Tăng năng lực mô hình BOT

(ĐTTCO)- Thời gian gần đây, dư luận xã hội ngày một nóng hơn với các bất cập trong việc đặt trạm thu phí trên nhiều tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) vốn được kỳ vọng như giải pháp chiến lược cho công cuộc phát triển hạ tầng giao thông hiện đại.

(ĐTTCO)- Thời gian gần đây, dư luận xã hội ngày một nóng hơn với các bất cập trong việc đặt trạm thu phí trên nhiều tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) vốn được kỳ vọng như giải pháp chiến lược cho công cuộc phát triển hạ tầng giao thông hiện đại.

Kỳ nghỉ Tết Bính Thân vừa qua, tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xuất hiện trên nhiều tuyến đường huyết mạch được xây dựng theo hình thức BOT. Nguyên nhân chính do những trạm thu phí bị quá tải, đội ngũ quản lý, vận hành trạm tỏ ra lúng túng, thiếu biện pháp ứng phó với tình huống bất ngờ. Như cao tốc TPHCM Long Thành - Dầu Giây chịu áp lực gấp 3-4 lần ngày thường khi có tới 41.000-63.500 lượt xe/ngày qua lại trong dịp tết. Thực tế, khi hàng loạt trạm thu phí trên các tuyến đường BOT được dựng lên, dư luận đã tỏ ra rất bức xúc trước vấn đề thu phí cao, phí chồng phí.

Qua khảo sát phí đường bộ trên một số tuyến đường cao tốc mới đây, cho thấy một nghịch lý: Tiền xăng thấp hơn phí cầu đường. Thí dụ, phí cầu đường bình quân các xe phải trả 1.500 đồng/km trong khi tiền xăng chỉ có 1.200 đồng/km. Điều này cho thấy, phần nặng nhất trong cơ cấu giá thành vận tải không còn là nhiên liệu nữa mà là phí cầu đường, bao gồm cả phí bảo trì thường niên lẫn phí qua trạm trực tiếp.

Vấn đề ở chỗ, người dân sẵn sàng trả phí cao nhưng trả một lần để đổi lại năng lực thông hành xứng đáng, tránh được cảnh ùn tắc giao thông. Nhưng thực tế, phí chồng phí, thu nhiều khoản mà vẫn ùn tắc nên người dân mới mất lòng tin vào hạ tầng giao thông xây dựng theo hình thức BOT. Nhìn nhận khách quan, BOT là giải pháp chiến lược cho phát triển giao thông. Nhiều nước tiên tiến cũng đã áp dụng và đạt hiệu quả. Tuy nhiên, Việt Nam xây dựng được mô hình này nhưng chưa biết cách vận hành, quản lý bài bản đường BOT, chưa hài hòa được lợi ích các bên trong khâu thu phí. Nhìn vào thực tế dịp Tết Bính Thân vừa qua có thể thấy ngay cả Bộ GTVT cũng chưa lường trước được tình huống trạm thu phí lại chính là những nút thắt gây ùn tắc giao thông. Vì thế, ngay sau đó bộ này đã phải ban hành văn bản yêu cầu mở trạm, dừng thu phí khi xảy ra ùn tắc. Song quy định muộn màng này lại không nêu rõ các tiêu chí thế nào là ùn tắc, mức độ nào thì phải xả trạm… khiến doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện.

Từ đây có thể nhìn ra 3 yếu điểm chính trong vận hành, thu phí trên các tuyến đường BOT. Thứ nhất, các quy định, hướng dẫn vận hành, ứng phó với tình huống bất ngờ áp dụng cho đường BOT lẽ ra phải được nghiên cứu, xây dựng, ban hành trước khi xây đường thì lại có sau và còn nhiều thiếu sót. Thứ hai, năng lực thông hành của đường bị hạn chế đáng kể bởi việc thu phí trực tiếp. Thứ ba, việc phí chồng phí, người dân vừa phải trả phí bảo trì đường bộ thường niên lại vừa cõng phí cầu đường trực tiếp cho mỗi lần tham gia giao thông làm nảy sinh nhiều bức xúc, nghi ngại về tính minh bạch và hợp lý của các loại phí này.

Hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Thế nhưng hiện nay, phí cầu đường BOT đang đặt ra thách thức lớn cho mục đích giao thương giữa các vùng miền trong cả nước khi giá thành vận tải là một trong những tác nhân hàng đầu đội giá sản phẩm, dịch vụ lên ngất ngưởng. Bên cạnh đó, năng lực thông hành có phần bị kìm hãm bởi những nút thắt trạm thu phí dày đặc trên nhiều tuyến huyết mạch làm phát sinh ùn tắc giao thông trong thời gian cao điểm.

Muốn vận hành đường BOT có hiệu quả cần giải quyết được 2 vấn đề kỹ thuật lớn là thu phí điện tử và bố trí trạm thu phí giãn cách hợp lý. Cụ thể, cần thay thế hình thức thu phí bằng tiền mặt tốn nhiều thời gian dừng chờ bằng cách sử dụng thẻ tài khoản thông hành, tài xế đi qua trạm chỉ cần quẹt thẻ. Về tài khoản thông hành, nên khấu trừ trực tiếp trên thẻ tài khoản ngân hàng của mỗi cá nhân cho mỗi lần qua trạm; riêng đối với xe kinh doanh vận tải có thể mua thẻ thông hành theo tháng, quý hoặc năm để khấu trừ dần cho những lần qua trạm. Về vị trí trạm thu phí nên đặt so le 2 chiều, thu chiều đi không liền hàng với chiều về để dành thêm không gian lưu thông cho phương tiện. Cách làm này sẽ tốn phí hơn nhưng giảm thiểu được ùn tắc, lại dễ điều tiết, giải tỏa khi có tình huống tắc nghẽn bất ngờ.

Để có thể khai thác hiệu quả các tuyến BOT còn cần hoàn thiện khung pháp lý, quy định, hướng dẫn cả người dân lẫn nhà đầu tư BOT trong khâu vận hành, thu phí. Cần kiên quyết dẹp bỏ những trạm thu phí bất hợp lý. Và quan trọng nhất, đã thu phí cao, khả năng đáp ứng năng lực thông hành của các tuyến BOT phải tương xứng, đáng đồng tiền bát gạo.

Các tin khác