Tốc độ cải cách môi trường kinh doanh đang chậm lại

(ĐTTCO) - Sáng 20-4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam”.
Tốc độ cải cách môi trường kinh doanh đang chậm lại
Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. 
Theo ông Lộc, đây chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam-Aus4Reform cho hay, một số kết quả đạt được của Chương trình cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian qua được ghi nhận bằng thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế. 
Tuy nhiên, bà Minh cũng cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: Các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.
Đồng quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng cần phải đổi mới quy trình, tăng cường chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, giảm chồng chéo, có sự chuyên nghiệp hơn. Các cơ quan cấp phép thì không nên chủ trì trực tiếp quá trình soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật, bởi ban hành văn bản pháp luật có thể tạo ra những chi phí thực thi, kể cả cho doanh nghiệp cho xã hội và trong bộ máy rất lớn. 
“Việc ra một văn bản pháp luật là phải tính toán đầy đủ các chi phí này. Để thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tôi cho rằng cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian tới có lẽ phải nâng cấp lên, không chỉ tháo gỡ rào cản nữa mà cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt).
Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ trong thời gian qua. Liên tục trong 7 năm qua, mỗi năm Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 và 2020). Loạt nghị quyết này tập trung vào những nội dung rất quan trọng như cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành hàng hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước... Các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ.

Các tin khác