan trọng và cần thiết”. Bản thân Vinatex muốn cổ phần hóa nhanh để huy động nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư đón chờ cơ hội từ TPP.

Các tin khác