Tạo cú hích mạnh để kích hoạt nền kinh tế

(ĐTTCO) - Ngày 3-7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch để sơ kết công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm 2020 và thảo luận chuyên đề “MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tích cực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Tạo cú hích mạnh để kích hoạt nền kinh tế
Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, qua giám sát của mặt trận các cấp về triển khai chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cho thấy, vấn đề xác định các đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh và hỗ trợ người sử dụng lao động.
Việc xác định ngành nghề khó khăn chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động và người sử dụng lao động cung cấp. Đặc biệt, gói cứu trợ 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (DN) vay lãi suất 0% trả lương người lao động hầu như giậm chân tại chỗ. đã phát hiện có nhiều đối tượng không đủ điều kiện vẫn đưa vào danh sách, bên cạnh đó là tình trạng cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; hưởng hỗ trợ theo diện đối tượng khác đã chuyển đi, đi xuất khẩu lao động, cắt khẩu, đi lấy chồng; trùng danh sách đối tượng…
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý, cùng với việc vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), MTTQ các cấp phải tham gia giám sát việc giải ngân các gói hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, dịch Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ ban hành Nghị quyết để vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển KT-XH đất nước.
Tạo cú hích mạnh để kích hoạt
nền kinh tế
Thảo luận về Nghị quyết “MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tích cực tham gia phục hồi và phát triển KT-XH của đất nước”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ cho rằng, cần có phương án cụ thể để ứng phó việc dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, lâu dài. Cần tổ chức các hội nghị để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để tính toán thời điểm mở cửa nền kinh tế.
Ông Thân cho rằng, cần kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay đối với DN, nên cân nhắc việc giãn thuế VAT cho DN nhỏ và vừa đến hết năm 2020 và miễn trừ toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiêp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, hiện chúng ta đang nói nhiều về cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư sau dịch nhưng phải là làn sóng mang đến phù sa chứ không phải là làn sóng mang về những công nghệ lạc hậu, đó lại là gây họa. Cần kiến nghị với Chính phủ thận trọng trong vấn đề này. Tương tự, MTTQ Việt Nam cần tổ chức giám sát việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ đến DN.
Chính sách hỗ trợ sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào hỗ trợ đại trà, trong khi những ngành có tiềm năng như hàng không, du lịch… đang phải chờ đợi lâu để nhận được hỗ trợ. Những DN đang thiếu vốn, gặp khó khăn sẽ có thể bị thâu tóm, gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế. Do đó, gói hỗ trợ cần được triển khai kịp thời đến các DN, tạo cú hích mạnh để kích hoạt những ngành này hoạt động trở lại, từ đó kinh tế sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn.
Cùng quan điểm, ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long l, cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN thực sự hiệu quả, như phát hành trái phiếu lãi suất thấp cho ngân hàng để ngân hàng có vốn cho DN vay lãi suất thấp. Bởi điều mà DN cần hiện nay chính là nguồn vốn nhưng nếu vay lãi suất cao thì họ không thể chịu nổi.

Các tin khác