Thép, xi măng tăng giá kéo cả dầu ăn, thịt cá tăng theo

(ĐTTCO) - Song song với cơn lên đồng của giá thép và nhiều loại vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, cát, từ tháng 4 cũng chứng kiến nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm hàng ngày: dầu ăn, đường, rau củ… thiết lập mức giá mới.
Rau củ, thực phẩm, hàng thiết yếu tăng giá đang khiến bữa cơm của người lao động khó khăn hơn. Ảnh: T.Yên
Rau củ, thực phẩm, hàng thiết yếu tăng giá đang khiến bữa cơm của người lao động khó khăn hơn. Ảnh: T.Yên

Rau củ, dầu ăn, đường, muối… mỗi thứ tăng một chút

Theo báo cáo của Sở Tài chính TPHCM về tình hình giá cả một số mặt hàng trong tháng 4 trên địa bàn, nhiều loại rau củ quả như bông cải, cà chua, cải thảo, khổ qua, dưa hấu, nho xanh, vú sữa… có xu hướng tăng 11 - 43% so với tháng 3. Cùng với đó, một số mặt hàng cũng tăng giá do kết thúc các đợt khuyến mãi hoặc giảm giá sâu để đẩy hàng tồn.

Báo cáo về chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Tổng cục Thống kê cũng cho biết bình quân 4 tháng đầu năm, CPI tăng 0,89% so với cùng kỳ 2020, với nguyên nhân chủ yếu là giá gạo, thực phẩm, gas, xăng dầu tăng.

Thực tế từ khoảng 3 tuần nay, tại các chợ dân sinh ở Thủ Đức, Bình Thạnh, giá rau củ, thịt heo, gà, hải sản có xu hướng tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng/kg. Như thịt đùi heo khoảng 140.000 đồng/kg; sườn già khoảng 150.000 đồng/kg; đùi gà công nghiệp 75.000 đồng/kg; cánh gà 80.000 - 90.000 đồng/kg… Mức này tăng trên dưới 20.000 đồng so với tháng 3.

Tăng mạnh hơn là giá rau xanh. Tại các chợ ở quận 1 như Đa Kao, Tân Định, giá rau củ tăng khoảng 20-50% tùy loại. Cụ thể như cà rốt, khoai tây, rau xanh ăn lá tăng khoảng 5.000 đồng/kg, các loại cải, bắp cải tăng 2.000 - 8.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá xà lách tăng rất cao, từ 10.000-15.000 đồng/kg…
Thép, xi măng tăng giá kéo cả dầu ăn, thịt cá tăng theo ảnh 1 Dầu ăn là mặt hàng đã tăng giá ngay trong tháng 4. Ảnh: T
Tại chợ Bà Chiểu, một số tiểu thương bán tạp hóa cho biết đường cát đã tăng từ 15.000 đồng/kg lên 19.000 - 20.000 đồng/kg; dầu ăn từ 30.000 đồng/lít tăng lên 32.000 - 35.000 đồng/lít.

Đại diện Central Retail - đơn vị quản lý chuỗi siêu thị, đại siêu thị Big C, Go! xác nhận các nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá một số mặt hàng, vì nguyên liệu đầu vào tăng. Big C đã điều chỉnh tăng nhẹ với 2 mặt hàng là đường và dầu ăn.

Saigon Co.op cũng cho biết từ giữa cuối tháng 4, các siêu thị bắt đầu nhận được đề nghị sẽ tăng giá nhiều mặt hàng nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền, mức tăng áp dụng vào tháng 5. Nguyên nhân tăng giá các nhà cung cấp đưa ra là giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.

Lạm phát của Việt Nam ở mức 3%
Dù giá nguyên liệu, hàng hóa đang có xu hướng tăng mạnh nhưng các chuyên gia cho rằng giá cả hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát.
Trong báo cáo Vietnam at a glance - Lạm phát sẽ đi đến đâu? Khối nghiên cứu của HSBC nhận định Lạm phát của Việt Nam năm 2021 sẽ quanh mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức trần 4% theo mục tiêu đề ra, chủ yếu phản ánh tác động của việc điều chỉnh giá lương thực.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức, cho biết các đề nghị tăng giá sẽ được doanh nghiệp xem xét cẩn trọng. Giữa bối cảnh dịch bệnh, Saigon Co.op không áp dụng tăng giá ngay, mà có lộ trình hợp lý, dựa trên đặc trưng của từng ngành hàng, để chia sẻ với người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Vissan cũng cho biết nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, hương liệu sản xuất đã đề nghị tăng giá lên 15% từ tháng 5.

Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ còn tăng đến cuối năm?

Một mặt hàng ảnh hưởng lớn đến cơ cấu giá hàng hóa, và đã tăng giá liên tục từ cuối năm trước đến nay, là xăng. Tại kỳ điều chỉnh mới nhất ngày 12-5, giá xăng A95 bán lẻ trong nước đã lên hơn 19.530 đồng/lít, xăng E5 hiện bán lẻ gần 18.500 đồng/lít.

Thép, xi măng tăng giá kéo cả dầu ăn, thịt cá tăng theo ảnh 2 Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất có xu hướng tăng từ quý đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến giá thành nhiều sản phẩm, hàng thiết yếu tăng theo, chật vật từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Ảnh: Báo đầu tư
Tính từ ngày 11-11-2020 đến nay, xăng E5 đã tăng 4.541 đồng/lít, xăng A95 tăng 4.830 đồng/lít. So với thời điểm này năm ngoái, xăng đã tăng hơn 60%.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng 5-6 đợt, tổng cộng 1.000-1.500 đồng/kg tùy loại. Và mức tăng giá thức ăn chăn nuôi được Cục Chăn nuôi  nhìn nhận sẽ khó dừng trong quý II này. Cùng với tình hình dịch tả heo châu Phi chưa được khống chế, giá thịt gia súc, gia cầm sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Theo thống kê của các một doanh nghiệp sản xuất tại TPHCM, so với đầu năm, giá các loại gia vị, phụ gia nhập khẩu tăng 5-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15-70%, găng tay cao su tăng 300%.

Nguyên liệu đầu vào tăng đã khiến giá thành sản phẩm tăng thêm từ 5-15% trong quý I, II, và có thể tăng từ 10-25% trong nửa cuối năm. Doanh nghiệp đang cố gắng tìm các nguyên liệu đầu vào khác thay thế, cắt giảm chi phí trung gian để giữ giá sản phẩm, hỗ trợ người tiêu dùng.

Cú sốc thép

Nhóm ngành hàng có mức tăng gây sốc nhất từ đầu năm đến nay là thép và nhiều vật liệu xây dựng khác. Chỉ riêng 2 lần tăng giá của tháng 5-2021, mỗi tấn thép đã cộng thêm khoảng 1 triệu đồng. So với cách đây nửa năm, giá thép trong nước đã vọt tăng gấp rưỡi.

Thép tăng mạnh đã kéo theo gạch, cát, đá, xi măng đồng loạt tăng theo.

Từ giữa cuối tháng 4, đồng loạt các doanh nghiệp xi măng báo giá tăng thêm 30.000-40.000 đồng/tấn, với lý do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng như điện, than, công vận chuyển… tăng cao.

Cùng với đó, gạch ốp các loại đang tăng ít nhất 5.000 đồng/m2, gạch xây dựng tăng 1.200 đồng/viên, cát tăng hơn 40.000 đồng/khối...

Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh khiến cho giá nguyên liệu thô sản xuất thép ,như thép phế, phôi thép từ khoảng giữa tháng 10-2020 đến nay liên tục tăng.

Theo khảo sát thì giá chào phôi, thép phế trên thị trường thế giới hiện tại tăng khoảng 37-39% so với tháng 10-2020.

Các tin khác