Thời thế nay đã khác

(ĐTTCO)-Đã hơn 1 năm từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, chúng ta vẫn đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba do biến chủng SARS-CoV-2. Thời thế - Thích ứng - Tương lai là những vấn đề cần được nói đến, khi cú sốc Covid-19 vẫn đang len lỏi từng ngõ ngách đời sống, làm thay đổi cục diện kinh tế, chính trị. 
Trầm lắng không khí đón xuân
Điểm xuân phân trong khoa học thiên văn đã dần hiện rõ, trục quay của Trái Đất vẫn nghiêng nhiều hơn về phía Mặt Trời như một quy luật. Đây cũng là thời gian dành cho sự phát triển và hồi sinh của hệ động vật và thực vật trên toàn cầu, mở ra chu kỳ sống mới.
Tuy nhiên, sự khác biệt của xuân năm nay lại là không khí đón Tết Nguyên đán, cảnh tượng các tuyến phố trở nên đìu hiu, không còn đầy ắp cành mai, chậu quất và dòng người hối hả qua lại. Dấu hiệu này hàm ý mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 và các biện pháp giãn cách.
Hoạt động nhộn nhịp của các sân bay quốc tế giai đoạn giáp Tết Tân Sửu chỉ là khung cảnh yên ắng và vắng lặng. Không có hình ảnh các thành viên gia đình vui mừng chào đón người thân từ nước ngoài, những cảnh tượng dòng người nối đuôi nhau vẫy tay và dành cái ôm nồng ấm cho người con xa xứ trở về đoàn viên.
Có một sự thật không thể phủ nhận là nỗi sợ hãi mang tính bản năng, cùng với tâm lý hoang mang, bất định vì Covid-19 vẫn tồn tại, đặc biệt khi đợt bùng phát chủng mới SARS-CoV-2 cho thấy sự lây lan nhanh chóng và mức độ nguy hiểm nhiều hơn trước.
Về góc độ kinh tế, cú sốc phi truyền thống Covid-19 buộc chúng ta phải thay đổi chiến lược phát triển, tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời xem xét lại những mối quan hệ thương mại.
Đại dịch có lẽ là chất xúc tác làm cho sự đối đầu vì mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, điển hình là hành động Mỹ đơn phương dán nhãn thao túng tiền tệ với Việt Nam vào ngày 16-12-2020.

Thích ứng trong trạng thái bình thường mới
Có những thứ sẽ không bao giờ trở lại quỹ đạo cũ và không có giải pháp nào là hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy, chúng ta phải chủ động thay đổi và thích nghi để cùng nhau mở ra chu kỳ phát triển mới trong tương lai mới. 
“Bình thường mới” là cụm từ được nhắc rất nhiều trên cả phương diện chính sách lẫn truyền thông. Tuy nhiên, bình thường mới ở đây không phải là mọi thứ đều sẽ trở lại quỹ đạo cũ, mà là biết cách thích nghi với những khó khăn và bất ổn hiện có.
Cụ thể hơn là cần sự thay đổi trong cách sống, cách làm việc, thay đổi trong chiến lược sản xuất và kinh doanh. Với Chính phủ, bình thường mới là cần phải thay đổi cả cách tiếp cận trong điều hành chính sách, tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới để có thể thực thi mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần chống dịch như chống giặc, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Mùa xuân qua đi cũng là khi mùa bão vừa đến, đại dương thường phẳng lặng trước và sau những cơn bão tử thần. Dẫu biết rằng mọi thứ khó đạt được sự hoàn hảo, thậm chí là cả về chính sách, nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng vào những mặt tốt đẹp của thế hệ tiếp nối để thích ứng và sửa đổi những gì đang xảy ra hiện tại.
Khi những liều vaccine chưa thể đến tận tay người dùng, có lẽ hành động giá trị nhất mà bản thân mỗi chúng ta có thể làm là tăng cường hệ miễn dịch cá nhân. 
Hệ miễn dịch ở đây không chỉ hàm ý từ cơ thể con người, còn là khả năng nhận thức cách phòng chống dịch bệnh, biến nỗi sợ hãi thành động lực vượt khó, triệt tiêu tính trì hoãn của bản thân khi mà câu nói “hết dịch rồi tính” dần càng phổ biến. Đây là hệ thống “phòng thủ” tự nhiên nhất chúng ta có thể làm, thay đổi cái “tôi” để đạt được cái “ta” nên là tư duy cần hướng đến.
Gần nhất, hàng trăm ngàn công nhân tự nguyện đón Tết xa nhà với tinh thần “Ai ở đâu, ở yên đấy” để phòng chống biến chủng mới của Covid-19, hành động này cho thấy sự văn minh, trách nhiệm và nghĩa tình với cộng đồng. 
CMCN 4.0 đã lan tỏa đến mọi hoạt động và định hình lại cách thức vận hành, phương thức sản xuất, dịch vụ toàn cầu. Nền kinh tế đất nước đã cho thấy sự thích ứng tích cực trước những khó khăn. Khả năng ứng dụng công nghệ số, tự động hóa sản xuất, áp dụng các hoạt động đổi mới sáng tạo đã góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này.
Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận, trong 9 tháng năm 2020, hơn 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát thích nghi với trạng thái bình thường mới bằng cách ứng dụng công nghệ số. 
Thời thế nay đã khác ảnh 1
Tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế
2021 là năm khởi đầu cho những chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 10 năm của Việt Nam. Sự thành công từ Đại hội 13 của Đảng đã đặt nền móng vững chắc cho những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Những lãnh đạo tiếp nối được kỳ vọng sẽ tạo ra những sức bật mới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tiến đến 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. 
Một số chỉ tiêu nổi bật trong năm 2021 được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, gồm tăng trưởng GDP khoảng 6% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%. Trong 5 năm thuộc giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng GDP bình quân kỳ vọng khoảng 6,5-7% và GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000USD vào năm 2025. GDP bình quân đầu người đến năm 2030 kỳ vọng đạt khoảng 7.500USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt 30% GDP. 
Có thể thấy, phát triển nhanh, bền vững và bao trùm luôn là mục tiêu quan trọng khi thực hiện những chiến lược kinh tế - xã hội. Việc nâng cao năng lực và chất lượng sản xuất, khả năng cạnh trạnh, chất lượng nguồn nhân lực là rất cần thiết. Các mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang được nhiều quốc gia hướng đến.
Xu hướng ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, mô hình đô thị hóa và đô thị thông minh, cùng với làn sóng từ cuộc CMCN 4.0 sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đã đưa ra. 

Các tin khác