Từ đô thị sáng tạo đến TP Thủ Đức

Tiến trình hình thành thành phố sáng tạo

(ĐTTCO)-Theo UNESCO, các thành phố sáng tạo (TPST) trên thế giới là nơi nuôi dưỡng, ấp ủ, phát lộ những ý tưởng sáng tạo mới mẻ của các nhà khoa học, nhà phát minh; hoặc nghiên cứu tiếp thu các phát minh, sáng chế, giải pháp kỹ thuật từ bên ngoài, cải biến ứng dụng cho ra sản phẩm mới, đồng thời kết quả nghiên cứu thành công này được quay trở lại giảng dạy, đào tạo cho sinh viên các trường đại học. 
Tiến trình hình thành thành phố sáng tạo ảnh 1
Quy trình hoạt động TPST
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, các nước châu Âu và Bắc Mỹ nhận ra có sự không gắn kết liền mạch giữa nghiên cứu sáng tạo và thị trường, giữa các nhà khoa học với nhau, giữa lý thuyết và hiện thực hóa lý thuyết vào đời sống.
Trong khi hầu như bất kỳ sản phẩm nào cũng là kết quả của các liên ngành, liên lĩnh vực, sự tách rời này đưa đến hệ quả có những ý tưởng, phát minh tốt nhưng nhà phát minh không hiện thực hóa nó được vì không có tiền, không có đội ngũ nhân viên kỹ thuật hỗ trợ, còn các nhà khoa học cũng không có tiền để đầu tư các phòng thí nghiệm hiện đại.
Do vậy mỗi quốc gia, vùng miền, TP lớn phải tìm cách tích hợp nguồn lực (con người, vật chất, tài chính, thông tin, tài nguyên, thị trường) vào một nơi hẹp với mật độ cao và chất lượng xuất sắc, tạo ra những đột phá mạnh mẽ làm thay đổi hẳn bản chất của nền sản xuất hiện đại. 
Năm 1971 mô hình như thế ra đời đầu tiên ở phía Nam của vùng vịnh San Francisco, Mỹ có diện tích ban đầu chừng 30km2, với tên gọi Silicon Valley. Sau hơn 50 năm diện tích hiện nay là 121km2, kể cả phần mở rộng dành cho cư trú, dịch vụ công cộng khác. Nơi đây tập hợp các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Google, Apple, Facebook... và nhiều công ty công nghệ trên các lĩnh vực khác.
Silicon Valley đã đóng vai trò chính làm thay đổi toàn bộ diện mạo và đời sống của nhân loại, làm thế giới trở nên phẳng trong thế giới số, năng suất lao động nhảy vọt, đời sống thường nhật, giao tiếp, phương thức sản xuất, loại hình sản phẩm biến đổi nhanh chóng chưa từng có trước đó.    
Ảnh hưởng của Silicon Valley nhanh chóng lan rộng đến châu Á, trước tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 1973, theo sáng kiến của Tổng thống Park Chunghee, một đô thị sáng tạo (ĐTST) được hình thành ở TP Daejeon, Hàn Quốc. Ban đầu nó được gọi là thị trấn khoa học Daejeon, đến 2010 nó chính thức mang tên là Daejeon Innopolis (sáng tạo, đổi mới), còn được gọi là Asia's Silicon Valley.
Với diện tích 30km2, nơi đây tập trung 20 viện nghiên cứu công nghệ, 40 trung tâm nghiên cứu ứng dụng, 8 trường đại học, hợp tác sản xuất với 898 tập đoàn, công ty tư nhân. Nơi làm việc của gần 10.000 nhà khoa học-kỹ thuật, công nghệ hàng đầu quốc gia. Hầu như các trung tâm nghiên cứu ứng dụng sáng chế lớn nhất Hàn Quốc tập trung ở đây, và được chính phủ đầu tư hàng chục tỷ USD cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và xã hội. 
Ở đây có mặt các viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc như Viện Nghiên cứu Sinh học, Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử, Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông, Viện Nghiên cứu Vũ trụ, Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản, Viện Máy móc và Vật liệu, Viện Nghiên cứu Công nghệ Hóa học, Viện Thông tin Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu Đại dương, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Nghiên cứu Năng lượng,  Viện Toán học...
Chính nhờ TP khoa học này đã giúp Hàn Quốc trở thành con rồng châu Á và mang danh xưng “Kỳ tích Sông Hán”.
TPST xuất hiện nhiều vào những năm cuối của thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, như Silicon Wadi của Israel được thế giới biết đến là “Quốc gia khởi nghiệp”; Bangalore của Ấn Độ cũng được gọi là Silicon Valley.
Hàn Quốc cũng thành lập thêm TPST và thông minh nữa vào năm 2009, có tên là TP Songdo, được xây dựng hoàn toàn mới toanh trên vùng đất lấn biển với diện tích 6,5km2. TP này được thiết kế tối đa cho 250.000 người với mức đầu tư ban đầu 35 tỷ USD.
Không bỏ qua cơ hội, Trung Quốc cũng đầu tư hàng trăm tỷ USD để ra đời một loạt trung tâm, TP, thị trấn sáng tạo họ gọi là China Silicon Valley hay High Tech Park ở ngoại thành Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thượng Hải, Thiên Tân, Vũ Hán, Quảng Đông.
Đặc biệt, năm 2002 họ xây dựng TP đại học Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông trên một hòn đảo với diện tích 4km2, mức đầu tư 12 tỷ USD. Đây là nơi kết hợp cùng lúc 3 việc nghiên cứu-chế tạo-đào tạo. 
Mặc dù mức đầu tư không quá lớn, nhưng Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines cũng xây dựng các TPST có cùng kiểu như nhau. Gần đây nhất năm 2012, chính phủ Nga đầu tư xây dựng TPST hoàn toàn mới có tên là Skolkovo nằm ở ngoại ô Matxcova, với kinh phí 3,5 tỷ USD. TP này tập trung nghiên cứu 5 lĩnh vực trọng yếu là công nghệ thông tin, năng lượng, viễn thông, công nghệ hạt nhân, y khoa. 
Tiến trình hình thành thành phố sáng tạo ảnh 2 Daejeon hiện là Đô thị sáng tạo của Hàn Quốc, ban đầu chỉ là một thị trấn khoa học Daejeon.
Đặc điểm chung của TPST 
Nhìn vào bối cảnh Việt Nam hiện nay, cho thấy Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận ra đời sớm nhất năm 1991, khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc được bổ xung chức năng để trở thành khu ĐTST năm 2016, TPST mang tên Thủ Đức hình thành năm 2020 (vẫn đang trong giai đoạn xây dựng đề án).
Trong khi đó, KCX của các nước ra đời năm 1960, khu ĐTST năm 1970, rõ ràng các mô hình Việt Nam đang áp dụng đều đi sau 30-50 năm. Vậy chúng ta học tập, rút tỉa kinh nghiệm gì từ các mô hình có từ trước đó?  
Hầu hết TPST được xây dựng hoàn toàn mới trên vùng đất không có dân cư. Điều đó có nghĩa là từ ý tưởng đến bản thiết kế, xây dựng trên thực địa như công trình, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đã được tính toán kỹ lưỡng đến những chi tiết nhỏ nhất nhằm hướng đến phục vụ cho TPST. Diện tích không quá lớn, chẳng hạn 6,5km2 (Songdo); 30km2 (Silicon Valley, Mỹ); 43km2 (TP đại học Quảng Châu); Daejeon 30km2.
Với diện tích này việc đầu tư xây dựng tập trung hiệu quả hơn, quản lý thuận lợi và dễ xoay xở để thích nghi. Dân số không đông thường dưới 300.000, nhưng người làm việc ở đây là cư dân đẳng cấp. Họ là các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, nghiên cứu sinh xuất sắc, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; nếu là công nhân, nhân viên là những người có tay nghề cao làm việc trong các phân xưởng, phòng thí nghiệm.
Họ không chỉ có học vấn cao còn có thu nhập rất cao, chẳng hạn ở Songdo những người có thu nhập dưới 12.000USD/tháng không trụ lại được ở đây.   
Tiến trình hình thành thành phố sáng tạo ảnh 3 Mô hình hình thành, phát triển thành phố sáng tạo.
Môi trường sống và làm việc rất cao. Môi trường trong lành, nhiều công viên, cây xanh, thảm cỏ, hồ nước; không có giao thông nhanh chỉ có xe điện, xe đạp và đi bộ để đảm bảo không có tiếng ồn, nhà thấp tầng; an toàn và an ninh được đảm bảo.
Có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh không chỉ về điện, nước, xử lý rác thải, còn có hệ thống các thiết bị công nghệ cao phủ kín campus (khuôn viên của TPST), đảm bảo cho không gian sáng tạo và tương tác cao, có nghĩa là các nhà khoa học có thể bàn thảo với nhau ở bất cứ nơi nào trong không gian sáng tạo. Họ có thể đến phòng máy tính, thư viện, phòng thí nghiệm bất cứ lúc nào ý tưởng sáng tạo chợt lóe. 
Hệ thống dịch vụ xã hội đảm bảo cho cư dân sống không phải lo lắng đến “cơm áo, gạo tiền” độ nhật. Có khu nhà ở cho gia đình các nhà khoa học, kỹ thuật viên; nhà công vụ cho chuyên gia nước ngoài, nghiên cứu sinh.
Hệ thống dịch vụ được tổ chức theo nguyên lý 15 phút (thỏa mãn các dịch vụ thiết yếu trong khoảng cách 15 phút đi bộ) không để các chuyên gia phải di chuyển theo kiểu dao động con lắc từ nhà nhà đến chỗ làm rồi trở về nhà mỗi ngày mất 2-3 tiếng đồng hồ.
Các TPST hình thành trong giai đoạn hiện nay cần được đặt trên nền tảng CMCN 4.0 đang thay đổi như vũ bão, và tâm thế con người cũng đã thay đổi cả về nhận thức và nhu cầu. Xây dựng TPST cần có quan điểm và cách tiếp cận mới, nếu không sẽ mãi lẽo đẽo đi sau, sáng tạo ra những thứ tưởng mới té ra thiên hạ đã xài xong, bỏ rồi. Mình làm ra con chip to bằng đầu đũa, trong khi con chip của người ta chỉ bằng nửa hạt gạo. 
Trong campus của TPST có bệnh viện, nhà hát, khách sạn, nhà hàng, trường học từ mẫu giáo đến đại học, khu thể thao thỏa mãn các nhu cầu của giới sáng tạo. Nói cách khác, đây là nơi có chất lượng sống cao, thậm chí rất cao, đảm bảo đời sống ổn định để các nhà khoa học thỏa chí sáng tạo. 
Loại TPST này hoàn toàn khác với TP sản xuất công nghiệp. Nếu TP công nghiệp ban ngày sôi động nhộn nhịp, ban đêm vắng ngắt không bóng người (gọi là loại TP ngày sống đêm chết), TPST luôn sôi động, ban đêm các phòng nghiên cứu, phân xưởng vẫn sáng đèn, các nhà khoa học vẫn làm việc.
Mức đầu tư ban đầu cho TPST rất cao, chẳng hạn ở TP Songdo, Hàn Quốc có mức đầu tư 35 tỷ USD,  TP Putrajaya của Malaysia 15 tỷ USD, TP Đại học Quảng Châu 12 tỷ USD, Thiên Tân 30 tỷ USD. Cao nhất hiện nay thuộc về TP tài chính King Apdula được xây dựng năm 2005 trên sa mạc nóng bỏng gần 100 tỷ USD.
Đặc biệt tiền đầu tư cho các thiết bị máy móc đắt tiền, hiện đại nhất ở các lĩnh vực trọng yếu như nghiên cứu năng lượng nguyên tử, vũ trụ, đại dương, nghiên cứu sinh học, vật liệu mới, và cả nghiên cứu vũ khí, khí tài quân sự. 

Các tin khác