Tăng lương bền vững - cách nào?

(ĐTTCO)-Kể từ năm 2000 đến nay, sau 15 năm, mức lương cơ bản trong các cơ quan nhà nước tăng khoảng gần 6 lần (từ 180.000 đồng/tháng năm 2000 lên 1.150.000 đồng/tháng năm 2013). Mức lương thấp, tốc độ tăng rất chậm, không theo kịp với mức tăng trưởng kinh tế - xã hội, các lý giải đều dồn vào nguyên nhân “do ngân sách hạn hẹp”. Nhưng vì sao ngân sách hạn hẹp và làm thế nào để giải bài toán này, giúp cho quỹ lương tăng thêm?

(ĐTTCO)-Kể từ năm 2000 đến nay, sau 15 năm, mức lương cơ bản trong các cơ quan nhà nước tăng khoảng gần 6 lần (từ 180.000 đồng/tháng năm 2000 lên 1.150.000 đồng/tháng năm 2013). Mức lương thấp, tốc độ tăng rất chậm, không theo kịp với mức tăng trưởng kinh tế - xã hội, các lý giải đều dồn vào nguyên nhân “do ngân sách hạn hẹp”. Nhưng vì sao ngân sách hạn hẹp và làm thế nào để giải bài toán này, giúp cho quỹ lương tăng thêm?

Ngân sách hạn hẹp, do đâu?

Sau hai năm “tạm ngừng” tăng lương, quyết định tăng lương vào năm 2016 vừa được Quốc hội và Chính phủ đưa ra sau khi thảo luận, tính toán rất kỹ lưỡng, “bởi chi thêm 11.000 tỷ đồng là không đơn giản chút nào. Tăng lương lần này cũng sẽ  ảnh hưởng đến các khoản chi khác, vì nếu không tăng lương thì sẽ được chi cho đầu tư phát triển tăng lên, đây cũng là một vấn đề”. Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, nợ công nhiều, 11.000 tỷ đồng để tăng lương tối thiểu thêm khoảng 60.000 đồng/người/tháng là một cố gắng cần được cảm thông.

 

Song câu hỏi muôn thuở đặt ra là tại sao ngân sách nhà nước hạn hẹp? Có nhiều lý do. Trước hết, là do công tác thu thuế không đảm bảo, để xảy ra tình trạng trốn thuế, không đóng thuế. Pepsico bị truy thu thuế gần 27 tỷ đồng. Coca-cola liên tục kêu lỗ, đến năm 2011 lỗ lũy kế lên tới 3.768 tỷ đồng.

Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam tồn tại hơn chục năm ở Việt Nam khai lỗ trong nhiều năm liền. Năm 2014, Hà Nội có số tiền nợ thuế lên tới 18.600 tỷ đồng. Cục Thuế TPHCM thu được hơn 4.000 tỷ đồng trong công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trong năm 2014; đầu năm 2015 đã truy thu và phạt thuế với tổng số tiền 2.847 tỷ đồng.

Tiếp theo, là do sự hoạt động không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, đến mức Bộ Tài chính đề xuất xóa khoản tiền 10.000 tỷ đồng thuế và tiền phạt do chậm nộp thuế, mà các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ đang “mắc nợ”.

Theo báo cáo hợp nhất, các tập đoàn - tổng công ty có tổng nợ phải thu là 293.617 tỷ đồng, trong khi số nợ phải trả là 1.567.063 tỷ đồng.

Thứ ba, nhà nước quá lãng phí, sử dụng ngân sách không hiệu quả. Hàng loạt khu công nghiệp trên cả nước “bị xây dựng” và rồi “được bỏ hoang”. Hàng loạt quy hoạch treo ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tài nguyên đất…

Do chạy theo phong trào, thành tích nên xã nào cũng xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, nhà truyền thống, chợ, bưu điện xã, rồi bỏ trống, làm cho Chương trình Xây dựng nông thôn mới bị cho là “vung tay quá trán”. Nhiều tỉnh xin được xây dựng tượng đài với kinh phí dự kiến có khi lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều tỉnh “đua” nhau xây dựng trung tâm hành chính tập trung cũng với số vốn hàng ngàn tỷ đồng.

Thứ tư, tham nhũng còn nhiều: tổng số tiền ước tính thu hồi được từ các vụ việc tham nhũng trong năm 2014 chỉ là 1.500 tỷ đồng trên tổng số 6.740 tỷ đồng bị thiệt hại. Năm 2015, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và gần 9.900m2 đất.

Tính đại khái, những thất thoát được liệt kê ở trên là hơn 300.000 tỷ đồng. Đây là những con số bề nổi, chưa ai thống kê được phần dưới của “tảng băng trôi” trên khắp cả nước. 11.000 tỷ đồng cho tiền lương so với bề nổi và bề chìm của “tảng băng trôi” chẳng khác nào như muối bỏ biển.

Giải pháp bền vững

Do lương không tương xứng với sức lao động nên cán bộ công chức phải “cố gắng làm”… tương xứng với tiền lương. Thế nên chất lượng lao động ngày càng suy giảm, áp lực cuộc sống buộc nhiều cán bộ công chức phải chân trong chân ngoài. Người không có chân trong chân ngoài thì dựa vào nguồn thu nhập chính của vợ/chồng, hoặc của những thành viên khác trong gia đình.

Bây giờ nếu nhà nước tìm cách thắt chặt thời gian làm việc, quản lý chặt chẽ kết quả làm việc để có hiệu quả cao, không cho chân trong chân ngoài, không tạo điều kiện để biến các mối quan hệ thành những nguồn thu nhập, tính ổn định không còn; thì với mức lương hiện tại, xã hội có đủ cơ sở để tin rằng, lúc đó nhà nước chỉ có thể tuyển được những ứng cử viên bị khu vực tư thải loại.

Vậy làm thế nào để cải thiện tình hình? Theo tôi, các cơ quan nhà nước trước khi muốn nhận được một kết quả lao động tương xứng, năng suất cao, hãy trả cho cán bộ, công chức, viên chức mức lương tương xứng. Mức lương tương xứng sẽ giúp họ sống “đàng hoàng” hơn, làm việc hiệu quả hơn. Theo các lý thuyết về kinh tế lao động, năng suất lao động cao sẽ giúp tăng nguồn thu của nhà nước, tăng ngân sách. Đó là cách tăng lương bền vững và chắc chắn nhất.

Thu hiệu quả, chi hiệu quả, đầu tư hiệu quả, thực hiện các chính sách hiệu quả; chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả… để đảm bảo tăng lương đột biến, giúp cán bộ, công chức sống tốt bằng tiền lương; cùng với những kỷ luật “sắt” buộc họ phải tạo ra hiệu quả tương xứng là biện pháp khoa học và bền vững cho câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về lương. Bởi, con đường duy nhất để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện triệt để nhiều “con đường” cùng lúc, cần xóa bỏ hẳn tâm lý tiểu nông (thể hiện qua việc tăng lương nhỏ giọt rồi thấy tốn kém quá nên ngại).

Các tin khác