Tiếp tục cơ chế mở cho kinh tế tư nhân

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (ảnh), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế Chính phủ, cho biết ông kỳ vọng những chủ trương phát triển kinh tế được đề ra trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ được cụ thể hóa bằng những chính sách phù hợp, trong đó trọng tâm là kinh tế tư nhân và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo cơ chế để kinh tế phát triển.
Tiếp tục cơ chế mở cho kinh tế tư nhân ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông việc cụ thể hóa những chủ trương này sẽ có ý nghĩa như thế nào?
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: - Trong văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII này có nhiều nội dung, song kinh tế tư nhân vẫn được chú trọng và mang nhiều hàm ý, như vậy là thỏa đáng. Vấn đề còn lại bây giờ là thực hiện như thế nào.
Lâu nay chúng ta mới chỉ chú ý đến phát triển doanh nghiệp (DN) về mặt số lượng nhưng chưa chú ý nhiều đến chất lượng, do đó lực lượng DN Việt Nam thực sự vẫn còn rất yếu.
Nói đến lực lượng nghĩa là nói về cơ cấu, là sự đa dạng của các DN. Lâu nay lực lượng DN Việt Nam chúng ta chỉ nói đến các DN Nhà nước là chủ đạo, còn các DN tư nhân lại bị phân biệt và trở thành lép vế, bỏ rơi.
Hơn 30 năm kể từ khi đổi mới, DN tư nhân chỉ chiếm được 10% GDP, trong khi khối các DN FDI chiếm tới 25%. Không có DN tư nhân là đất nước không có động lực để tăng trưởng.
Tôi hy vọng sau những tuyên ngôn, chủ trương được đưa ra trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta sẽ xây dựng được một chiến lược hoàn chỉnh để phát triển DN Việt Nam theo đúng nguyên lý thị trường. 
- Như đã có lần ông từng nói, Việt Nam cần phải có những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh để có thể vươn ra bên ngoài. Phải chăng đây là lúc chúng ta đặt ra việc xây dựng những “quả đấm thép” thời kỳ mới mà nòng cốt là DN tư nhân, thay vì DN Nhà nước như trước kia?
Chúng ta nói tới khát vọng vươn lên, nhưng ý thức về cuộc đua tới thịnh vượng này chưa thực sự đầy đủ. Phải tư duy lại một cách rõ ràng về yêu cầu bắt kịp với nền kinh tế của thế giới. Tôi vẫn tin với tư duy quyết đoán, với chủ trương đúng đắn cùng với những chiến lược cụ thể hóa, chúng ta sẽ khơi dậy được nội lực và tinh thần tự lực tự cường của cả dân tộc, biến khát vọng của chúng ta thành hiện thực.
- Tôi cho rằng tập trung xây dựng và khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh là chính sách đúng, vấn đề là phải biến thành chính sách cụ thể. Từ khi chúng ta đổi mới, xác định nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân được thừa nhận và đã thay đổi cục diện nền kinh tế, đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. 
Nhưng đáng tiếc, sau đấy chúng ta lại bỏ rơi. Nếu phát huy được ngay từ lúc ấy nay đã khác rất nhiều rồi. Mãi đến năm 2017 mới nhắc lại kinh tế tư nhân. Từ đó đến nay kinh tế tư nhân đang trên đà phát triển.
Khi họp tổ tư vấn, tôi từng nói với Thủ tướng rằng năm 2020 chúng ta chống được dịch Covid-19 tốt là do có được nền tảng từ 3 năm trước đó, trong đó chúng ta đã chú trọng phát triển kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.
Nhưng hiện tại Việt Nam đang quá ít các tập đoàn tư nhân lớn, càng ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất mà chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Các tập đoàn tư nhân lớn do đó vẫn chưa thể đóng vai trò là lực lượng trụ cột, dẫn dắt cạnh tranh, phát triển và định hình chân dung nền kinh tế.
Do đó, trong giai đoạn tới, Việt Nam nên chú ý đến các tập đoàn tư nhân lớn, với việc xác định giá trị cốt lõi rõ ràng, bởi khi không có các DN là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn thì các DN Việt Nam rất khó kết nối với nhau để cùng tham gia chuỗi giá trị. DN tư nhân lớn đóng vai trò như người định hình, dẫn dắt chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. 
Thực tế, các DN Việt Nam nhỏ lẻ không tham gia được chuỗi, việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. Thí dụ như chúng ta mời Samsung vào đầu tư, nhưng DN trong nước tham gia chuỗi sản xuất thực sự của họ rất ít, chỉ là gia công những bộ phận nhỏ lẻ, không quan trọng.
Nên vấn đề hiện nay là cần phải có những DN tư nhân lớn làm trụ cột. Nên để trở thành cường quốc kinh tế, có khát vọng vươn ra biển lớn phải có những DN mạnh, những DN tư nhân có đủ tầm vóc, năng lực cạnh tranh toàn cầu. 
Tiếp tục cơ chế mở cho kinh tế tư nhân ảnh 2 Kinh tế tư nhân phải được phát triển theo đúng nguyên lý thị trường.
- Trong văn kiện của Đại hội Đảng lần này cũng nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những động lực cho phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Đổi mới sáng tạo lần này được Đảng xác định rất rõ. Chúng ta đã rút kinh nghiệm của hai lần trước đó: Lần thứ nhất là năm 1976, chúng ta coi khoa học – kỹ thuật là then chốt. Lần thứ hai vào năm 1990, chúng ta nói phải chú trọng phát triển kinh tế tri thức. Nhưng cả hai lần này chúng ta đặt ra nhưng khi thực thi thì vướng mắc, không thực hiện được, bởi cơ chế trói buộc.
Bây giờ cơ chế mở, lại cộng với hội nhập, đủ cơ sở để chúng ta thực hiện, thoát khỏi tụt hậu. Muốn đổi mới công nghệ cần phải có chiến lược. Chiến lược này không phải bó hẹp trong khuôn khổ chiến lược ngành, mà phải xem là chiến lược trục của toàn bộ chiến lược phát triển kinh tế số, nó đóng vai trò dẫn dắt và xuyên suốt.
Gần đây chúng ta nghiên cứu và xác định lợi thế dân số vàng của Việt Nam còn kéo dài khoảng 10 năm nữa, nên đây là khoảng thời gian quý giá để chúng ta tập trung đẩy mạnh sáng tạo, tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách với các nước.
Việt Nam hiện nay cũng mở cửa hội nhập rất sâu rộng. Vấn đề đặt ra lúc này là phải mượn được sức mạnh từ mở cửa hội nhập đó để biến thành động lực nội tại của mình, tránh trường hợp không tận dụng được lợi thế, lại biến thành động lực cho bên ngoài.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác