Tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, đồng thời khiến cho cơ cấu và cách thức vận hành nền kinh tế toàn cầu thay đổi hoàn toàn, thì vai trò, ý nghĩa của một nền kinh tế độc lập tự chủ được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. 
Tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế
Đó cũng là phương châm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ.
Đây là điều đã được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhắc đến nhiều lần với quan điểm xuyên suốt và nhất quán: Một nền kinh tế độc lập, tự chủ không phải là nền kinh tế tự cung tự cấp, mà là nền kinh tế phát huy được thế mạnh của quốc gia một cách hiệu quả nhất trong tiến trình hội nhập; khẳng định được vị thế không phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào khác. 
“Nền kinh tế độc lập, tự chủ sẽ ít tổn thương trong hội nhập, thích ứng nhanh trước các biến động quốc tế. Vì thế, Việt Nam chủ trương và triển khai đa dạng hóa mặt hàng, thị trường; không quá phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, một mặt hàng để dễ bị tấn công”, Thủ tướng đã nêu rõ như vậy khi phát biểu khép lại phiên chất vấn tại Quốc hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Tính đúng đắn của nguyên tắc này càng được chứng minh trong bối cảnh cả thế giới và trong nước biến động suốt gần 8 tháng qua do đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng gần 2%, và cả năm dự báo khoảng 2% - dù tích cực so với nhiều nền kinh tế khác nhưng vẫn là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sức khỏe của các doanh nghiệp không tránh khỏi bị bào mòn, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Trong 8 tháng của năm 2020, cả nước có 88.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số 694.900 lao động - giảm 2% về số doanh nghiệp và giảm tới 16,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300 doanh nghiệp, tăng 70,8%... Trong bối cảnh đó, để hướng tới một nền kinh tế phát huy được thế mạnh của quốc gia một cách hiệu quả nhất, cần có những giải pháp tiếp sức cho cả 3 khu vực kinh tế: Nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngay trong kỳ họp Quốc hội giữa năm nay, khung pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh đã được bổ sung, sửa đổi, với việc thông qua một loạt đạo luật như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam... Theo các chuyên gia, việc thực thi các chính sách này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, tự tin phát huy sáng kiến, dám nghĩ dám làm để phát triển đúng hướng.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, sau một thời kỳ thu hút đầu tư nước ngoài trọng về lượng hơn về chất, không gian cho kinh tế tư nhân phát triển đã có phần bị hạn chế. Ngoài ra, sự phụ thuộc vào những gói vay lãi suất “ưu đãi” từ nước ngoài ở một số dự án đã dẫn đến tình trạng chậm trễ, dang dở, dùng thì không được, bỏ không xong, mà điển hình là dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Chính vì thế, theo các chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện chính sách chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu; cân nhắc kỹ lưỡng và đàm phán thận trọng khi vay vốn nước ngoài. Mặt khác, Việt Nam cần hết sức chú trọng khơi dậy nguồn lực trong nước từ cả 2 phía: cung và cầu.
Từ phía cung, việc đa dạng hóa và tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cho nhập khẩu đã và đang hết sức bức thiết (ví dụ như ngành dệt may) để tránh rủi ro “đứt” dòng nguyên liệu; đồng thời đáp ứng được yêu cầu xuất xứ để hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Từ phía cầu, một thị trường với gần 100 triệu người tiêu dùng đang sử dụng một tỷ lệ không nhỏ hàng nhập khẩu chính là dư địa lớn cho những doanh nghiệp quyết tâm sản xuất hàng hóa có chất lượng với giá thành hợp lý.
Những nỗ lực tự thân của chúng ta, cộng hưởng với xu thế của các nhà đầu tư quốc tế là đa dạng hóa thị trường (để tăng cường tính chủ động, hạn chế rủi ro) sẽ giúp Việt Nam gặt hái được thành công, tăng được khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Các tin khác