Tạo thế cho mình và hành động cụ thể

(ĐTTCO) - Từ khi nhiều tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm thêm địa điểm ngoài Trung Quốc để di dời (chủ yếu một phần), hay thiết lập thêm nhà máy mới, các nước lân cận trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đều có những động thái tích cực để cạnh tranh thu hút dòng dịch chuyển này.

Dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG
Gót chân Achilles của Ấn Độ và Indonesia
Trong số các nước cùng chạy đua với Việt Nam về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dịch chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là 2 đối thủ được xem đáng gờm nhất, vì có dân số đông, cấu trúc dân số trẻ và chi phí lao động thấp.
Năm 2014, Ấn Độ đề ra chương trình “Make in India” nhằm đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất chế tạo. Mục tiêu của chương trình này đến 2025 tăng tỷ trọng của sản xuất chế tạo trong GDP nước đông dân thứ 2 thế giới lên đến 25%, tạo thêm khoảng 100 triệu việc làm. Nhưng sau 6 năm, chương trình vẫn chưa thể thay đổi diện mạo của lĩnh vực sản xuất chế tạo, FDI trong lĩnh vực này cũng không có thay đổi đáng kể. Dòng vốn FDI vào Ấn Độ vẫn xoay quanh 3 trụ cột chính chiếm khoảng 50% tổng FDI, là công nghiệp phần mềm, phần cứng và viễn thông.
Tạo thế cho mình và hành động cụ thể ảnh 1
2 điểm yếu quan trọng nhất của Ấn Độ được ghi nhận là Luật Lao động và giải phóng mặt bằng. Sự phức tạp của Luật Lao động làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài, khi đòi hỏi phải có sự đồng thuận giữa chính phủ và người lao động, dù trên những vấn đề tưởng chừng đơn giản như thay đổi bản mô tả công việc, hay trách nhiệm của người lao động. Không những thế, nhiều quy định đòi hỏi cả sự tham gia của chính quyền bang và chính phủ (Ấn Độ có thể chế liên bang). Ngoài ra, 2 bang khác nhau có khi lại quy định khác nhau trên cùng một vấn đề, như nghiệp đoàn, gây khó khăn cho những doanh nghiệp hoạt động cùng lúc trên nhiều địa bàn khác nhau.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất cho nhà đầu tư, Luật Đất đai mới 2013 tạo thêm sự minh bạch, người dân được tham gia nhiều hơn, tái định cư tốt hơn. Nhưng cũng vì bảo vệ lợi ích của chủ đất, nên quá trình thương thảo giữa chủ đầu tư và chủ đất kéo dài, quỹ đất sạch không đáp ứng đủ yêu cầu của nhà đầu tư nếu nhà máy hay khu công nghiệp cần diện tích lớn. Bên cạnh 2 điểm yếu lớn này, Ấn Độ còn có các điểm yếu khác như thiếu nhân công lành nghề (lao động có kỹ năng tốt chỉ tập trung trong lĩnh vực công nghệ thông tin) và hạ tầng giao thông, logistics kém.
Đối với Indonesia, điểm yếu lớn nhất có lẽ là việc bảo hộ quá mức kinh tế trong nước, khi đất nước vạn đảo này có những lĩnh vực kinh tế cấm hoàn toàn nước ngoài hoặc có độ mở rất ít. Bên cạnh đó, sự chồng chéo trong quản lý giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương hay Luật Lao động khắt khe với bên sử dụng lao động, cũng làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài. 
Kể từ khi Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền từ 2014, một số rào cản dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều mối bận tâm lớn với nhà đầu tư nước ngoài: hạ tầng giao thông, tham nhũng, rủi ro khủng bố, xung đột sắc tộc, sự ổn định của các chính sách.

Việt Nam có bị bắt chẹt?
Không thể phủ nhận vai trò của đầu tư FDI với sự phát triển của kinh tế Việt Nam thời gian qua. Song chúng ta cũng cần thừa nhận sự lép vế của mình trong việc thỏa thuận các ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các tập đoàn lớn sử dụng nhiều lao động.
Nếu so với các điểm yếu của Indonesia và Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhất là ở mức độ gia công lắp ráp, có thể nói không có sự lựa chọn nào tốt hơn Việt Nam trong khu vực. Vậy mà có khi chúng ta đã nhượng bộ trước một số yêu cầu ít hoặc không liên quan đến điểm yếu của mình. Có những nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sự háo hức FDI để tạo ra cuộc đua “phá giá” ưu đãi giữa các địa phương với nhau. Có địa phương phụ thuộc quá lớn vào nhà đầu tư nước ngoài, đến mức bị trở thành con tin, chạy theo các đề nghị ưu đãi của nhà đầu tư.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Nghị quyết 50-NQ/TW về FDI, hướng đến việc thu hút vốn FDI có chọn lọc, hướng đến chất lượng hơn số lượng. Đã có quá nhiều trao đổi về việc làm sao để thu hút FDI có chất lượng (ví von như đón đại bàng), như lựa chọn lĩnh vực, phân loại nhà đầu tư, chuẩn bị hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Nhưng có lẽ đây chỉ là những gạch đầu dòng. Việc cần làm là những hành động cụ thể, quyết tâm làm những việc ưu tiên nhất với nguồn lực hiện có, nếu chưa thành công tìm cách khắc phục. 
Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở nấc giá trị cao hơn (upper stream), điều đầu tiên là chất lượng nguồn lao động, thông qua giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Dĩ nhiên, cần có các mục tiêu và hành động cụ thể, càng chi tiết càng tốt. Tiếp đến, cần có hệ sinh thái doanh nghiệp bổ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài chất lượng, các doanh nghiệp này phải là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Chúng ta cần hành động cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sản xuất, vào các ngành có hàm lượng chất xám cao trong dài hạn, không chỉ là mua đi bán lại trong ngắn hạn, hay quá tập trung vào lĩnh vực bất động sản, dịch vụ.
Để đón nhận cơ hội cần có sự chuẩn bị đòi hỏi nhiều năm, thậm chí lâu hơn như nguồn nhân lực, hệ thống doanh nghiệp tư nhân trong nước lớn mạnh. Có những  "đại bàng" đã đến tìm hiểu nhưng rồi lại đi vì chúng ta chưa sẵn sàng. Thành ngữ có câu “Không bao giờ là trễ”. Hy vọng Việt Nam sẽ không bỏ lỡ những cơ hội khác trong tương lai và nâng cao vị thế trong đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài.
 Để đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài, nước chủ nhà không chỉ hạn chế điểm yếu của mình, còn phải nắm được điểm mạnh điểm yếu của đối thủ cạnh tranh để không bị lép vế, chạy theo các đề nghị ưu đãi của nhà đầu tư.

Các tin khác