Tài năng đặc biệt: Anh là ai?

(ĐTTCO)-Một trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất của Đại hội Đảng 13 là tìm ra được những người tài giỏi trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. Các tỉnh thành, tập đoàn, công ty cũng săn lùng người tài cho đơn vị mình. Chưa bao giờ việc tìm người tài lại đặt ra cấp bách như bây giờ. Có lẽ vì thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi hay ở nước ngoài, nhiệm vụ của chúng ta phải tìm ra và trọng dụng”. 
Tài năng đặc biệt: Anh là ai? ảnh 1
Từ nhà tổ chức đại tài
Lâu nay, chính quyền các tỉnh thành đều trải thảm đỏ chào mời những người tài năng và tài năng đặc biệt với những ưu đãi hấp dẫn, nhưng mức độ thành công rất hạn chế. Vấn đề đặt ra, đất nước cần ưu tiên thu hút loại người tài nào trước tiên, sử dụng họ ở những lĩnh vực nào.
Nếu không xác định đúng điều này công cuộc tìm kiếm người tài vừa mất công, tốn sức, phí của mà lại vô vọng.
Thực sự, chúng ta không thiếu người tài ở các lĩnh vực như tin học, toán học, y khoa, âm nhạc, thể thao, nhưng thiếu những “nhà tổ chức đại tài” có khả năng thu hút người tài cùng tham gia cuộc chơi, cùng nhìn về một hướng, cùng nhau thực hiện những chương trình có khả năng đột phá, xoay chuyển cả một lĩnh vực. Hãy bắt đầu từ 2 thí dụ điển hình trong khoa học và thể thao.
GS. Trần Thanh Vân, không hẳn là nhà vật lý xuất sắc nhất thế giới, nhưng theo tôi ông là nhà tổ chức khoa học xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay. Với ảnh hưởng, uy tín và tài năng của mình, ông đã tổ chức thành công Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE) nổi tiếng thế giới, với cơ ngơi bề thế trên 20ha, có đầy đủ không gian làm việc cho hàng trăm nhà khoa học như hội trường, phòng làm việc, thư viện, khách sạn, công viên, quán cà phê…
Nơi đây đã tổ chức được 14 lần gặp gỡ, thu hút hàng ngàn nhà khoa học nổi tiếng thế giới, rất nhiều trong số họ đã đoạt giải Nobel. Họ tự bỏ mọi chi phí cho mỗi lần đến Quy Nhơn, đóng góp kiến thức, uy tín và tài chính cùng GS. Trần Thanh Vân thực hiện dự án của mình. Làm điều “vô tiền khoáng hậu” này, GS. Vân thực sự là nhà tổ chức lớn, một thủ lĩnh tài ba.  
Chúng ta không thiếu người tài ở các lĩnh vực như tin học, toán học, y khoa, âm nhạc, thể thao, nhưng thiếu những “nhà tổ chức đại tài” có khả năng thu hút người tài cùng tham gia cuộc chơi, cùng nhìn về một hướng, cùng nhau thực hiện những chương trình có khả năng đột phá, xoay chuyển cả một lĩnh vực.
Trường hợp khác là ông Park Hang-seo, HLV đội tuyển bóng đá Việt Nam. Vẫn Quế Ngọc Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Trọng Hoàng, nhưng khi vào tay ông Park đã tỏa sáng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cho thấy ông Park là nhà tổ chức tài ba nhất trong bóng đá nước nhà ở thời điểm hiện tại. 
Rõ ràng Việt Nam rất cần những người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực tổ chức. Đó là những nhà tổ chức thực thụ, tài năng, là những người giỏi chuyên môn và có khả năng tập hợp xung quanh mình những người tài, rất tài và tài năng hơn cả mình, lập thành ê kíp mạnh.
Cá nhân đó có ảnh hưởng lớn không chỉ trong nước và quốc tế, đủ tầm thu hút được những người xuất sắc trong lĩnh vực của mình, thu hút được các nguồn lực (con người, vật chất, tài chính, thiết bị, công nghệ) để thực hiện được những dự án, kế hoạch lớn, có thể tạo ra sự đột biến hay đổi mới trong một lĩnh vực hay toàn bộ cho một địa phương. 
Nhà tổ chức giỏi là người có khả năng phát kiến ra ý tưởng mới, biết tìm hướng đi cho nó đúng quy trình pháp lý, biết bày binh bố trận, biết tìm kiếm nguồn lực tài chính, lôi kéo mọi người phù hợp vào cuộc chơi, biết tìm kiếm sự hỗ trợ từ các phía (chính quyền, nhà tài trợ, đối tác), đồng thời tổ chức triển khai từ A đến Z để hiện thực hóa ý tưởng đó trong thực tế, kể cả việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Đôi ở khi một trường đại học, một thành phố, một lĩnh vực hoạt động rộng lớn chỉ cần vài nhà tổ chức như thế là làm thay đổi hẳn diện mạo, chất lượng hoạt động và sản phẩm đầu ra. 

Đến chiêu hiền đãi sĩ
Thế nhưng, làm cách nào hút được người tổ chức giỏi lại là một nghệ thuật. Nếu biết, Bình Định không phải là nơi lựa chọn đầu tiên của GS. Vân, mà trước đó ông đã đến TPHCM, Đà Lạt và vài nơi khác, nhưng ở các nơi đó họ không mấy mặn mà với ý tưởng của ông.
Nếu TPHCM thu hút được dăm người như GS. Trần Thanh Vân ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, tự khắc sẽ hình thành nên mạng lưới những người tài, người có năng lực, những người có khả năng sáng tạo ở các cấp độ khác nhau.
Chính vì thế, trên thế giới những người tài năng trong lĩnh vực tổ chức được coi là “Tài năng đặc biệt”, trong vài chục triệu người, vài chục năm mới xuất hiện được vài người. Họ là báu vật của quốc gia là vậy. 
Những người tài năng đặc biệt như thế cần có môi trường và chế độ làm việc không chỉ rất tốt mà còn phù hợp. Các cấp quản lý hành chính và quản lý nhà nước như phường, quận và các sở cần người tài và người tài đặc biệt.
Tài năng đặc biệt: Anh là ai? ảnh 2 Quang cảnh Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE) 
Thực tế ở Đà Nẵng cho thấy hầu hết thạc sĩ, tiến sĩ học bài bản ở nước ngoài về làm việc ở các cơ quan này một thời gian rồi bỏ việc, chấp nhận đền bù chi phí đào tạo.
Công việc ở các đơn vị này không cần đến người có bằng cấp cao, bởi bộ máy đó hoạt động theo chức năng, quy chế, quy định có sẵn theo luật định, không cần phải sáng tạo hay đổi mới, một người học trung cấp là đủ hoàn thành tốt công việc ở phường hay quận. Những người có năng lực rất dễ bị quy là “phá đám” khi đưa ra những sáng kiến làm thay đổi quy trình đã có.
Do vậy, nơi thu nạp người tài năng và tài đặc biệt trước hết là các trường đại học, viện nghiên cứu, khu công nghệ cao, còn với cơ quan công quyền thường ở các bộ phận và vị trí đóng vai trò tham mưu. Với một quốc gia, cũng như thành phố, bộ phận và cá nhân đảm nhiệm là tham mưu đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi họ là người tham gia việc nghiên cứu, ban hành các chính sách mới, ra các quyết sách, các quyết định quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh.
Nhà tham mưu giỏi không chỉ là người tài ba, nhìn xa trông rộng, còn có phẩm chất cao quý của nhà phản biện. Vì thế, trong xã hội hiện đại, bên cạnh thị trưởng, hội đồng thành phố bao giờ cũng có hội đồng cố vấn đóng vai trò tham mưu.
Việc “chiêu hiền, đãi sĩ”, thu hút người tài không chỉ dành cho bộ máy công quyền, còn cho toàn thể xã hội và doanh nghiệp, tổ chức xã hội cũng cần và trọng dụng người tài.
Nhìn sang Singapore, chúng ta sẽ thấy các đời lãnh đạo đều thu hút những người cực tài từ các quốc gia khác vào bộ máy tham mưu cho chính phủ (60% thành viên trong bộ máy tham mưu của ông Lý Quang Diệu là người nước ngoài).
Ngoài ra chính phủ khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, công ty thu hút người tài thông qua các chính sách về thu nhập, đào tạo, nhập cư, sở hữu bất động sản. Những doanh nghiệp phát triển bền vững đều có trong tay vài ba nhà tổ chức giỏi. Họ chính là hạt nhân quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp, do vậy họ luôn là hàng hiếm trên thị trường quốc tế và trở thành mục tiêu của hoạt động “săn đầu người”.
Cách nay vài năm, một trường đại học lớn nhất ở TPHCM có mời về một số chuyên gia được quảng bá là “cực tài” ở vài lĩnh vực khác nhau, nhưng rồi cuộc “hôn phối” sớm chấm dứt. Một vài người có tài, nhưng họ không chơi được với ai, và ngược lại không ai chơi với họ.
Họ nhận được đề tài khủng, được đầu tư lớn, nhưng ôm một mình, không chia sẻ quyền lợi và cả kiến thức cho ai, họ tự tỏa sáng một mình, chưa kể vài người tài năng chừng mực nhưng “nổ” quá, có vị tuyên bố sáng tạo ra nước lã thay xăng chạy động cơ, khiến đồng nghiệp tẩy chay, kết cục không còn ai trụ lại được. 

Các tin khác