Thị trường bất động sản “lệch pha”

Thị trường bất động sản (BĐS) đang nở nồi, phình to hết cỡ trong quá trình phát triển của nó, với nhiều điều phi lý tồn tại, số lượng dự án mở bán tăng ồ ạt, đồng thời con số “bán chạy” cũng công bố ở hầu hết dự án. Sự phát triển “lệch pha” đang ngự trị trên thị trường BĐS.

Thị trường bất động sản (BĐS) đang nở nồi, phình to hết cỡ trong quá trình phát triển của nó, với nhiều điều phi lý tồn tại, số lượng dự án mở bán tăng ồ ạt, đồng thời con số “bán chạy” cũng công bố ở hầu hết dự án. Sự phát triển “lệch pha” đang ngự trị trên thị trường BĐS.

 

Có thể khẳng định rằng, thành quả để cho thị trường BĐS ấm lại chính là sự xuất hiện của gói 30.000 tỷ đồng, dành cho sản phẩm nhà ở là căn hộ hay nhà phố có tổng thanh toán 1,05 tỷ đồng, đối tượng được xác định là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.

Chính sách này đã phá băng thị trường địa ốc từ năm 2013, nhưng đến nay gói 30.000 tỷ đồng hầu như không còn nói tới, mà nhường lại cho sự trình diễn của căn hộ hạng sang, cao cấp. Cụ thể, một vùng rộng sôi động của khu Nam và khu Đông gồm các quận 9, 7, Thủ Đức và huyện Nhà Bè mở bán rầm rộ nhưng không có dự án nào lọt vào gói 30.000 tỷ đồng, tức là có giá xoay quanh mốc 1 tỷ đồng/căn.

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE, tại TPHCM chỉ tính riêng quý 3 có trên 10.000 căn hộ được chào bán, trong đó bán được 3.553 căn, tỷ lệ hấp thụ 35,1%. Dự kiến tổng số lượng mở bán năm nay gần 50.000 căn. Điều đáng nói là giá bán tăng dần, tức là đang “lên mây”, giống như thời điểm sốt nhà đất năm 2007: quý 4-2014 giá bán trung bình khoảng 1.400 USD/m² nhưng đến quý 3 năm nay, giá bán của những dự án mới mở đã tăng lên 2.200 USD/m²! Dễ dàng nhận thấy, nếu như các doanh nghiệp kinh doanh BĐS trước đây hướng đến phân khúc bình dân thì nay đã chuyển hướng sang phân khúc cao cấp.

Trước diễn biến nêu trên, câu hỏi đặt ra là: Thu nhập của đại bộ phận người dân các thành phố lớn đủ sức có thể mua những căn hộ từ 2 - 3 tỷ đồng? Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức một hội thảo về thị trường BĐS. Tại đây, Ban nghiên cứu đề án phát triển thị trường BĐS TPHCM giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, đã công bố thông tin “chấn động”: Tính toán tại một hộ gia đình bình thường của TPHCM, có thu nhập hàng tháng 650 USD, sau khi trừ hết chi tiêu, trung bình mỗi năm tiết kiệm được 3.000 USD.

Trong khi đó, giá căn hộ bình dân giá khoảng 700 USD/m², diện tích 70m², tổng thanh toán 49.000 USD. Như vậy, để có thể thanh toán được một căn hộ bình dân, người ta phải tiết kiệm liên tục 17 năm. Rõ ràng, thị trường phát triển hiện nay không dành cho đại bộ phận người dân TP hoặc những người thiếu nhà.

Trong khi đó, xuất phát từ thực tế, thị trường nhà ở dành cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, mà tiêu biểu nhất là nhà ở xã hội, Ban nghiên cứu đề án phát triển thị trường BĐS TPHCM đã nhìn nhận là “thất bại”, “chưa đạt được kết quả mong muốn với số lượng nhỏ dự án được tiến hành và hoàn thành”. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, thiếu quỹ đất, không có chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, thực thi luật pháp thiếu nghiêm minh… Điều này thể hiện rất rõ qua cách thức xét duyệt khắt khe, tuyển chọn khá nhiều tiêu chí để đưa nhà ở xã hội đến tay người ở.

Thị trường BĐS đang đi theo hướng “rất lạ”, không phải dành cho đại bộ phận người thiếu nhà ở, người rất cần nhà ở thì không đủ tiền mua, mà chính sách hỗ trợ của nhà nước lại “thất bại”. Đây là một sự phát triển “lệch pha”, một nguy cơ “vỡ trận” như hậu cơn sốt địa ốc năm 2007, dẫn đến hậu quả khôn lường. Giải pháp cần kíp là phải có sự rà soát toàn bộ thị trường BĐS, số lượng dự án, giá bán, khách mua, bơm vốn của các tổ chức tín dụng... Tất cả thông số trên phải được thống kê một cách chính xác, qua đó cơ quan nhà nước sẽ biết rõ thị trường đang đi theo hướng nào, cuối cùng sẽ uốn nắn theo hướng phải phục vụ nhu cầu nhà ở thật của đại bộ phận người dân và sự “ra tay” này là hết sức cấp thiết.

Các tin khác