TPHCM xây dựng đô thị thông minh tại 24 quận huyện

(ĐTTCO) - Chiều 14-2, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị triển khai Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận huyện. 
“24 quận huyện phải tập trung quyết liệt xây dựng quận huyện mình trở thành đô thị thông minh với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bắt đầu sống trong đô thị thông minh
Quận 1 và quận 12 là hai quận đầu tiên ở TPHCM thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Sau 2 năm triển khai, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết, quá trình xây dựng đô thị thông minh ở địa bàn trung tâm của trung tâm TPHCM đã có kết quả bước đầu. Đô thị thông minh tại quận 1 với mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh được tích hợp cùng 8 hệ thống thông minh, gồm: camera an ninh thông minh; PCCC thông minh; quản lý đô thị thông minh; quản lý giáo dục thông minh; y tế thông minh; du lịch thông minh; dịch vụ công trực tuyến; điều hành an toàn thông tin mạng.
TPHCM xây dựng đô thị thông minh tại 24 quận huyện ảnh 1 Hội nghị triển khai đề án đô thị thông minh 24 quận huyện
Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trong đó, quận triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến “tiếp nhận đăng ký không giấy” trên nhiều lĩnh vực. “Thủ tục dịch vụ công trực tuyến được rút gọn. Người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để “đăng ký giải quyết thủ tục hành chính” và gửi các thành phần hồ sơ theo yêu cầu. Người dân không phải nộp bất kỳ giấy tờ liên quan; các hồ sơ sẽ được phòng chuyên môn in sẵn, chuyển đến người dân ký xác nhận, cùng với kết quả được giải quyết.
Người dân từng bước thay đổi thói quen, chuyển từ hình thức nộp hồ sơ trực tiếp sang nộp hồ sơ trực tuyến”, ông Nguyễn Văn Dũng nhận xét và cho hay, nhờ đó, lượng hồ sơ trực tuyến năm 2019 trên địa bàn quận tăng gấp 4 lần so với năm 2018.
Tại quận 12, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, quận đẩy mạnh các hoạt động tương tác với người dân qua môi trường điện tử. Trung tâm hành chính quận được phủ sóng wifi cung cấp internet miễn phí cho người dân tới làm việc. Phần mềm quản lý hồ sơ hành chính (eHSHC) giúp người dân có thể theo dõi quy trình xử lý hồ sơ ở từng công đoạn và nắm bắt kết quả giải quyết một cách tức thời.
Đến nay, phần mềm đã hỗ trợ giải quyết gần 57.000 hồ sơ của người dân. Quận đã đưa vào sử dụng Dịch vụ công trực tuyến với 18 thủ tục thuộc các lĩnh vực. Đặc biệt, quận đã làm việc với đơn vị thanh toán trực tuyến VNPAY để triển khai tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến vào cổng dịch vụ công trực tuyến của quận. Như vậy, người dân hoàn toàn có thể giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, qua mạng internet và theo dõi tiến độ xử lý, kết quả xử lý.
Quận còn ứng dụng ảnh viễn thám trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện các công trình xây dựng không phép. Ngoài các kênh truyền thống giao tiếp với người dân, quận đã xây dựng trang web, facebook, zalo tương tác với đông đảo người dân. Ông Lê Trương Hải Hiếu cho hay: “Trong vòng 48 tiếng, tất cả phản ánh của người dân đều được trả lời. Chúng tôi còn sử dụng robot đọc, trả lời người dân, đảm bảo tất cả ý kiến của người dân đều được tiếp nhận và xử lý, không bỏ sót”.
Đẩy mạnh tương tác giữa người dân và chính quyền
Nhận xét về kết quả thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại quận 1 và quận 12, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho rằng, cách tiếp cận ở mỗi địa phương khác nhau, nhưng cùng đạt kết quả tốt. Điều đó cho thấy, các địa phương có cách làm đa dạng, biết rõ mình cần gì và triển khai thành công.
Để xây dựng đô thị thông minh có kết quả tốt, theo Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh, các quận huyện cần xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ, kết nối với hệ thống chung của TPHCM; phải xác định các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cấp quận huyện để xây dựng giải pháp, đề án tổ chức thực hiện; cung cấp nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp - đó cũng là mục tiêu cuối cùng mà việc xây dựng đô thị thông minh cần đạt được.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở TT-TT TPHCM lập hội đồng đánh giá hiệu quả thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại quận 1 và quận 12, rút kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn TPHCM. 22 quận huyện còn lại cần lập đề án xây dựng đô thị thông minh tại quận huyện mình.
Từng quận huyện phải xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực cần tập trung, điều kiện và lộ trình thực hiện sát với tình hình thực tế. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu việc xây dựng đề án ở từng quận huyện phải hoàn thành sớm trong tháng 3-2020. Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến sẽ kiểm tra, góp ý đề án của các quận huyện.
Quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý các quận huyện cần có sự chủ động, quyết tâm cao của người đứng đầu địa phương; đặc biệt, cần tuyên truyền để đông đảo người dân hiểu một cách đầy đủ về việc xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn quận huyện mình.
“Truyền thông công việc của địa phương tới người dân là rất quan trọng, để người dân hiểu, đồng thuận, tham gia tích cực cùng với quận, huyện và thành phố. Các quận huyện cần đẩy mạnh tương tác giữa người dân và chính quyền. Từng địa phương phải tập trung quyết liệt xây dựng đô thị thông minh, giúp công tác quản lý hiệu quả hơn và mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến lưu ý các huyện ngoại thành phải chú ý xây dựng đô thị thông minh bởi áp lực công việc quản lý ngày một gia tăng. Trong đó, huyện Cần Giờ có thể học hỏi kinh nghiệm sử dụng ảnh viễn thám tốc độ cao để quản lý rừng, biển; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn cũng cần áp dụng công nghệ để quản lý tốt đất đai, xây dựng…

Các tin khác