Thế khó của siêu thị khi gánh nhiệm vụ lo bữa ăn cho hàng triệu người dân TPHCM trong đại dịch

(ĐTTCO) – Trong điều kiện bình thường, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cung ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng của người dân TPHCM. Các chợ truyền thống giải quyết đến 70%. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải gánh trách nhiệm lo bữa ăn cho gần 10 triệu dân thành phố khi gần 200 chợ trong tổng số khoảng 240 chợ đã phải đóng cửa.
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM đang chịu áp lực rất lớn khi gánh nhiệm vụ cung ứng thực phẩm cho toàn bộ người dân khi hơn 60% chợ truyền thống đã phải dừng hoạt động. Ảnh: K. Ngân
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TPHCM đang chịu áp lực rất lớn khi gánh nhiệm vụ cung ứng thực phẩm cho toàn bộ người dân khi hơn 60% chợ truyền thống đã phải dừng hoạt động. Ảnh: K. Ngân

Tình trạng các điểm bán ngày càng giảm, trong khu nhu cầu mua sắm lại tăng cao khi ngày 3 bữa ăn phần lớn người dân phải nấu tại nhà, khiến các siêu thị lúc nào cũng trong cảnh chật cứng người chờ mua thực phẩm.

Tại cuộc họp chiều 15-7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương, cho biết trước đây TPHCM nhập khoảng 7.000 tấn thực phẩm rau củ quả, thực phẩm tươi sống mỗi ngày. Từ khi thực hiện Chỉ thị 16, việc vận chuyển thực phẩm về thành phố đã gặp khó khăn, đặc biệt khi các chợ đầu mối và chợ truyền thống phải đóng cửa vì dịch bệnh. Do vậy, mỗi đêm sản lượng rau củ, quả thực phẩm tươi sống về thành phố giảm còn 2.200 - 2.300 tấn. 

Trong thông mới đây của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động - doanh nghiệp sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh, doanh nghiệp này cho biết khó giữ được giá bán lẻ hàng tươi sống khi đối mặt với một loạt áp lực làm tăng giá đầu vào sản phẩm, do các địa phương tăng cường nhiều giải pháp phòng chống dịch.

Do vậy, chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TPHCM đã điều chỉnh theo sự biến động của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định. 

Thế khó của siêu thị khi gánh nhiệm vụ lo bữa ăn cho hàng triệu người dân TPHCM trong đại dịch ảnh 1 Chi phí đầu vào tăng giữa lúc nhu cầu tiêu dùng lớn, đã có doanh nghiệp thông báo tăng giá hàng tươi sống giữa dịch. Ảnh: H. Minh
Doanh nghiệp khẳng định dù không có chủ trương tăng giá bán để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước dịch đối với một số mặt hàng tươi sống. Lý do là thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh. Trong khi tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, cộng thêm giá xăng tăng liên tục gần đây, tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng lên.

Thêm vào đó, chi phí nhân công tăng lên, do nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc ở trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc, khiến nhân viên đang làm việc phải tăng ca liên tục để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến.

Ngoài ra, còn có chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng nghìn tài xế giao hàng và nhân viên kho, hàng trăm nhân viên đi làm ở hai tỉnh lân cận nhau. Chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa hai tỉnh thành lân cận. Nhà cung cấp cũng tăng giá do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, sản phẩm hư hỏng vì khâu lưu thông kéo dài… 

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, cũng cho biết do giấy chứng nhận xét nghiệm có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian, là nguyên nhân gây khó khăn chính cho công tác lưu thông hàng hoá.

Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TPHCM không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm, bị lưu giữ lại các chốt kiểm dịch, khiến hàng hóa hư hỏng, không kịp cung ứng.

Trong khi đó, các cửa hàng Vinmart+ không có lợi thế kho chứa như siêu thị lớn, doanh nghiệp đã phải tăng số lần tiếp hàng trong ngày lên 2 đợt sáng và chiều. Xong hàng hóa bị tắt ở các chốt kiểm dịch khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Thế khó của siêu thị khi gánh nhiệm vụ lo bữa ăn cho hàng triệu người dân TPHCM trong đại dịch ảnh 2
Thế khó của siêu thị khi gánh nhiệm vụ lo bữa ăn cho hàng triệu người dân TPHCM trong đại dịch ảnh 3 Tình trạng quầy hàng hóa trống trơn thường xuyên diễn ra tại các siêu thị những ngày gần đây. Ảnh: H. Minh
Ông Trinh cho biết doanh nghiệp đã kiến nghị các cơ quan chức năng tìm giải pháp triển khai mô hình xét nghiệm nhanh, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá. Đồng thời, nghiên cứu các phương án đảm bảo luân chuyển hàng hoá không bị tắc nghẽn tại các chốt ven thành phố.

Đây cũng là áp lực mà nhà bán lẻ Saigon Co.op, nơi đang gánh nhiệm vụ cung ứng hàng thiết yếu, cung ứng suất ăn cho nhiều khu cách ly, bệnh viện dã chiến của TPHCM, gặp phải. Dù vậy, doanh nghiệp khẳng định quyết tâm không tăng giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo phòng tuyến cho người dân an tâm chống dịch.

Hiện số lượng nhân sự của Saigon Co.op tại TPHCM chưa đến 10.000 người, nhưng đang phục vụ ước tính từ 3-5 triệu người dân TPHCM. Ngoài phục vụ tại siêu thị, bán hàng online, hệ thống này còn chịu trách nhiệm cung cấp hơn 10.000 suất ăn và nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 chiều 16-7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, việc cung ứng hàng hóa về thành phố gặp một số khó khăn. Hiện thành phố thiếu khoảng 1.000 tấn lương thực, thực phẩm, nhất là rau, củ, quả và trứng gia cầm. Nguyên nhân không phải thiếu nguồn cung mà thiếu hệ thống phân phối, khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động.
Thế khó của siêu thị khi gánh nhiệm vụ lo bữa ăn cho hàng triệu người dân TPHCM trong đại dịch ảnh 4 Xếp hàng chờ vào siêu thị mua sắm là cảnh dễ thấy tại nhiều khu vực đông dân cư ở thành phố. Ảnh: H. Minh
Trước mắt, Sở Công thương đã huy động các hệ thống khác vào cuộc như Viettel post, VN post, các chuỗi trước đây cung ứng hàng công nghiệp, thời trang tham gia cung ứng nhu yếu phẩm. Đồng thời tổ chức hơn 100 điểm bán hàng lưu động, giải quyết phần nào nhu cầu trước mắt của người dân.

Không chỉ khó khăn trong khâu vận chuyển, chi phí xét nghiệm, chi phí hàng hóa từ nhà cung cấp tăng, mà các doanh nghiệp còn đối diện với nỗi lo đứt gẫy chuỗi cung ứng, trước nguy cơ xâm nhập dịch bệnh.

Phía Masan cho biết điều lo lắng nhất là nguy cơ lây lan dịch vào các hệ thống bán lẻ và các khu sản xuất, do sản phẩm của doanh nghiệp này hầu hết là hàng thiết yếu.

Hiện 30 nhà máy, trong đó nhiều tổ hợp chế biến thực phẩm của tập đoàn này đặt tại hàng chục tỉnh thành trên cả nước. Nhiều tổ hợp đang có nguy cơ phơi nhiễm cao do hoạt động tại điểm nóng dịch là Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ,... Hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ của Masan đang có gần 2.500 điểm bán cũng phủ rộng trên cả nước với hơn 22.000 nhân viên.

Tổng cộng, Masan có gần 40.000 nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng, nhưng mới có 6.500 nhân viên được tiếp cận nguồn vaccine.

Để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng thiết yếu, Masan đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng ưu tiên tiêm ngừa vaccine Covid-19. Doanh nghiệp này cũng cam kết đảm bảo hàng hóa cho người dân tại các vùng dịch, và không tăng giá thời điểm này.

Các tin khác