Thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ

(ĐTTCO)-Ngày 28-6, Hội nghị “Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ” diễn ra tại tỉnh Tây Ninh, do UBND TPHCM phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức. 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan triển lãm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan triển lãm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo của TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, Tổng Lãnh sự một số nước tại TPHCM; Hiệp hội Du lịch 6 tỉnh - thành vùng Đông Nam bộ…
Tạo thương hiệu du lịch mang dấu ấn của vùng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thông tin, năm 2019, vùng Đông Nam bộ đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ, doanh thu đạt hơn 7 tỷ USD. Ngành du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là niềm tự hào của vùng. Vậy nhưng, trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Du lịch là một trong số những ngành bị thiệt hại nặng nề và kéo theo những lĩnh vực liên quan (khách sạn, vận tải, ẩm thực, vui chơi giải trí…) cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Du khách cũng cân nhắc kỹ hơn trong việc chi tiêu cho du lịch.

Thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ ảnh 2Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị “Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ". Ảnh: VIỆT DŨNG

Riêng với vùng, trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế giảm mạnh, chỉ đạt gần 1,7 triệu người, giảm 65% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, chiến lược và cách tiếp cận để tiếp tục phát triển ngành du lịch phải thay đổi nhằm phù hợp với điều kiện thực tế trong giai đoạn mới.

“Chúng ta cần tiếp cận theo hướng tập trung phát triển thị trường nội địa, đồng thời chuẩn bị phát triển thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm phù hợp”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đề xuất.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, việc 6 tỉnh - thành, vùng cùng phối hợp tổ chức hội nghị nhằm thảo luận, đề ra những chiến lược phát triển ngành du lịch của vùng trong giai đoạn bình thường mới; cũng như đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối giữa các địa phương về phát triển du lịch, góp phần phục hồi ngành du lịch một cách nhanh nhất.

Chủ tịch UBND TPHCM dẫn chứng về tiềm năng, thế mạnh của vùng như bờ biển đẹp, nước trong, Khu dự trữ sinh quyển - rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, vườn quốc gia Cát Tiên… Những danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình và hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề; ẩm thực phong phú này góp phần tạo ra nhiều sản phẩm du lịch để lại những ấn tượng tuyệt vời với du khách.

Khẳng định những lợi thế quý giá của vùng là nền tảng quan trọng cho phát triển du lịch trong vùng, song đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng “viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm” để làm nổi bật những tài nguyên du lịch tự nhiên này. Vì vậy, đồng chí mong muốn hội nghị thảo luận sâu kỹ về các giải pháp kích cầu du lịch, trước mắt là thị trường nội địa. Cùng với đó là cơ chế phối hợp và các giải pháp để thực thi hiệu quả nội dung ký kết, tạo động lực cho ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói riêng và cả nước nói chung.

“TPHCM mong muốn các tỉnh - thành trong vùng cùng phối hợp chặt chẽ để hình thành nên một thương hiệu du lịch mang dấu ấn của vùng”, đồng chí Nguyễn Thành Phong bày tỏ và mong muốn thực hiện chương trình đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao chi tiêu của du khách tại vùng. Song song đó là việc chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt là cùng tập trung đầu tư hạ tầng giao thông để vùng ngày càng hấp dẫn hơn.

Về phía mình, người đứng đầu chính quyền TPHCM cam kết sẽ nỗ lực hết mình cùng với vùng đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành cầu nối quan trọng đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Giới thiệu các sản phẩm mới

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group đánh giá, trong giai đoạn hiện nay vẫn tiếp tục đặt mục tiêu an toàn là trên hết. Đón khách đi chơi song song với việc đảm bảo an toàn tối đa.

Để phục vụ cho chương trình kết nối các doanh nghiệp du lịch cùng với TPHCM đã xây dựng 3 sản phẩm du lịch kết nối, gồm TPHCM - Bình Dương - Tây Ninh 2 ngày 1 đêm đến Chùa Thái Sơn, Thánh thất Cao đài, cáp treo núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng...  Tuyến thứ 2 là TPHCM - Bình Dương - Tây Ninh; tuyến 3 gồm TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu... với hàng loạt điểm tham quan như Văn miếu Trấn Biên, làng bưởi Tân Triều, Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor, Khu du lịch cáp treo hồ Mây... Các chương trình tham quan vừa nêu trên tập trung vào các công trình văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa tâm linh... Từ TPHCM đi Tây Ninh có cự ly không xa, nên các tỉnh khu vực Đông Nam bộ có thế mạnh phát triển những dòng sản phẩm cự ly gần, chuyển tiếp từ TPHCM.

Thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ ảnh 3Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đồng chí lãnh đạo các tỉnh - thành tại Hội nghị "Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ". Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi thêm với Báo SGGP ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist chỉ ra rằng, Tây Ninh cần giới thiệu các tour mới. Tây Ninh cách TPHCM khoảng 2 giờ di chuyển nên du khách TP thường tranh thủ đi từ TPHCM lên Tây Ninh vui chơi rồi về trong ngày. Điều này không góp phần kích thích tăng trưởng địa phương. Từ trước đến nay, dòng khách quốc tế thường chọn tour đi về trong ngày từ TPHCM đi địa đạo Củ Chi, đến Tây Ninh rồi quay về TPHCM. Với tour du lịch 2 ngày 1 đêm, chủ yếu phục vụ các ban ngành tổ chức những chuyến tham quan về nguồn.

“Vừa rồi Lữ hành Saigontourist đã đi khảo sát đến các làng nghề ở Bình Dương để lồng ghép vào chương trình tour, kết nối từ TPHCM - Bình Dương - Tây Ninh rồi quay về. Hiện tại Saigontourist đang xem xét kết nối các điểm đến mới, sản phẩm mới để đưa khách đi chơi cuối tuần 2 ngày 1 đêm, gia tăng nguồn thu cho địa phương”, ông Nguyễn Hữu Y Yên thông tin.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng, Trung tâm Điều trị oxy cao áp TPHCM nhận định, muốn thu hút du khách chăm sóc sức khỏe (loại hình du lịch y tế) điều này cần nghiên cứu thật kỹ. Chẳng hạn, ông từng đưa một đoàn khách gồm các y bác sĩ nước ngoài dự hội thảo, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch suối nước nóng Bình Châu. Hôm sau vị trưởng đoàn gặp ông nói rằng cả đêm không nghỉ được vì nơi đây đẹp quá. Du lịch không phải cứ thưởng thức hết các món ăn từ thiên nhiên mà cần gắn kết với sản phẩm chủ lực làm đẹp, thanh lọc cơ thể…

Tuy vậy, đến giờ này chưa có doanh nghiệp nào làm tốt việc cung ứng các dịch vụ du lịch sức khỏe. “Tất nhiên cần phải có thời gian chuẩn bị. Ta có thể tranh thủ các y bác sĩ giàu kinh nghiệm đã về hưu để hỗ trợ các trung tâm làm đẹp phục hồi sức khỏe…”, Bác sĩ Lương Lễ Hoàng nói.

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp lữ hành đã giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch mới, chính sách kích cầu du lịch nội địa năm 2020; đồng thời 9 doanh nghiệp ở TPHCM (Saigontourist, BenThanh Tourist, TST Tourist…) cũng đã xúc tiến ký kết hợp tác định hướng phát triển du lịch của địa phương. Dịp này, 3 tuyến sản phẩm liên vùng mới cũng được công bố, bao  gồm: TPHCM - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam bộ”; TPHCM - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa- Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”. Các tour chủ yếu thiết kế cho gói 2 ngày 1 đêm với giá ưu đãi từ 1.390.000 - 1.490.000đồng/ người.

Quảng bá điểm đến

Trước đó, tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, cũng đánh giá, các tour du lịch được giới thiệu rất hấp dẫn. Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam, nhưng ngành du lịch trong nước nói chung, TPHCM nói riêng đang dần hồi phục.

Trong suốt thời gian qua, TPHCM cũng đã tích cực hỗ trợ cùng khu vực Đông Nam bộ kết nối phát triển. TPHCM cũng đề xuất các giải pháp để tăng tốc cho ngành du lịch trong thời gian tới, cụ thể như: hoàn thiện các sản phẩm du lịch đã hình thành và phát triển; đồng thời cần mở rộng tính liên kết với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết với các nước tiếp giáp như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar để sẵn sàng những chương trình du lịch quốc tế hấp dẫn ngay khi Chính phủ có chủ trương. Tiếp theo là công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm đã hình thành trong khuôn khổ chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. 

Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, ngoài những gói tour truyền thống, tour Free and Easy hay Combo nghỉ dưỡng cao cấp, Lữ hành Saigontourist còn triển khai dịch vụ cung cấp Travel Voucher. Bên cạnh dấu hiệu khởi sắc từ thị trường khách lẻ, thị trường khách đoàn nội địa của Lữ hành Saigontourist cũng đã bắt đầu đón nhận những dấu hiệu tích cực trở lại khi các đoàn khách công ty, đoàn khách cơ quan, xí nghiệp đã liên hệ tư vấn và ký hợp đồng du lịch cho các tour dự kiến khởi hành trong tháng 6 và tháng 7.

Mới đây, SacoTourist cũng đã đón đoàn khách du lịch 80 người từ TPHCM đến tham quan Tây Ninh, Bình Dương. Lộ trình du lịch 2 ngày 1 đêm, khách được nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao Vinpearl, tham quan nhà máy Tanifood, hồ Dầu Tiếng, làng tre Phú An, chinh phục cáp treo núi Bà Đen, thưởng thức đặc sản bánh canh Trảng Bàng… Giá tour trọn gói 1.499.000 đồng/người.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist cũng cho hay, công ty đang có những tour trải nghiệm từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu đầy thú vị. Chẳng hạn như, khách được tham quan vịnh Marina, là nơi neo đậu, sửa chữa và đóng mới các loại tàu trọng tải lớn, các giàn khoan khai thác dầu khí. Đặt chân đến đây, du khách được trải nghiệm tham quan trên tàu cao tốc lướt sóng trên vịnh, ngắm nhìn thật gần những tàu cảnh sát biển hiện đại...; có dịp ghé thăm bảo tàng Vũ khí cổ Robert Taylor...

Thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ ảnh 4Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu xem triển lãm tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNGẢnh: VIỆT DŨNG

TPHCM ký kết hợp tác ghi nhớ phát triển du lịch

Chiều 28-6, tại hội nghị đã diễn ra buổi ký kết hợp tác ghi nhớ phát triển du lịch liên vùng giữa lãnh đạo TPHCM với các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ. Mục đích của việc kết nối du lịch lần này nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các địa phương, đồng thời đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng, thu hút du lịch và đầu tư đến các địa phương trong vùng.

Thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ ảnh 5Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chứng kiến lễ ký kết hợp tác tại Hội nghị "Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ". Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong đó, TPHCM sẽ chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm du lịch như: du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), du lịch văn hóa - lịch sử, mua sắm, y tế, đường thủy…

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung giới thiệu về sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, tâm linh. Tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, đưa sản phẩm nông nghiệp vào khai thác du lịch. Các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước tập trung giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng có thế mạnh như: văn hóa làng nghề, cộng đồng, ẩm thực, sản phẩm chuỗi nông sản…

Song song đó, các tỉnh, thành phố cũng định hướng cho các doanh nghiệp du lịch liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch kết nối giữa TPHCM đến các tỉnh khu vực Đông Nam bộ (chuỗi gắn kết gồm lữ hành, lưu trú, ăn uống, mua sắm…). Chẳng hạn như, tạo thành chương trình liên kết, tạo chuỗi giá trị du lịch lữ hành quốc tế giữa các địa phương, nhất là lữ hành quốc tế từ Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh).

Ông Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL:Hội nghị là sáng kiến thiết thực để tiếp tục thúc đẩy hợp tác và phát triển du lịch vùng

Trong những năm qua, vùng Đông Nam bộ luôn đón và phục vụ lượng khách lớn nhất so với các vùng khác trong cả nước. Năm 2019, cả nước đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85.000.000 lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 726.000 tỷ đồng; trong đó vùng Đông Nam bộ đã đón và phục vụ 9.500.000 lượt khách quốc tế, gần 40.000.000 lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 160.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự tương xứng với vị trí chiến lược, tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch của vùng. Việc tổ chức hội nghị là sáng kiến thiết thực để tiếp tục thúc đẩy hợp tác và phát triển du lịch vùng nói chung, các địa phương trong vùng nói riêng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch

Làm du lịch đương nhiên phải khai thác những lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch, nhưng nếu chưa đủ tiềm lực về kinh tế, nhất là chưa đủ hiểu biết về công nghệ thì nên thận trọng. Những năm vừa rồi đều thấy rất rõ, những vùng như miền Đông Nam bộ nhiều nơi còn hoang sơ. Khai thác làm sao vẫn giữ được nét độc đáo, hoang sơ của thiên nhiên nhưng vẫn thấy không lạc hậu. Chừng nào chưa chắc thì chuẩn bị kỹ hơn, thật chắc rồi hãy làm.

Thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ ảnh 6Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần phải ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch. Ảnh: VIỆT DŨNG

Du lịch bây giờ, theo xu thế phải thông minh và cần một “đầu tàu” như TPHCM hay Hà Nội cùng làm. Một ví dụ điển hình, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo nhiều năm về việc đăng ký lưu trú nhưng vẫn không có được danh sách cơ sở lưu trú đầy đủ, mất vài năm nhưng danh sách chỉ có vài ngàn. Thế nhưng ngay thời điểm chống dịch Covid-19 vừa qua, kết hợp chống dịch và rà soát các cơ sở lưu trú đã có danh sách lên tới 80.000 cơ sở. Cần có chương trình số hóa di sản, bảo tàng..., làm thật tốt thì sẽ là sức sống mới cho ngành du lịch. Dịch covid, nói chung trong hoạch định chính sách nghĩ đến không tốt và tốt, không tốt là dịch này ảnh hưởng đến ngành du lịch, lâu dài vì vậy đến lúc cơ cấu lại thị trường, tái cơ cấu lại ngành du lịch, hợp tác giữa các tỉnh, kêu gọi sự hợp tác của người dân.

Đoàn kết, hợp tác mang lại hiệu quả cao

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, đánh giá, hoạt động này rất có ý nghĩa, thể hiện sự hợp tác, đoàn kết theo lời dạy của Bác Hồ. Đồng chí phân tích, 6 tỉnh - thành với những nguồn lực của mình, song nếu thực hiện một mình sẽ không mang lại hiệu quả cao so với việc phối hợp với nhau.

Thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ ảnh 7Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề cập từng vấn đề cụ thể trong chương trình liên kết, hợp tác này. Đó là việc phối hợp tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú cho các tour du lịch dài ngày để hấp dẫn, thu hút du khách nhiều hơn. Cùng với đó là việc 6 tỉnh - thành, đơn vị tham mưu cùng doanh nghiệp tổ chức đánh giá và chuẩn hóa, từng bước nâng chất lượng các điểm đến du lịch đạt trình độ quốc tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, 6 tỉnh - thành khi thực hiện hoạt động quảng bá, tiếp thị thì quảng bá cho cả vùng, thay vì chỉ tiếp thị, giới thiệu riêng về điểm đến của địa phương mình. Điều này sẽ góp phần làm tăng tần suất tiếp thị, quảng bá du lịch của vùng ra thị trường quốc tế.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng du lịch quốc tế, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, hiện nay TPHCM đã có chương trình phối hợp với các trường du lịch đào tạo du lịch nổi tiếng ở Australia hỗ trợ nâng cấp du lịch của TPHCM và các tỉnh của vùng. Theo đó, chương trình sẽ đánh giá trình độ các khác sạn, điểm đến du lịch để nâng cấp đạt chất lượng quốc tế; đào tạo những người quản lý các khách sạn, điểm đến du lịch, mà trước hết đào tạo cho trường du lịch của TPHCM (để từ đó, trường này đào tạo nhân lực cho vùng).

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đề nghị phối hợp trong công tác quản lý nhà nước, trao đổi kinh nghiệm cũng như tổ chức các sự kiện về du lịch một cách liên tục. Đặc biệt là việc hỗ trợ các doanh nghiệp gặp nhau, xác định cơ hội đầu tư tại các 6 tỉnh - thành một cách hợp lý, từ đó tạo ra mạng lưới hạ tầng du lịch chặt chẽ, gắn kết.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM đóng góp 50% lượng khách quốc tế cho cả nước, đóng góp 1/4 doanh thu du lịch cả nước… Ngành du lịch TPHCM cũng có một số kinh nghiệm, lợi thế nhất định, nhưng thông qua hợp tác, du lịch các tỉnh phát triển thì TPHCM có điều kiện phối hợp phát triển du lịch tốt hơn. Do đó, TPHCM sẽ hỗ trợ về đào tạo, trao đổi điều kiện về quản lý cũng như tạo đầu mối các doanh nghiệp hợp tác với nhau.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nêu kiến nghị cụ thể về việc mở đón du khách quốc tế. Theo đồng chí, dịch Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh chóng mà không ai hình dung được. Tháng 12-2019 có ca đầu tiên mắc tại Trung Quốc thì đến ngày 1-4-2020, toàn thế giới có 1 triệu người mắc. Đến hôm nay đã có 10 triệu người mắc trên toàn cầu. Dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, song nó diễn ra không đồng đều. Hiện nay trên thế giới có 24 nước mà số người mắc Covid-19 (đang được điều trị) trên 1 triệu dân là không quá 10 người, trong khi mức trung bình là cứ 1 triệu dân có 525 người mắc. Đặc biệt, Brazil có 2.000 người mắc đang điều trị trên 1 triệu dân và Mỹ 3.700 người mắc trên 1 triệu dân.

Như vậy, 24 nước này được xem là không có dịch Covid-19, trong đó có nhiều nước ở châu Á, như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar. Đây là các nước mà suốt 2 tháng trở lên số người mắc không quá 10 người, được xem là an toàn. Ngoài ra, hai nước có tiềm năng du lịch của Việt Nam là Nhật Bản và Malaysia.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nếu chúng ta xác định rõ tiêu chí nước an toàn với dịch bệnh, trong đó có lưu ý đến thời gian an toàn duy trì an toàn với dịch Covid-19 thì có thể bàn lộ trình mở cửa lại du lịch có kiểm soát đối với từng nước. “Dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, nhưng diễn ra không đồng đều”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét và đề xuất không nên đợi cả thế giới hết dịch bệnh mới mở cửa du lịch. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy du lịch nội địa thì cần chọn lọc những nước an toàn với dịch bệnh, đặc biệt là những nước gần nước ta để mở cửa du lịch từng bước.

Các tin khác