Tạo niềm tin cho kênh trái phiếu

(ĐTTCO) - Chúng ta thường nói nguồn vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) không thể gánh nổi vốn cho nền kinh tế, cần có thêm nhiều kênh huy động khác dài hạn để phát triển bền vững hơn như trái phiếu, chứng khoán, quỹ đầu tư... 
Tạo niềm tin cho kênh trái phiếu

Thế nhưng, có một nghịch lý là chúng ta quá tạo thuận lợi cho kênh vốn NH nên các kênh đầu tư khác khó phát huy hiệu quả. Đơn cử là những rào cản và bất cập của trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP) hiện nay, khiến cho công cụ này kém hấp dẫn và không hiệu quả trong việc huy động vốn.

NHTM có chiếc khiên che chắn
Có một tiền lệ được ngầm định bấy lâu nay xuất phát từ nỗi lo lắng “vô hình” về hiệu ứng đổ vở dây chuyền của các định chế NH, nên các nhà hoạch định chính sách đã luôn hành xử để cho công chúng tin rằng các NHTM không bao giờ phá sản. Song vô tình đang tạo ra một chiếc khiên bảo hiểm rủi ro cho các NH trong hệ thống. Người dân và nhà đầu tư có lý trí và đương nhiên sẽ chọn kênh đầu tư đem về lợi suất sinh lợi cao nhất trong các kênh có cùng rủi ro.
Như vậy, một khi người dân cho rằng hệ thống NH đang được cách ly với rủi ro, không có lý do gì phải bỏ tiền vào các loại trái phiếu có rủi ro không chênh lệch nhiều mà lợi tức thấp hơn hẳn, chưa kể đến việc khả năng rút trả kém linh hoạt so với khi xoay vòng tiền ở NH. 
Thực tế cho thấy, khách hàng chủ yếu của các đợt phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng như TPCQĐP là các NHTM, chiếm khoảng 80% khối lượng phát hành. Ở đây tồn tại một nghịch lý, trong khi các NH đang huy động chủ yếu dòng vốn ngắn hạn, có tính linh hoạt và di chuyển cao trong dân cư, lại đem dòng vốn ngắn hạn này đầu tư vào dòng vốn dài hạn của trái phiếu. Và trong những thời điểm nóng thanh khoản, việc “lấy ngắn nuôi dài” không phải là cách làm bền vững.
Bởi lẽ hầu hết các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông thường đòi hỏi một thời gian hoàn vốn khá dài. Và lý tưởng nhất là nên dùng những khoản tài trợ có kỳ hạn “khớp” với thời gian hoàn vốn của dự án. Ý tưởng này cũng được tìm thấy ở Nghị quyết 78/2014/QH13, theo đó kể từ năm 2015 trở đi chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi. 
Không giống như cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp, TPCP nói chung hay TPCQĐP được phát hành bởi TPHCM hiện nay chưa thực sự mang đầy đủ ý nghĩa của một loại chứng khoán vốn có của nó. Trong đó, quan trọng nhất là loại chứng khoán này thiếu hẳn cơ chế giám sát và đánh giá tín nhiệm độc lập của thị trường. Vai trò đánh giá và giám sát hiện nay hoàn toàn thuộc về Bộ Tài chính, cơ quan đảm bảo khả năng đáp ứng nợ vay của địa phương và cũng là “bàn tay bao dung”, sẵn sàng đưa ra để gánh vác thay cho các địa phương.
Cơ chế này đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của chính quyền địa phương, cũng như bảo hiểm rủi ro hoàn toàn cho chính quyền địa phương đối với khoản nợ mà địa phương phát hành ra công chúng. Cách làm này vô tình đã tạo nên một tài sản chứng khoán có tỷ suất sinh lợi không phản ánh rủi ro mà nó đang mang. Và hiển nhiên, sẽ không có một cơ sở nào để định giá trái phiếu một cách chính xác. Đây chính là điểm khó khăn để tạo lập một thị trường “thuận mua - vừa bán” đúng nghĩa cho TPCQĐP. 
Tuy nhiên, nghịch lý ở đây là nếu cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính không bảo hiểm loại chứng khoán này, thì sẽ không có một người dân hoặc tổ chức nào dám mua. Mặt khác, cơ quan này cũng không thể để các địa phương tùy tiện huy động nợ vay vì tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ hoặc phá sản trong núi nợ công. Vậy giải quyết nghịch lý này như thế nào? 

Chính quyền minh bạch tạo niềm tin người dân
Tính từ khi bắt đầu phát hành TPCQĐP lần đầu tiên vào năm 2003 đến nay, chỉ có một số ít tỉnh thành được phép tổ chức phát hành và cũng là các địa phương có tiềm lực kinh tế đứng đầu cả nước như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh... Tuy nhiên, mỗi địa phương có những đặc điểm kinh tế khác nhau, tiềm năng phát triển khác nhau, khả năng điều hành tài chính và sử dụng hiệu quả vốn khác nhau, mức độ tín nhiệm từ đó cũng khác nhau...
Đó là cơ sở ban đầu để đo lường rủi ro khi định giá cả chứng khoán. Nhưng muốn làm vậy không thể bỏ qua vai trò của các tổ chức đánh giá tín nhiệm độc lập. Với cách làm như vậy, chính quyền địa phương muốn tổ chức phát hành để vay tiền trong công chúng buộc phải đứng ở cương vị người chào hàng và phải cho thị trường thấy mức độ ưu việt của hàng hóa mà mình đang bán. 
Khi đó, các báo cáo độc lập của các tổ chức đánh giá tín nhiệm của TPHCM chẳng hạn và triển vọng hiệu quả của dự án sẽ phải là căn cứ ưu tiên hàng đầu, có mức độ tin cậy cao làm cơ sở cho quyết định mua của dân chúng. Quy mô phát hành và giá cả chứng khoán khi đó tự động sẽ được thị trường quyết định. TP chỉ có thể vay được nợ khi chứng minh được khả năng sử dụng có hiệu quả số nợ đó cũng như có khả năng hoàn trả, thu được lợi. 
Khi đó, rất nhiều câu chuyện khác có thể sẽ được giải quyết theo hiệu ứng dây chuyền: tình trạng tài chính của địa phương được công khai minh bạch, công tác quản lý tài chính của địa phương phải hoạt động một cách chính xác và hiệu quả, cơ cấu vốn của dự án hạ tầng phải tối ưu để thuyết phục được niềm tin của dân chúng (giờ đây đóng vai trò là nhà tài trợ và chủ nợ), và tất nhiên khâu tiến hành xây dựng, sử dụng sẽ phải được đảm bảo chặt chẽ nhằm đảm bảo khả năng hoàn vốn của công trình. 
Người dân Việt Nam từ xưa nay đã có truyền thống tích góp, một mặt là đề phòng những bất trắc trong gia đình như ốm đau, cưới hỏi, một phần nữa là để đối phó với thiên tai bão lũ triền miên từ năm này qua năm khác. Do đó, lượng tài sản mà người dân đang nắm giữ là không nhỏ. Và muốn thay đổi thói quen này, trước hết phải thay đổi được niềm tin và quan niệm của đại bộ phận dân chúng đối với bộ máy hành chính, thủ tục giấy tờ và minh bạch trong điều hành tài chính, phải đảm bảo việc giao dịch tài chính với người dân đang cung ứng dịch vụ. Vấn đề là các nhà lãnh đạo TP có đủ tầm và đủ tâm để người dân tin tưởng trao “đồng tiền liền khúc ruột” này cho chính quyền để cùng xây dựng một TP “xanh-sạch-đẹp”.
 Muốn hút được luồng tiền kỳ hạn dài cần phải tạo lập được hệ thống thành viên tham gia đấu thầu, ngoài NH cần phải tạo được sức hấp dẫn với các định chế tài chính khác tham gia như công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư và thậm chí là nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của các thành viên đấu thầu cũng phải được quy định rõ ràng, đưa ra phát hành các sản phẩm mới, hoàn thiện quy trình bảo lãnh và đấu thầu.

Các tin khác