Tìm cách vượt khó

(ĐTTCO) - Tình hình kinh tế quý II chắc chắn khăn hơn quý I, là nhấn mạnh của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm về độ trễ của tác động từ dịch Covid-19 và dịch vẫn đang diễn biến khó lường.
Xuất khẩu gặp khó do dịch Covid-19
Xuất khẩu gặp khó do dịch Covid-19

Tại cuộc họp báo tổ chức cuối tháng 3, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, ngay từ cuối tháng 2, cơ quan thống kê đã tiến hành đánh giá thiệt hại tới các ngành, từ đó điều chỉnh kịch bản theo từng ngành và khẩn trương dựng lại kịch bản tăng trưởng. “Theo đó, nếu dịch kéo dài hết quý 2, khi dập thành công, hoạt động kinh tế trở lại bình thường, thì tăng trưởng GDP ước khoảng trên 5%. Kịch bản 2 là dịch kéo dài sang quý 3, thì vẫn tăng trưởng 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1. Theo chúng tôi, rất khó đạt được mức tăng trưởng 6,8% trong tình hình hiện nay”, ông Lâm nhận định.

Độ mở của nền kinh tế rất lớn, trong khi nhiều nước đang “đóng cửa”, ảnh hưởng lớn cả đến đầu vào và đầu ra của hàng hóa Việt Nam. “Quan điểm của chúng tôi là khi dịch xảy ra trên toàn thế giới, nếu GDP của ta tăng trưởng trên 5% đã là thành công rực rỡ”, ông Lâm nói và cho rằng không nhất thiết điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng chỉ để đạt được mục tiêu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với nhận định này và cho rằng tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam bắt đầu thấy rõ từ nửa sau của quý I. “Dự báo quý II sẽ khó khăn hơn nhiều và cả năm 2020, GDP có thể giảm rất sâu. Với tình hình hiện tại thì rất khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội quyết định”, ông Nguyễn Trí Hiếu lo lắng.

Tuy nhiên, cả người đứng đầu Tổng cục Thống kê và chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đều thống nhất cho rằng, Việt Nam vẫn có một số động lực tăng trưởng khả dĩ trở thành “đòn bẩy”. Đầu tiên là tháo gỡ thể chế để tăng giải ngân đầu tư công. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý 1 tuy chỉ đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, song vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước so với cùng kỳ năm 2019 vẫn đạt mức khá, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân đầu tư công tăng 1% sẽ đóng góp trực tiếp cho GDP thêm 0,06%. Song quan trọng hơn, giải ngân mạnh vốn đầu tư công sẽ kéo các dòng vốn khác cùng “chảy” mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nói chung và năng suất lao động, nói riêng. Nếu hệ số ICOR (chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước - PV) giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64 điểm phần trăm. Nếu ICOR giảm 1, thì GDP tăng 1,42%. Đặc biệt, kinh tế số là một công cụ hữu hiệu để cải thiện năng suất lao động, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, khi Việt Nam có nhiều lợi thế trong lĩnh vực công nghệ. 

Nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ hy vọng vào gói hỗ trợ kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, mặc dù cho rằng trong thời gian tới vẫn cần thêm “tiền tươi thóc thật”. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tất cả những biện pháp đã nêu trong gói hỗ trợ là tốt, nhưng chưa đủ; cần có những biện pháp cho doanh nghiệp vay, thậm chí hỗ trợ về mặt tài chính. Có nhiều cơ chế để làm việc đó, chẳng hạn như thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng để quỹ đó được bổ sung nguồn vốn, từ quỹ đó bảo lãnh cho các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay. Trường hợp doanh nghiệp phá sản không trả được nợ thì quỹ bảo lãnh đó sẽ bồi thường cho các ngân hàng. Cùng với đó là các biện pháp miễn thuế, giảm thuế, giảm lệ phí… 

Sinh mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Và ngay sau đó, quả thực là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp.

Các tin khác