Tăng tốc với EVFTA: Châu Âu mở rộng cửa cho thủy sản Việt Nam

(ĐTTCO)-EU luôn là thị trường lớn thứ 2 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1-8), xuất khẩu thủy sản sang EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao.
Cá xuất khẩu khai thác từ biển tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: CAO THĂNG
Cá xuất khẩu khai thác từ biển tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: CAO THĂNG

Hơn 800 dòng thuế về 0%

 EU là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, mỗi năm thị trường này chi 23-25 triệu EUR để nhập khẩu hơn 9 triệu tấn các sản phẩm thủy sản. Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Italy và Anh là những thị trường nhập khẩu chính, giá trị nhập khẩu thủy sản hàng năm vượt 1 tỷ USD.

Nhiều năm qua, EU chiếm trên 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong đó, tôm và sản phẩm tôm chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam; cá tra và sản phẩm cá tra chiếm 11% tỷ trọng; các mặt hàng hải sản khác chiếm 30%-35% tỷ trọng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi EVFTA có hiệu lực, ngành thủy sản có 840 dòng thuế được giảm, đặc biệt, có đến 50% dòng thuế đang có thuế suất từ 22% sẽ được giảm về 0%. Từ 3-7 năm tới, khoảng 50% số dòng thuế còn lại từ 5%-26% sẽ được về 0%.
Theo VASEP, sản phẩm chế biến sẽ có nhiều lợi thế do thuế đang ở mức cao khoảng 20% sẽ về 0% (như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến); phần lớn sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6%-8% sẽ được giảm ngay về 0%; các sản phẩm khác như surimi giảm từ 14% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...

Mặt hàng được thị trường châu Âu ưa chuộng nhất là tôm, tôm sú đông lạnh sẽ càng có lợi thế khi thuế từ 20% xuống 0%, ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm cá tra cũng là mặt hàng vào EU nhiều nhất, có lộ trình giảm thuế trong 3 năm; riêng cá hun khói lộ trình 7 năm.

Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh có lộ trình 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp, mỗi năm chúng ta chỉ xuất vào EU khoảng 3.000-4.000 tấn, nay với cam kết EVFTA, hạn ngạch thuế quan vào EU lên đến 11.500 tấn/năm. Tương tự, sản phẩm cá viên chỉ xuất được vài chục tấn/năm, nay hạn ngạch được cấp lên đến 500 tấn/năm.

Vừa mừng vừa lo

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP phân tích, trước kia, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU không thể cạnh tranh lại sản phẩm từ các nước “đối thủ”, do thuế suất cao, giá thành sản xuất cao.

Nay đã có lợi thế về thuế suất, nhưng cần lưu ý, đây cũng là thị trường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc… rất nghiêm ngặt đối với hàng thủy sản.

Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường công tác giám sát chất lượng hàng hóa, bám sát thị trường để có hợp đồng phù hợp, có thể tập trung chú trọng hợp đồng ngắn hạn. Hiện EVFTA chú trọng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Về lâu dài, ông Trương Đình Hòe khuyến nghị, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, tăng cường hợp tác theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nguyên liệu, nhưng đồng thời phải kiểm soát được an toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh Việt Nam chống dịch Covid-19 hiệu quả tốt, nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ dịch chuyển đầu tư vào nước ta. Đây cũng là cơ hội các nhà xuất khẩu mở rộng tìm kiếm đối tác nước ngoài để nâng cao công nghệ sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm. Từ đó, các nhà máy sản xuất trong nước có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều nước khó tính khác.

Với EVFTA, cánh cửa cho hàng thủy sản Việt Nam vào EU đang rộng mở. Vấn đề là chúng ta có đáp ứng được rào cản kỹ thuật, các vòng kiểm tra chặt chẽ từ tiêu chuẩn chất lượng?

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, không chỉ chú trọng vào EVFTA mà quan trọng là sản xuất nâng cao chất lượng để đảm bảo hàng rào kỹ thuật, đáp ứng tất cả các thị trường khó tính. Sản xuất đạt chất lượng tốt, sản phẩm không lo lắng thiếu thị trường tiêu thụ. 6 tháng qua, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 35% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nếu tận dụng tốt các cơ hội khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ giúp ngành thủy sản tăng trưởng nhanh, kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sẽ đạt tăng trưởng trên 2 con số vào cuối năm.

Ủy ban châu Âu đã chính thức công bố phương thức quản lý về hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam theo thỏa thuận của EVFTA, có hiệu lực từ ngày 1-8. Theo đó, các mặt hàng nông - thủy sản, đặc biệt là gạo của Việt Nam, sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào EU với hạn ngạch cụ thể: Trứng gia cầm (có hạn ngạch từ ngày 1-8 đến 31-12-2020) là 208,334 tấn và mỗi năm tiếp theo là 500 tấn; tỏi 167,668 tấn và 400 tấn; bắp 2.083,334 tấn và 5.000 tấn; bột sắn 12.500 tấn; cá ngừ 4.791,668 tấn và 11.500 tấn; surimi 208,334 tấn và 500 tấn; đường 8.333,334 tấn và 20.000 tấn; nấm 145,834 tấn và 350 tấn…

Đối với mặt hàng gạo, EU đưa ra hạn ngạch nhập khẩu mỗi năm 80.000 tấn và có mức cụ thể đối với giai đoạn cho từng loại gạo trong năm, như gạo chưa xay xát từ ngày 1-1 tới 31-3 là 10.000 tấn, từ ngày 1-4 tới 30-6 là 5.000 tấn, từ ngày 1-7 tới 30-9 là 5.000 tấn. Tương ứng thời gian trên là gạo xay xát với hạn ngạch nhập khẩu 15.000 tấn, 7.500 tấn và 7.500 tấn; gạo thơm 15.000 tấn, 7.500 tấn và 7.500 tấn.

 Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Sài Gòn: 
Lo thẻ vàng IUU
EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Công ty đang xuất khẩu vào nhiều nước trong khối EU, đồng thời, nhiều nhà nhập khẩu đã liên hệ với công ty để đặt hàng chuẩn bị cho EVFTA, nhưng hiện nay chúng tôi chưa thể mở rộng sản xuất, do vẫn còn vướng “thẻ vàng” của IUU. Các ngư dân cần thực hiện nghiêm túc IUU để nỗ lực xóa bỏ “thẻ vàng”, cũng là hỗ trợ các nhà xuất khẩu giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai: 
Tạo điều kiện để xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu
Mặc dù cá tra Việt Nam không cạnh tranh với nhiều nước khác nhưng do sản xuất ồ ạt nên xảy ra dư thừa. đối với các trang trại liên kết, các công ty xuất khẩu đều mua với giá ổn định. Đối với các trại không liên kết, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không thu mua. Do đó, các trang trại cần liên kết để đảm bảo đầu ra. Dự báo, trong quý 3, thị trường sẽ khởi sắc do các nước EU đang chống dịch tốt, nên hoạt động kinh doanh bắt đầu mở cửa lại. Một khó khăn khác của nhà xuất khẩu là với thị trường EU, chúng ta vẫn phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu, chưa chủ động được đơn hàng. Bên cạnh đó, đối với sản phẩm chế biến có lộ trình 3-7 năm, trong thời gian này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư thêm công nghệ sản xuất hiện đại để sản xuất sản phẩm chế biến sâu. Ngoài ra, sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường EU rất lớn, Chính phủ cần hỗ trợ xây dựng trung tâm quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam đặt tại thị trường này để tiến đến chinh phục thị trường sản phẩm chế biến.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT): 
Lợi thế từ “biển bạc”
Đối với cá ngừ, thuế suất sẽ về 0%, nên rất có lợi thế. Cá ngừ luôn là sản phẩm cao cấp, được các nước EU nhập khẩu nhiều. Hiện nay, nhiều quốc gia tham gia vào bảo vệ tài nguyên môi trường, đặc biệt là tài nguyên biển nên việc đánh bắt thủy hải sản trên biển được kiểm tra rất nghiêm ngặt. 

Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài có nhiều thủy hải sản, nhất là cá ngừ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang nỗ lực để Ủy ban châu Âu gỡ bỏ “thẻ vàng”, khi vấn đề này chưa giải quyết xong, các đơn hàng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam bị đội thêm chi phí, khó cạnh tranh khi EVFTA được thực thi.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: 
Xây dựng thị trường ổn định
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tranh mua, tranh bán nên giá cá tra không ổn định. Từ đó, các nhà nhập khẩu liên tục ép giá, người nuôi sẽ chịu thiệt hại nặng nhất. Đối với các nước khác, giá thị trường xuất khẩu phải thông qua hiệp hội. Nếu giá thấp, hiệp hội cùng với nhà nước sẽ không bán ngay mà hỗ trợ dự trữ để khi có giá tốt sẽ bán. Do đó, nhà nước cần ban hành quy định quản lý về giá xuất khẩu để người nông dân không phải lo lắng bấp bênh về giá. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thực hiện truy xuất nguồn gốc để đảm bảo có sự thống nhất, quản lý số lượng, chất lượng và giá thành.

Các tin khác