Thành lập 2 Tiểu ban quản lý lưu vực sông Cửu Long và Sê San-Srêpốk

(ĐTTCO)-Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban lưu vực sông Sê San-Srêpốk có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên lưu vực sông.
Thành lập 2 Tiểu ban quản lý lưu vực sông Cửu Long và Sê San-Srêpốk

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam vừa ký Quyết định số 07/QĐ-UBMC và số 08/QĐ-UBMC về việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và thành phần của Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban lưu vực sông Sê San-Srêpốk.

Theo các quyết định trên, hai Tiểu ban có chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam thực hiện quản lý lưu vực sông Cửu Long và quản lý lưu vực sông Sê San-Srêpốk theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật có liên quan của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Hai Tiểu ban cũng chính là tổ chức quản lý lưu vực sông theo quy định trong Luật Tài nguyên nước cho các lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Sê San-Srêpốk.

Cụ thể, Tiểu ban lưu vực sông Cửu Long và Tiểu ban lưu vực sông Sê San-Srêpốk sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia liên quan đến lưu vực sông; thúc đẩy hợp tác sử dụng quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường giữa Việt Nam và Campuchia.

Các Tiểu ban đề xuất chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho toàn bộ châu thổ Mekong và các lưu vực sông Sê San-Srêpốk tiến tới cơ chế hợp tác quản lý lưu vực chung với Campuchia trong khuôn khổ hợp tác Ủy hội sông Mekong quốc tế và hợp tác song phương Việt Nam-Campuchia.

Ngoài ra, các Tiểu ban cũng thực hiện nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam đảm bảo phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đối tác quốc tế, vùng, trong nước và các cá nhân có liên quan trong theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên lưu vực của Việt Nam.

Các Tiểu ban giúp Chủ tịch Ủy ban sông Mekong Việt Nam đảm bảo phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, ủy ban nhân các tỉnh, thành phố liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban liên quan đến lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Sê San-Srêpốk của Việt Nam thông qua chuẩn bị ý kiến của Ủy ban về các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án và theo dõi giám sát các hoạt động có liên quan đến khai thác, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Cửu Long và Sê San-Srêpốk.

Với tầm quan trọng đặc biệt của nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long và lưu vực sông Sê San-Srêpốk của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam được phân công giữ chức vụ Chủ tịch của cả hai Tiểu ban.

Mỗi Tiểu ban sẽ có hai Phó Chủ tịch Tiểu ban do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách. Riêng các ủy viên của các Tiểu ban sẽ được mở rộng ra tất cả các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh/thành phố nằm trong lưu vực.

Đặc biệt, để đảm bảo hiệu quả đối với các hoạt động của Tiểu ban, thành phần của Tiểu ban còn có sự tham gia của đại diện các chủ hồ, một số tổ chức khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước với quy mô lớn hoặc có tác động lớn tới nguồn nước của lưu vực sông; các nhà khoa học; các tổ chức chính trị-xã hội có liên quan được mời tham gia các phiên họp của Tiểu ban khi cần thiết.

Các tin khác