Thông điệp thời chiến, hiến kế thời bình

(ĐTTCO)-Việt Nam phải làm gì với đại dịch Covid-19? Nếu tham gia vào một trận bóng đá mà không biết khi nào trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, các huấn luyện viên và cầu thủ sẽ làm gì? Phải dốc toàn lực chiến đấu hết sức? Thắng lợi sẽ đến nếu trận đấu kết thúc đúng như dự định. Nhưng nếu cuộc chiến có khả năng kéo dài đến tận hiệp 3, hiệp 4… thì nguồn lực nào đủ để đương đầu với trận chiến trường kỳ? 
Thông điệp thời chiến, hiến kế thời bình
Một tóm lược hữu ích trên tờ The Economist từ nghiên cứu mới đây của Weder di Mauro, tác giả quyển sách kinh tế học thời khủng hoảng dịch bệnh, “mọi thứ thay đổi quá nhanh, suy nghĩ cũng phải thế”, có thể là lời giải đầu tiên cho câu hỏi trên.

Phải quyết liệt từ các cấp và nhanh chóng thay đổi não trạng
Không thể phủ nhận ngay từ đầu Chính phủ đã phản ứng nhanh và chính xác theo kiểu tình huống bên miệng hố chiến tranh với Covid-19. Dù vậy những ngày gần đây các ca nhiễm bệnh có xu hướng ngày càng tăng lên đáng ngại và khó kiểm soát.
Một vài hình ảnh các quán nhậu dưới 20 người xuất hiện trên một số trang báo để né lệnh cấm của Chính phủ trông thật phản cảm. Đáng lý khi xuất hiện những hình ảnh này, chính quyền phải có phản ứng chế tài ngay lập tức. Chỉ cần 1 trong số hàng ngàn quán nhậu ở cả nước như trên trở thành ổ dịch, mọi thành quả bấy lâu sẽ tan biến. 
Phong tỏa sân bay, bến cảng, các đường mòn lối mở dọc biên giới cần phải được thực hiện quyết liệt và toàn diện hơn nữa; cần phải đặt tội danh mức hình sự đối với những ai vi phạm cách ly và giữ khoảng cách xã hội cho dù là các hàng quán dưới 20 người.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có lệnh phong tỏa thành công vào giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng nay xem ra đã bắt đầu thua xa nhiều nước. Phải chăng đã bắt đầu xuất hiện tư tưởng chủ quan khi chúng ta tự hào có ca nhiễm thấp nhất so với các nước và cuộc chiến chống dịch đang đến hồi kết?
Covid-19 là một cuộc khủng hoảng sức khỏe-kinh tế chưa từng tồn tại trong trí nhớ con người. Chúng tấn công trực diện vào hệ thần kinh con người, làm tê liệt mọi hoạt động kinh tế-xã hội. Phải sử dụng công cụ chính sách nào? Các lý thuyết kinh tế tiền tệ và kinh nghiệm quá khứ hầu như không có giá trị nhiều để chống lại con virus corona, thậm chí còn không tác dụng. Đây là bài học thứ hai mà các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần tham khảo.
Chỉ cách đây vài tuần, các nhà kinh tế hầu như mặc định chức năng của ngân hàng trung ương là “người cho vay cuối cùng”. Nhưng nay mọi thứ đã đảo chiều, chức năng của ngân hàng trung ương giờ đây lại trở thành “người mua cuối cùng”.
Chẳng hạn, với phương châm thà làm gì đó còn hơn để nền kinh tế rơi tự do, Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) liên tục đưa ra các chính sách bơm tiền không giới hạn mua vào mọi loại trái phiếu, cho dù thừa biết rằng chúng không thể làm cho các cửa hàng và hãng xưởng mở cửa và các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Đối với chính sách tài khóa, virus corona đã khiến cho vấn đề thâm hụt ngân sách quốc gia bây giờ không còn nằm ở mức trần nợ công và bội chi ngân sách bao nhiêu % GDP, mà là phải tăng bao nhiêu và bao nhiêu nữa thì đủ.
Các gói tài khóa tiền tệ lên đến hàng ngàn tỷ USD của các quốc gia hiện nay, chính xác phải đặt tên là lọ thuốc tiêm kinh tế ngủ đông, để chờ đến khi virus corona bị khống chế, lúc đó mới tính đến chuyện các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Đừng tự lấy đá ghè chân mình
 Các lý thuyết kinh tế tiền tệ và kinh nghiệm quá khứ hầu như không có giá trị nhiều để chống lại con virus corona, thậm chí còn không tác dụng.
Việc Bộ Công Thương đề xuất tạm ngừng xuất khẩu gạo để đặt vấn đề an ninh lương thực lên trên hết cần được nhìn nhận dưới lăng kính hai bài học này. Trước hết, trong bối cảnh mà mọi thứ diễn biến quá nhanh, các dữ liệu đầu vào có thể thay đổi liên tục, quyết định cần phải đưa ra ngay lập tức là điều đáng ghi nhận về đề xuất ưu tiên hàng đầu cho an ninh lương thực quốc gia (tạm thời chưa bàn đến khả năng và trình độ nắm bắt dữ liệu của Bộ Công Thương).
Để tránh cho người nông dân bị thiệt hại, Chính phủ hoàn toàn có thể dùng nguồn lực công để thanh toán theo giá thị trường cho các lô hàng gạo xuất khẩu.
Chẳng những đối với lúa gạo, trong thời chiến, vai trò của Chính phủ lúc này phải thể hiện mình là “người mua cuối cùng” đối với một số mặt hàng chiến lược quốc gia.
Chẳng hạn, trong lúc mà giá cả hàng hóa thế giới như giá xăng dầu xuống thấp đến mức kỷ lục 20 USD/thùng, tại sao không thể đặt vấn đề Chính phủ nên và phải hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế nhà nước mua vào tích trữ?
Hay việc Chính phủ đặt vấn đề chỉ định khu vực kinh tế nhà nước tham gia vào các dự án cao tốc Bắc Nam lúc này là hoàn toàn phù hợp với thực tế mới phát sinh. Vào lúc này mà lấy trần nợ công, bội chi ngân sách ra để đánh đố nhau nữa chính là tự lấy đá ghè chân mình.
Hoặc nếu nói rằng thị trường lúa gạo, xăng dầu đã được thị trường hóa nên Nhà nước không cần can thiệp thì có thể bàn vào lúc khác. Cuộc chiến có thể trường kỳ tại sao không tích trữ lương nông? Trong khi Thủ tướng phát đi thông điệp thời chiến thì các hiến kế tại sao lại quá giống với thời bình?
Điều tối quan trọng là sự can thiệp của Nhà nước trong lúc này cần được tính toán trên cơ sở cẩn trọng, không mang tính lợi ích nhóm, không vung tay quá trán, còn phải tạo đường thoát sau này khi nền kinh tế bắt đầu vận hành trở lại bình thường. Tuyệt đối không thể để các giải pháp bất bình thường, mang tính ngắn hạn lại trở thành điều “bình thường mới” sau đại dịch.
Đại dịch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng con người và thành quả kinh tế. Nhưng cho dù chúng có lớn như thế nào cũng chỉ là trong ngắn hạn. Các giải pháp bất thường, nếu  trở thành điều bình thường mới sau này, mới chính là nguy cơ dài hạn mọi mặt cho nền kinh tế, hơn cả đại dịch. 

Các tin khác