Siết hay mở điều kiện lập DN: 2 bộ chưa thống nhất

Hiện nay có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý trong việc siết hay mở điều kiện thành lập doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để buôn bán hóa đơn thuế VAT, xuất khẩu khống, gây thiệt hại cho ngân sách.

Hiện nay có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý trong việc siết hay mở điều kiện thành lập doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để buôn bán hóa đơn thuế VAT, xuất khẩu khống, gây thiệt hại cho ngân sách.

Lo ngại doanh nghiệp “ma”

Trước thực trạng lợi dụng thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thoáng để trục lợi, gây thiệt hại cho ngân sách, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ siết lại điều kiện thành lập doanh nghiệp. Theo đánh giá của bộ này, hiện không có nước nào thủ tục thành lập doanh nghiệp quá dễ như ở Việt Nam. Thực tế, có hiện tượng người lái xe ôm đứng tên thành lập hàng chục doanh nghiệp.

Vừa qua lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị về điều kiện đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, theo đó cần có cơ chế kiểm tra, loại trừ các cá nhân không có năng lực lập doanh nghiệp để in, mua hóa đơn trốn thuế, tiêu cực. Bởi qua một vài chuyên án trên địa bàn, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện việc người hành nghề xe ôm đứng tên thành lập doanh nghiệp, nhưng hoạt động theo sự điều khiển của người khác, đã trốn thuế hàng ngàn xe cà phê. Do đó cần có cơ chế kiểm soát việc đăng ký kinh doanh để không bị lợi dụng. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cần có quy định một gia đình không được lập 2 doanh nghiệp nhằm ngăn việc trốn thuế, tẩu tán tài sản từ các công ty trong gia đình.

Siết hay mở điều kiện lập DN: 2 bộ chưa thống nhất ảnh 2Thực tế có những trường hợp lợi dụng thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn gây thiệt hại cho ngân sách, cần phải có biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, giải pháp nào cũng không được làm ảnh hưởng đến nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Hiện Bộ Tài chính đã có các quy định khá chặt chẽ về mua bán hóa đơn, nhưng tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp vẫn diễn ra khá phổ biến.
Siết hay mở điều kiện lập DN: 2 bộ chưa thống nhất ảnh 3

Ông Vũ Quốc Tuấn,
nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoàn thuế, khấu trừ thuế VAT, Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu Cục Thuế các địa phương tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.

Cụ thể, tăng cường quản lý việc phát hành, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý khấu trừ hoàn thuế VAT liên quan đến những hồ sơ có hóa đơn đầu vào có dấu hiệu vi phạm. Đối với việc khấu trừ, hoàn thuế VAT, những doanh nghiệp có mua hàng hóa, sử dụng hóa đơn đầu vào trực tiếp ngừng kinh doanh, bỏ trốn, có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, thì tạm dừng hoàn thuế và chỉ thực hiện tạm dừng đối với số hàng hóa của hóa đơn có dấu hiệu vi phạm. Số hàng hóa không thuộc diện có dấu hiệu vi phạm được thực hiện khấu trừ, hoàn thuế đầy đủ, kịp thời theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp đã được hoàn thuế, cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh thuế VAT. Trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn VAT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ đúng quy định pháp luật, doanh nghiệp đó phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ kê khai, hoàn thuế VAT của mình.

Trên cơ sở đó cơ quan thuế thực hiện thanh tra tại doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế thực hiện lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần thông thoáng hơn

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính về việc siết điều kiện thành lập doanh nghiệp đã không nhận được sự ủng hộ của Bộ KH-ĐT. Tại dự thảo về sửa đổi Luật Doanh nghiệp mới nhất đang được lấy ý kiến, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét, tiếp tục cải cách.

Bởi lẽ nếu so sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Xét về mức độ phức tạp và tốn kém về chi phí tuân thủ, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh năm 2013 của nước ta vẫn ở thứ hạng thấp (đứng thứ 106 trên 180 quốc gia và nền kinh tế). Vì vậy, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh là hết sức cần thiết.

Cũng theo quan điểm của Bộ KH-ĐT, thực tế cho thấy những cải cách đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 1999 và 2005 đã tạo ra bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, huy động vốn, phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng đóng góp cho ngân sách. Tuy vậy, xét theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mức độ thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh vẫn thấp hơn chuẩn mực trung bình của quốc tế.

Vì vậy, cần phải có thay đổi theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh hơn là ngược lại. Còn các hiện tượng nói trên (thành lập doanh nghiệp để lừa đảo, mua bán hóa đơn, hoàn thuế VAT…) thuộc lĩnh vực thực hiện các luật thuế, luật doanh nghiệp và chế tài các hành vi vi phạm luật, không phải là vấn đề từ nội dung của Luật Doanh nghiệp.

Các tin khác