Thanh toán không dùng tiền mặt: Hoàn thiện cơ chế, kết nối hạ tầng

(ĐTTCO) - Sự kiện Cục Thuế TPHCM đề xuất việc quy định ngành hàng ăn uống, dịch vụ cao cấp buộc phải thanh toán bằng thẻ từ 5 triệu đồng trở lên, có kết nối với cơ quan thuế và phải sử dụng hóa đơn điện tử đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.

 Thực tế, việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia cũng như cho doanh nghiệp (DN) và cá nhân. Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Song để TTKDTM trở nên phổ biến, rất cần các giải pháp đồng bộ.

Khó thay đổi thói quen?
Trong báo cáo về tình hình hoạt động 9 tháng năm 2017 của ngành NH, NHNN cho biết tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ 19,02% năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và đến thời điểm cuối năm 2016 là 11,49%. Cơ sở hạ tầng thanh toán của Việt Nam hiện nay đã cơ bản đáp ứng và thúc đẩy TTKDTM qua thẻ.
Thẻ NH cũng tiếp tục phát triển về số lượng, lũy kế đạt mức trên 121,5 triệu thẻ vào cuối tháng 6-2017, giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Nhiều tính năng ứng dụng thanh toán được tích hợp để thẻ NH sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến. Đến nay đã có 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
 Thói quen dùng tiền mặt sẽ thay đổi tùy theo phương tiện thanh toán. Theo đó, nếu thị trường có nhiều điểm chấp nhận thanh toán qua hệ thống NH, người dân sẽ đáp ứng. Tuy nhiên, tại Việt Nam ít nhất phải 10 năm nữa với điều kiện phải có giải pháp thay đổi thói quen của người dân, TTKDTM mới phổ biến.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, 
chuyên gia tài chính NH
Tuy nhiên, thực tế trong chi tiêu mua sắm hàng ngày người dân vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt. Điều này không chỉ vì thói quen khó bỏ, mà còn do nhiều thành phần kinh tế không nhận thanh toán qua hệ thống NH. Theo các chuyên gia, hiện chỉ có khoảng 30% cơ sở kinh doanh buôn bán chấp nhận thanh toán bằng thẻ, 70% còn lại thanh toán bằng tiền mặt.
Trong khi đó, Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn qua các hình thức TTKDTM; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các TP lớn sử dụng phương tiện TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng; phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại NH lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.
Và NHNN cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển thanh toán thẻ NH qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020, đặt mục tiêu 100% Kho bạc Nhà nước ở các tỉnh, thành có POS để phục vụ thu ngân sách nhà nước.
Thanh toán qua thẻ có nhiều tiện lợi như người dùng không phải mang theo nhiều tiền mặt, không lo bị mất tiền do đánh rơi hoặc bị móc túi. Khi dùng thẻ tín dụng thanh toán còn được hưởng nhiều ưu đãi, như mua trước trả sau với 45-55 ngày miễn lãi, được giảm giá tại nhiều điểm mua sắm ăn uống, tích điểm để đổi quà, mua hàng trả góp lãi suất 0%...
Tuy nhiên, rào cản lớn đối với TTKDTM là thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày của người dân. Thí dụ, hiện nay nhiều cơ quan, DN đã áp dụng chi lương qua thẻ cho cán bộ công nhân viên, nhưng hầu hết đều rút tiền mặt để chi tiêu. Tại các khu công nghiệp, vào thời điểm nhận lương, công nhân xếp hàng hàng giờ đồng hồ tại các máy ATM rút tiền lương trong thẻ để chi tiêu. 

Tiến tới bắt buộc từng phần
Thực ra với giới trẻ, viên chức, thanh toán qua thẻ đang dần phổ biến nhưng lại gặp không ít khó khăn và rắc rối do nhiều máy thanh toán qua thẻ (POS) lắp đặt tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng bị trục trặc, dẫn đến việc một giao dịch bị trừ tiền nhiều lần, chủ thẻ phải vất vả khiếu kiện để đòi lại tiền.
Bên cạnh đó, dù các NHTM không thu phí chủ thẻ, chỉ thu phí đơn vị kinh doanh, nhưng một số đơn vị kinh doanh lại thu thêm phí của khách hàng để bù vào khoản này. Còn đối với một bộ phận DN, với thói quen và những tiện ích nhằm tránh sự quản lý của các cơ quan nhà nước, cũng như không muốn công khai sự minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nên TTKDTM vẫn là phương thức không được ưa chuộng.
Ngoài ra do TTKDTM chưa trở thành vòng khép kín, giao dịch tiền mặt vẫn còn phổ biến nên muốn thanh toán các khoản giao dịch bằng thẻ phải đến NH nộp tiền vào tài khoản, cũng khiến nhiều người cảm thấy bất tiện hơn so với dùng tiền mặt để thanh toán.
 Hiện nay tỷ lệ người dân có tài khoản NH đã lên tới gần 59%, tăng khá ấn tượng so với thời điểm năm 2014 chỉ có 31%. Vì thế, mục tiêu trọng tâm trong việc phát triển các kênh phân phối mới là đẩy mạnh việc thanh toán qua di động và ngành NH cũng đặt mục tiêu 70% người trưởng thành có tài khoản NH.
Ông Nghiêm Thanh Sơn
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN
Hiện nay, đối với vấn đề TTKDTM, Luật Các TDTD không có quy định bắt buộc thực hiện. Tuy nhiên, gần đây cơ quan quản lý đã đưa ra một số dự thảo với định hướng bắt buộc TTKDTM đối với một số đối tượng.
Cụ thể, tháng 8-2017, NHNN đưa ra dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 09/2012 quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của TCTD. Trong đó, NHNN đã thu hẹp từ 6 trường hợp được giải ngân vốn vay bằng tiền mặt xuống chỉ còn 3 trường hợp.
Đồng thời, trong Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, cũng đặt yêu cầu nghiên cứu ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền…) phải sử dụng phương thức TTKDTM. 
Trước đó vào năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 09 quy định khi góp vốn, mua bán, chuyển nhượng vốn giữa các DN, vay, cho vay, trả nợ vay lẫn nhau phải chuyển khoản, không dùng tiền mặt. Hay theo quy định hiện hành, các hóa đơn trên 20 triệu đồng, nếu muốn được tính vào chi phí để khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào khi tính thuế thu nhập, DN phải trả qua NH. Mới đây Bộ Tài chính đã đề nghị hạ hạn mức khấu trừ VAT này xuống 10 triệu đồng. 
Hay mới đây, Cục Thuế TPHCM đã đề xuất với chính quyền quy định ngành hàng ăn uống, dịch vụ cao cấp phải sử dụng máy POS có kết nối với cơ quan thuế, phải sử dụng hóa đơn điện tử để có thể xác minh chính xác doanh thu thực tế. Theo ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, có thể những hóa đơn từ trên 5 triệu đồng sẽ phải thanh toán qua NH thay vì mức 20 triệu đồng như quy định trước đó nhằm khuyến khích TTKDTM. Hiện đề xuất này đang được lấy ý kiến trước khi trình lên HĐND TP và các cơ quan hữu quan. 
Trước đó, Tổng cục Thuế cũng cho biết Cục Thuế TP Đà Nẵng, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh và Cục Thuế TP Hà Nội đã có công văn đề nghị về giải pháp lắp đặt máy POS tại các cơ sở kinh doanh để thực hiện kết nối thông tin quản lý doanh thu kinh doanh. Những đề xuất này được ngành thuế đưa ra với mục đích ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế VAT, phòng chống rửa tiền và thúc đẩy việc TTKDTM tại Việt Nam.
Thanh toán không dùng tiền mặt: Hoàn thiện cơ chế, kết nối hạ tầng ảnh 1 Do thiếu kết nối trong hệ thống mua bán nên hầu hết công nhân nhận lương qua thẻ vẫn rút tiền mặt mua sắm. 
Xu hướng sử dụng tiện ích
Hiện nay, thị trường thẻ đang có nhiều chuyển động, ngoài thẻ dành cho cá nhân, nhiều NH như Sacombank, VPBank, TPBank, NamABank còn cấp thẻ tín dụng cho DN. Đây là giải pháp để các DN thanh toán tiền hàng nhanh chóng và được khấu trừ thuế vào chi phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Có thể thấy, với nỗ lực của các NH, phương tiện để phát triển TTKDTM ngày càng đa dạng, phục vụ mọi đối tượng. Ngoài ra các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cũng đang phát triển, và để cạnh tranh các NH cũng chủ động đầu tư vốn nâng cấp hạ tầng công nghệ tương thích với nền tảng tài chính số, theo đó dịch vụ tài chính phục vụ người dân ngày càng đa dạng hơn. 
Theo các chuyên gia tài chính NH, sự phát triển của các dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ sẽ giúp các định chế tài chính giảm thiểu được chi phí và mang đến những sản phẩm dịch vụ tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy TTKDTM. Tuy nhiên, các hình thức TTKDTM hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, để phát triển cần có kế hoạch cụ thể và sự hỗ trợ của các bộ ngành và nỗ lực của các TCTD, công ty Fintech. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các lợi ích thiết thực cũng như xu hướng tất yếu của phương thức thanh toán mới này, nhất là trong trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán thẻ, NHNN cho biết thời gian tới cần triển khai một số giải pháp cơ bản. Cụ thể hoàn thiện hành lang pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực thanh toán; hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng, đa dạng các dịch vụ tiện ích của NH, áp dụng công nghệ thẻ phi tiếp xúc, thẻ đa năng, QR code, Tokenization. Ngoài ra, NHNN cũng đặt mục tiêu tăng cường hoạt động giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và tin cậy đối với các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ… 
Trước mắt do cơ sở hạ tầng còn có nhiều thành phần kinh tế không nhận thanh toán qua hệ thống NH mà yêu cầu tiền mặt, nên vấn đề trọng điểm là cần đầu tư nhanh hệ thống POS. Đây là nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện sớm, để trong tương lai có được một nền kinh tế phi tiền mặt. Còn nếu chúng ta vẫn chần chừ việc này, hàng chục năm nữa Việt Nam vẫn là nền kinh tế sử dụng tiền mặt. 

Các tin khác