Tăng sức chống chịu cho nền kinh tế

(ĐTTCO)- Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh và hàm chứa nhiều bất ổn, Việt Nam cần tăng sức chống chịu cho nền kinh tế bằng việc cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và cải cách thể chế đối với kinh tế vĩ mô là nội dung chính của Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10-7 tại Hà Nội.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu khai mạc hội thảo
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu khai mạc hội thảo
Theo đánh giá của CIEM, trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 và các biện pháp phòng chống đã kéo theo hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy đối với nhiều ngành, hoạt động kinh tế (như du lịch, giao thông vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư, tài chính...). Mức suy giảm thể hiện rõ nhất trên 2 lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế là sản xuất và xuất khẩu.
Về sản xuất, cả 3 khu vực là công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản và dịch vụ.  Đặc biệt, khu vực các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Tính đến giữa tháng 4-2020, cả nước đã có tới 5 triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập do dịch bệnh, đặc biệt là nhóm lao động nữ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2,73% trong quý II-2020 và dự báo có thể sẽ còn tăng cao hơn trong những quý tới.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI cũng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019…
Từ thực tế trên, CIEM nhấn mạnh, Việt Nam cần phải có những chính sách cụ thể và quyết liệt hơn để tăng sức chống chịu cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh và ẩn chứa nhiều bất ổn. Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế cũng như xử lý hiệu quả những rủi ro trong bối cảnh mới. 
Báo cáo của CIEM cũng cho rằng, tuy Việt Nam được đánh giá cao về kết quả phòng chống dịch và có cơ hội phục hồi kinh tế sớm, song vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm, đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách, và bảo đảm an sinh xã hội.
Về dự báo tăng trưởng kinh tế Việ Nam trong năm nay, CIEM đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt mức 2,1%. Ở kịch bản 2, mức tăng trưởng GDP được cải thiện hơn, song cũng chỉ ở mức 2,6% cho cả năm. Ngoài ra, xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong kịch bản 1 và giảm 1,9% trong kịch bản 2 (so với năm 2019). Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%.

Các tin khác