Thành phố cuối sông, đầu biển

Những điểm nổi trội trên nhiều lĩnh vực về sự trong lành của môi trường, thân thiện của con người, bãi biển quyến rũ nhất hành tinh hay thành phố của những cây cầu mang đậm chất thẩm mỹ được xây dựng... trong suốt những năm vừa qua đã tạo nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng, xứng đáng được bầu chọn là thành phố đáng sống nhất ở Việt Nam.

Những điểm nổi trội trên nhiều lĩnh vực về sự trong lành của môi trường, thân thiện của con người, bãi biển quyến rũ nhất hành tinh hay thành phố của những cây cầu mang đậm chất thẩm mỹ được xây dựng... trong suốt những năm vừa qua đã tạo nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng, xứng đáng được bầu chọn là thành phố đáng sống nhất ở Việt Nam.

Từ môi trường bên ngoài

Chị Nguyễn Phan Ngọc Thủy (34 tuổi), công tác tại Văn phòng UBND Đà Nẵng, kể lại câu chuyện khá thú vị rằng chị có người bạn từ Hà Nội vào Đà Nẵng du lịch. Hôm đó, chị chở người bạn bằng xe gắn máy đang thư thái ngắm cây cầu quay sông Hàn - biểu tượng của Đà Nẵng - bất ngờ thấy một bịch túi nilon bay vù xuống đường, người bạn ngồi phía sau giục chị chạy xe nhanh theo chiếc xe ô tô đang đi phía trước. Khi hai xe đã song song, người bạn chồm qua chiếc xe ô tô biển số 51, trên xe lúc này có 5 người, nói: Sao các anh chị xả rác bừa bãi ra thế?

Phía trong xe nói ra với giọng chống chế là do em bé cầm không cẩn thận nên gió thổi bay lọt ra ngoài và không quên nói lời xin lỗi. Quá ngạc nhiên về ý thức bảo vệ môi trường cho Đà Nẵng của người bạn đến từ phương xa, chị Thủy quay qua hỏi và được biết do người bạn đọc được trên trang facebook tự nguyện về quản lý đô thị Đà Nẵng “Tiện nghi-xanh-sạch-đẹp”, với sự tham gia của nhiều thành viên nhằm mục đích xây dựng những thói quen tốt cho việc phát triển đô thị Đà Nẵng.

Trong một lần về Đà Nẵng, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất sau khi dạo quanh một vòng đã thốt lên: Đà Nẵng đang sở hữu một con đường tuyệt đẹp, nó như một bao lơn ôm bọc lấy thành phố như người mẹ ôm con vào lòng, thân thiện mà bao dung. Tự bản thân con đường đã mang trong mình bao nét xưa phố cũ hài hòa với những công trình kiến trúc hiện đại như thể bản thân con đường là một bộ nhớ được tiếp nối từ quá khứ tới hiện tại, với một không gian văn hóa đầy sức sống và mở ra những tầm nhìn thưởng ngoạn cảnh quan thật kỳ diệu.

Đồng quan điểm, một kiến trúc sư khác lại ví con đường này là một phòng khách ấm áp nếu xem Đà Nẵng như một ngôi nhà. Phòng khách này luôn trong tư thế tạo nên ấn tượng mời gọi khách bước vào nhà. Mà phòng khách luôn là một không gian kiến trúc được đầu tư và thiết kế mất nhiều công sức nhất, là một điểm nhấn đầu tiên khi người ta đến nhà bạn. Vì thế, khi tiếp khách phương xa, người Đà Nẵng thường đưa bạn đi dọc con đường Bạch Đằng - niềm tự hào của người địa phương.

Rời đường Bạch Đằng uốn lượn theo sông Hàn chảy trôi êm đềm trong những tối mùa hè mang theo những đợt gió thổi mát lòng người, để đến với bãi biển Mỹ Khê. Nơi đây nổi tiếng với bãi cát trắng mịn, sóng biển ôn hòa, làn nước trong xanh ấm áp quanh năm cùng hàng dừa thơ mộng bao quanh biển khiến tạp chí kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ Forbes phải bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh...

Đến “nội thất” bên trong

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, từng cắt nghĩa: “Làm sao từ trẻ con đến người già, mọi người sống trong không gian của thành phố đó đều được chăm lo chu đáo, từ cái ăn, ăn no đến ăn ngon; chỗ ở, từ chỗ chỉ đủ che mưa, che nắng đến chỗ ở đẹp, rộng rãi, thoáng mát; thoải mái đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí… Một thành phố không những thanh bình mà còn là một thành phố thái bình”.

18 năm sau khi Đà Nẵng tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ năm 1997, có thể cảm nhận rằng điều khiến thành phố bên sông Hàn có bước tiến dài là chính quyền Đà Nẵng đã làm tốt vấn đề then chốt hơn nhiều địa phương khác: Dám cải cách thể chế mạnh mẽ. Quan trọng hơn, cuộc cải cách thể chế phù hợp với điều kiện chung của Đà Nẵng, đã cởi trói, phát huy nội lực của một thành phố lớn nhất miền Trung, nơi được tạo hóa ban tặng nhiều lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý và nguồn nhân lực.

Đà Nẵng đã từng đưa ra những chính sách “chẳng giống ai”, điển hình là “5 không, 3 có” và thực hiện tốt chính sách đó. Sau "5 không", Đà Nẵng dấn thêm bước nữa, đó là triển khai chương trình "3 có": Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả, bình quân hàng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho trên 30.000 lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở. Trong khi đó, "Thành phố môi trường" - một đề án mới đang được triển khai - cũng có thể coi là hướng phát triển của việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Người ta nói nhiều về việc cải cách thể chế của Đà Nẵng đạt thành tựu tốt là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, nhưng cần phải nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của chính quyền Đà Nẵng trong 18 năm qua. Cho nên, từ thành tựu vượt bậc của các lãnh đạo tiền nhiệm, không khó cảm nhận lãnh đạo thành phố Đà Nẵng hiện tại đang chịu khá nhiều áp lực. Họ phải chứng tỏ đang nỗ lực kế thừa, phát huy được những nền tảng quý báu 18 năm qua Đà Nẵng đã gặt hái, nhất là trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế. Họ đang nỗ lực xây dựng cơ sở niềm tin về năng lực quản lý, điều hành.

Không thể liệt kê hết “những chuyện lẻ tẻ” như ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy trước đây từng nói để xây dựng nên thương hiệu Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp như ngày hôm nay. Nhưng với những việc làm đặc biệt kể trên, cùng với những chính sách “hổng giống ai”, như không tuyển công chức học tại chức; không thu tiền gửi xe trong các bệnh viện; không cho bán hàng bên bờ biển; vận động thành công Nhà nước và Nhân dân cùng làm các công trình công cộng; đối thoại định kỳ với các tổ chức tôn giáo; đi tiên phong giải quyết nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp hay kiên quyết từ chối 2 dự án lớn về sản xuất thép và giấy để quyết tâm trở thành thành phố xanh sạnh đẹp, vì môi trường...

Cùng với nhiều việc làm có ý nghĩa khác không thể kể hết ra đây, thì “ba cái chuyện lẻ tẻ” đó xứng đáng được nhiều địa phương trong cả nước học tập, để sao cho mỗi người dân khi nói về quê hương mình đều ánh lên vẻ tự hào như Đà Nẵng đã làm được ngày hôm nay.

Biển Mỹ Khê, một trong những bãi biển được bình chọn đẹp nhất hành tinh. Ảnh: H.Minh

Biển Mỹ Khê, một trong những bãi biển được bình chọn đẹp nhất hành tinh.
Ảnh: H.Minh

Để Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống” vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng việc trở thành “nơi đáng để đến” đã là hiện hữu. Niềm tin và động lực để thành phố cuối sông, đầu biển này tiếp tục trên con đường xây dựng, hoàn thiện mình để không phụ lòng mong mỏi của du khách gần xa, trong nước, quốc tế và doanh nghiệp đầu tư, khi năm 2014, tiếp tục được xếp hạng ở vị trí quán quân về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Không những vậy, thành phố này còn vinh dự được trang Therichest xếp thứ 6 trong số 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới du khách nên tham quan vào năm 2015, chỉ sau Caceres (Tây Ban Nha), Adelaide (Nam Australia), Medellin (Colombia),  Durban (Nam Phi) và St. Kitts (Tây Ấn Độ).

Các tin khác