Rộn ràng không khí mua sắm trong những phiên chợ Tết Nguyên đán

(ĐTTCO)-Từ khi chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức, người dân ngoại thành đã được tiếp cận, mua sắm những sản phẩm tốt hơn, giá cả lại hợp lý.
Đây cũng là dịp để doanh nghiệp quảng bá hàng Việt. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đây cũng là dịp để doanh nghiệp quảng bá hàng Việt. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, dù ít dù nhiều, nhà nào cũng sắm sửa các món ăn này cho mâm cơm thêm đủ đầy. Các món ăn mộc mạc, dung dị nhưng làm nên hương vị rất riêng của ngày Tết.

Bên cạnh đó, về giá trị tinh thần, các món ăn là đại diện cho sự ấm no, sung túc, là lời chúc phúc cho một năm mới an yên.

Nếu người dân thành thị tất bật với nồi bánh chưng, với cành đào, hoa tươi, con gà cùng mâm cơm cúng giao thừa... thì để đón Tết, nhiều người lao động tại các vùng nông thôn, khu công nghiệp dù giản dị và tiết kiệm hơn cũng gắng sức để đón một cái Tết thật đủ đầy.

Mong ngóng những phiên chợ Tết

Năm nào cũng vậy, chị Tạ Thị Thu, ở xã Bình Phú (huyện Thạch Thất) phải đến ngày 30 Tết Nguyên đán mới có thể đi chợ để mua sắm Tết.

Cả hai vợ chồng đều là công nhân tại một cơ sở may trên địa bàn nên hầu như hết giờ làm việc anh chị lại tất bật chăm lo con cái và cũng không có nhiều thời gian để chạy chợ mua hàng hóa.

Tuy vậy, những chuyến hàng lưu động do Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp tổ chức vào dịp Tết là cơ hội để anh chị có thể mua hàng hóa chuẩn bị cho gia đình đón Tết cổ truyền.

“Từ khi chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức, người dân ngoại thành đã được tiếp cận, mua sắm những sản phẩm tốt hơn, giá cả lại hợp lý,” chị Thu xúc động nói.

Chung suy nghĩ, chị Nguyễn Thị Minh, ở xã Ðồng Tân (huyện Ứng Hòa) cho biết năm nào cũng đợi đến phiên chợ Tết để mua sắm bởi hàng hóa đa dạng, giá cả cũng vừa phải, đi kèm với đó cũng có rất nhiều chương trình khuyến mãi.

“Chúng tôi luôn mong có nhiều phiên chợ như thế này và dài ngày hơn để người công nhân có cơ hội mua sắm," chị Nguyễn Thị Minh trải lòng.

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Tổng Công ty Việt Thắng cũng rất phấn khởi khi chọn được những sản phẩm chất lượng tốt nhưng giá cả ưu đãi, chỉ còn một nửa so với giá thị trường.

Theo chị, đây là cơ hội để giúp cho những người công nhân như chị có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian mua sắm nhưng vẫn mua được những món quà tặng có ý nghĩa cho người thân nhân dịp Tết đến, Xuân về.

“Tôi mong Công đoàn cơ sở tiếp tục phối hợp với Công đoàn cấp trên để tổ chức thêm nhiều ‘Phiên chợ nghĩa tình.’ Phiên chợ không chỉ được tổ chức vào những dịp cuối năm mà vào các thời gian thích hợp trong năm để công nhân có cơ hội mua những sản phẩm mang thương hiệu Việt có chất lượng cao với giá ưu đãi,” chị Lan đề nghị.

Nhân lên niềm vui

Thời gian qua, việc tổ chức các điểm bán hàng Việt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các chương trình bán hàng giảm giá đã mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Tác dụng rõ nhất của chương trình là đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp phân phối như: Big C, Hapro, Co.opmart, Vinatex… còn triển khai nhiều chương trình giảm giá, tặng quà, nên thu hút rất đông công nhân đến mua sắm.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh chương trình phiên chợ Tết là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của ngành Công Thương Hà Nội trong dịp Tết cổ truyền.

Hoạt động này không chỉ thu hút các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ của Thủ đô tham gia mà còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khác qua đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận đặc sản các vùng, miền như: Nước mắm Phan Thiết, chè Thái Nguyên, nông sản Hà Giang…

Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình cũng hài lòng trước sự quan tâm của người dân với sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Quang Chiến, Giám đốc Công ty Hải sản Phan Thiết cho rằng việc tham gia các phiên chợ Việt, chợ Tết tại các huyện ngoại thành không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mà còn tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng, miền.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội), tham gia chương trình đưa hàng Tết về nông thôn, khu công nghiệp, doanh nghiệp không đặt vấn đề lợi nhuận. Nhiều mặt hàng được doanh nghiệp bán bằng giá vốn, còn kèm tặng đồ khuyến mãi nhưng cái được là thương hiệu và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ yếu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.” Chương trình không chỉ là cầu nối, mà còn tạo hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và phía người tiêu dùng.

Hơn thế, chương trình còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.

Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân nông thôn, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân.

Theo bà, sản phẩm được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng bình ổn giá…

Không dừng lại ở đó, chương trình còn cung ứng hàng hóa vào bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người lao động, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các tin khác