Tái cơ cấu đi vào chiều sâu

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố Báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2015, hướng đến xây dựng Đề án tái cơ cấu 2016-2020. Kết quả cho thấy, quá trình tái cơ cấu này còn rất ngổn ngang.

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố Báo cáo kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế Việt Nam 2011-2015, hướng đến xây dựng Đề án tái cơ cấu 2016-2020. Kết quả cho thấy, quá trình tái cơ cấu này còn rất ngổn ngang.

Việt Nam đã trải qua 4 năm thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế trên 3 lĩnh vực là đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), doanh nghiệp (trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) và hệ thống tài chính (trọng tâm là ngân hàng thương mại - NHTM). Quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững; chỉ số an toàn quốc gia được nâng cao, môi trường kinh doanh có sự cải thiện; xu hướng hồi phục tăng trưởng kinh tế đang ngày càng rõ nét; hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế đang tồn tại trong quá trình tái cơ cấu. Cụ thể, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, những ưu đãi cho DNNN vẫn đang là yếu tố làm méo mó thị trường. Những vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu DNNN chưa được chạm đến, như tình trạng phân tán quyền lực tại các cơ quan nhà nước, thiếu sự phối hợp và thiếu người chịu trách nhiệm. Tư duy ưu đãi DNNN vẫn là chủ đạo, phân bổ nguồn lực đầu tư công vẫn chủ yếu do Nhà nước mà chưa sử dụng cơ chế thị trường. Hệ thống NHTM bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn nhưng thể chế để ngăn ngừa các lỗ hổng này chưa có thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, quy trình xử lý nợ xấu kéo dài và chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn cao đang là rào cản tiếp cận lãi suất của DN. Cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC thiếu minh bạch sẽ không thể hình thành thị trường mua bán nợ. Tái cơ cấu vùng, ngành chưa đi vào thực chất. Nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn, đặc biệt từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công.

Từ thực tế này, CIEM cho rằng mục tiêu tái cơ cấu năm 2016-2020, cần phải chú ý tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân là ưu tiên hàng đầu, trong đó DN tư nhân và DN nhỏ và siêu nhỏ là công cụ then chốt; khuyến khích DN vừa và lớn, tạo liên kết vùng, cụm. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư, đổi mới thể chế quản lý kinh tế. Trong đó, cần tạo điều kiện tối đa cho DN tư nhân và DN nước ngoài phát triển; đổi mới quản lý đầu tư công; cải cách chức năng chủ sở hữu, quản lý của Nhà nước và DN; dịch vụ công và ngân sách cứng. Bên cạnh đó, do đầu tư công sử dụng tiền đóng thuế của Nhân dân, nên Nhân dân phải có quyền được biết những đồng tiền đó được sử dụng như thế nào.  Các dự án đầu tư công đều bắt buộc phải kiểm toán và kết quả kiểm toán phải được công bố công khai lên mạng internet. Áp dụng đầy đủ cơ chế và nguyên tắc thị trường trong phân bổ vốn đầu tư nhà nước. Đặc biệt, cải cách DNNN trong giai đoạn tới cần tập trung vào đổi mới thể chế, cách thức quản trị và quản lý nhà nước đối với DNNN theo hướng tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thị trường và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Nghiêm ngặt áp dụng nguyên tắc ngân sách cứng đối với DNNN.

Vấn đề đặt ra là tái cơ cấu không phải là một mục tiêu. Các mục tiêu của tái cơ cấu phải là công bằng, ổn định, nâng cao mức sống, tạo việc làm… Tái cơ cấu kinh tế chỉ là một phần của quá trình thay đổi dẫn tới các mục tiêu này. Quá trình tái cơ cấu là kế hoạch và đường đi để đạt được mục tiêu cụ thể hơn. Do đó, để thực hiện tái cơ cấu cần phải đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể để thực hiện; tái cơ cấu có trọng tâm. Vì thế, cần hình thành liên minh cải cách để tạo sức ép thay đổi, vì quá trình này có thể có những chủ thể không muốn cải cách, thậm chí chống phá cải cách. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đang đứng trước sức ép mạnh mẽ của hội nhập. Điều này có nghĩa giai đoạn mới này còn gay gắt hơn nhiều, nếu không có thay đổi mạnh trong tái cơ cấu kinh tế, việc tận dụng cơ hội rất mong manh. Vì vậy, cần tái cơ cấu một cách toàn diện, đủ mạnh và nhất quán để hiện thực hóa cơ hội, chuyển thách thức và điểm yếu thành cơ hội, tạo môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh công bằng minh bạch.

Các tin khác