Sự trở lại của kinh tế học suy thoái

(ĐTTCO)-Là tựa đề của một quyển sách được xuất bản năm 1999 của GS. Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2008. Nội dung của quyển sách như một điềm báo trước cho những gì đã xảy ra sau đó đúng 10 năm, vào 2009 nền kinh tế Mỹ bắt đầu rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng do những hậu quả nặng nề của Đại khủng hoảng gây ra. 
Sự trở lại của kinh tế học suy thoái
Sự lây lan đã làm phần lớn các nền kinh tế trên thế giới rơi vào đà sụt giảm GDP nghiêm trọng, kéo theo cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu sau đó.
Và cũng một chu kỳ 10 năm sau, 2019 virus Corona một lần nữa khiến kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ rơi vào một vòng xoáy suy thoái thậm chí còn nặng nề hơn trước đó. Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Thậm chí sẽ tiếp tục xấu hơn trong năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh không chuyển biến khả quan, cũng như vaccine không được nhanh chóng tìm ra và phổ biến rộng rãi. 

Kinh tế Việt Nam có rơi vào suy thoái?
Thật khó để trả lời cho câu hỏi này khi dữ liệu vĩ mô vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tăng trưởng GDP quý II của chúng ta chỉ ở mức 0,36%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của quý I là 3,82%.
Về lý thuyết, nếu tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế sụt giảm liên tục trong 2 quý liền kề, thì nền kinh tế đó có thể xem là rơi vào suy thoái. Tính hết 6 tháng đầu năm GDP cả nước chỉ tăng 1,81%, là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều thập niên, kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới và mở cửa nền kinh tế.
Nhưng có lẽ tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý I và thậm chí sang quý II có được là do thừa hưởng độ trễ của các hoạt động kinh tế sôi nổi, đặc biệt là chi tiêu dùng tăng mạnh của 2 tháng đầu năm trước kỳ nghỉ Tết. Tốc độ tăng trưởng GDP thấp kỷ lục của quý II đã phần nào phản ánh hậu quả tức thời của lệnh cách ly xã hội để chống dịch.
Nhưng đó chưa phải là những gì xấu nhất, bởi lẽ các hoạt động kinh tế thường có độ trễ lớn, hơn nữa trước và ngay sau lệnh cách ly, các nhà máy và khu vực sản xuất vẫn hoạt động cầm chừng với lượng nguyên liệu còn tồn kho để thực hiện các đơn hàng đã ký từ trước đó. 
Thế nhưng từ tháng 6, nhiều nhà máy, khu công nghiệp đã bắt đầu thu hẹp sản xuất, thậm chí dừng hoạt động, số lượng người lao động bị sa thải đã tăng nhanh đến con số hàng ngàn người mỗi đơn vị, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng 7 và kéo dài không biết đến khi nào do các nước đối tác, bạn hàng lớn vẫn đang trong tình trạng cách ly để chống dịch.
Vì vậy, khả năng số liệu kinh tế vĩ mô quý III và sau đó sẽ còn xấu hơn. Nói cách khác, nền kinh tế vẫn chưa chạm đáy và “ngấm đòn” Covid một cách đầy đủ.

Đối phó với suy thoái kinh tế như thế nào?
 Tuy còn hơi sớm để nói rằng nền kinh tế Việt Nam có rơi vào suy thoái hay không, bởi vẫn chưa chạm đáy và ngấm đòn Covid một cách đầy đủ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không có nhiều kinh nghiệm để xử lý những cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu như lần này.
Tuy còn hơi sớm và chưa đủ dữ liệu để nói rằng nền kinh tế Việt Nam có rơi vào suy thoái hay không, nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta chưa hề đối phó với suy thoái kinh tế theo cách mà nó đang diễn ra. Nói cách khác, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung không có nhiều kinh nghiệm để xử lý những cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu như lần này.
Vì vậy, khi nói đến sự trở lại của kinh tế học suy thoái thì điều này có nghĩa rằng trong vòng gần 100 năm qua, kể từ sau cuộc Đại suy thoái của những năm 1930, những thất bại nặng nề ở phía cầu của nền kinh tế - khi người dân không có đủ thu nhập để thực hiện các khoản chi tiêu nhằm tận dụng hết sản lượng sẵn có của nền kinh tế, đã thực sự quay trở lại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thịnh vượng nói chung của các nền kinh tế.
Có quan điểm cho rằng Việt Nam đã có kinh nghiệm tốt trong việc đối phó với các tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, thậm chí là thành công trong việc khôi phục lại đà tăng trưởng sau đó cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bối cảnh lúc đó hoàn toàn là một câu chuyện khác, cái mà chúng ta đã xử lý thành công là những vấn đề nội tại thuộc về cấu trúc vĩ mô của nền kinh tế mà đặc biệt là khu vực tài chính-ngân hàng.
2 gói kích thích kinh tế trị giá hơn 230.000 tỷ đồng lúc đó để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, giải cứu một phần thị trường bất động sản, chống đỡ cho thị trường chứng khoán và giảm sự tổn thương của hệ thống ngân hàng. Cộng với một chương trình tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng mạnh tay sau đó, đã cơ bản giải quyết được các yếu kém căn cơ của nền kinh tế, tháo gỡ nhiều điểm tắc nghẽn và tạo động lực cho tăng trưởng sau đó.
Nhưng giờ đây, cái mà nền kinh tế Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang gặp phải là những cú sốc ngoại sinh, bắt nguồn từ các lệnh cách ly kinh tế trên quy mô toàn cầu mà IMF đã dùng cụm từ “Cuộc Đại Phong tỏa” (The Great Lockdown). Vì vậy, muốn ngăn chặn đà suy thoái kinh tế lần này các giải pháp phải mang tính đột phá. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy các chính sách kiểu truyền thống sẽ khó hiệu quả và phát huy tác dụng mong muốn.
Trong “cỗ xe tam mã”, xuất khẩu và tiêu dùng khó có thể tạo ra đột phá. Bởi vì kể từ nay cho đến ít nhất là hết cuối năm, xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh trên quy mô toàn cầu chưa có dấu hiệu khả quan, khiến cho thị trường thế giới, đặc biệt là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi. 
Còn tiêu dùng cũng là một bài toán khó, bởi lẽ nhu cầu thị trường nội địa của chúng ta vốn không đủ lớn để có thể bù trừ cho sự mất mát từ doanh số xuất khẩu, nay còn bị thu hẹp do tác động tiêu cực của việc cắt giảm thu nhập, công ăn việc làm và triển vọng kinh tế.
Những nỗ lực kích cầu nội địa, chẳng hạn như kích cầu du lịch trong nước đang được ráo riết triển khai ở khắp các địa phương nhưng kết quả bước đầu không khả quan. Các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, nhưng khách hàng vẫn thưa thớt là những minh chứng thực tế cho thấy tiêu dùng nội địa, có thể phần nào đó khả quan hơn xuất khẩu nhưng cũng khó có khả năng tạo ra lực đẩy đủ mạnh cho nền kinh tế.

Giữa các mục tiêu cần có sự đánh đổi
Giữa các mục tiêu chống suy thoái kinh tế, kiểm soát lạm phát hay đảm bảo trần nợ công đôi khi phải có sự đánh đổi. Cố gắng cùng một lúc để đạt được hết những mục tiêu này cũng giống như cố gắng giải bài toán bộ ba bất khả thi.
Vì vậy, chỉ có chính sách kích thích tài khóa, thông qua việc đẩy mạnh đầu tư công với quy mô có thể lên đến 700.000 tỷ đồng, trị giá hơn 30 tỷ USD, xấp xỉ 10% GDP của Việt Nam là hứa hẹn có tác động tích cực lên tổng cầu, bằng cách tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, đầu ra cho nhiều ngành sản xuất và từ đó kích thích hay chí ít cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm. Hơn nữa, đây cũng là yếu tố mà Chính phủ nắm quyền chủ động. 
Chỉ cần đầu tư công được đẩy mạnh một cách hợp lý, các tác động sẽ đến đủ sớm để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế. Kích thích các hoạt động kinh tế bằng đầu tư công cũng có 2 ưu điểm lớn là tiền bơm ra chắc chắn sẽ được chi tiêu hết, và các tài sản công (cầu, đường, các công trình công cộng khác) sẽ được hình thành và phục vụ cho người dân.
Và để đảm bảo cho tính hiệu quả của chính sách nới lỏng tài khóa thông qua đầu tư công, chính sách tiền tệ cũng cần có những bước đi phù hợp nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng. Có một đặc tính quan trọng của nền kinh tế chúng ta là tính tương quan thuận khá cao giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng.
Vì vậy, khi xem xét các động cơ của tăng trưởng nên chú ý đến mối tương quan này và cần tập trung giải quyết các điểm tắc nghẽn của dòng vốn tín dụng hiện nay trong nền kinh tế. Thậm chí, có một quan điểm còn hài hước cho rằng khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, thì sự xuất hiện của một bong bóng tài sản mới sẽ là một cơ hội tuyệt vời để thoát khỏi suy thoái. 
Điều hành kinh tế vĩ mô đôi khi không thể nào đạt được tất cả các mục tiêu cùng một lúc. Cũng như chúng ta đã từng thảo luận về cái nào quan trọng hơn giữa sức khỏe toàn dân và tăng trưởng kinh tế để đưa ra các quyết định sáng suốt, kịp thời và dứt khoát để chống dịch, dập dịch.
Hiện nay cũng vậy, giữa các mục tiêu chống suy thoái kinh tế, kiểm soát lạm phát hay đảm bảo trần nợ công đôi khi phải có sự đánh đổi. Cố gắng cùng một lúc để đạt được hết những mục tiêu này cũng giống như cố gắng giải bài toán bộ ba bất khả thi vốn nổi tiếng trong lý thuyết kinh tế học, mà cho đến giờ này vẫn chưa có ai làm được.

Các tin khác