“Rào cản” chuyển giao công nghệ doanh nghiệp FDI

(ĐTTCO)-Trình độ lao động thấp, năng lực công nghệ yếu kém của doanh nghiệp trong nước, và sự thiếu liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, là những rào cản của quá trình chuyển giao công nghệ thông qua FDI ở Việt Nam.
“Rào cản” chuyển giao công nghệ doanh nghiệp FDI
Hàm lượng giá trị gia tăng thấp
Hệ quả trực tiếp của nguồn nhân lực chất lượng thấp là năng lực sáng tạo giá trị gia tăng thấp. Điều này được phản ánh rõ trong cơ cấu sản phẩm phân theo hàm lượng công nghệ.
So sánh với các nước khác trong khu vực, các sản phẩm chế biến nói chung, đặc biệt là sản phẩm chế biến cho xuất khẩu của Việt Nam không phức tạp về mặt công nghệ, chỉ ở mức trên 20% và không thay đổi trong những năm gần đây. Các lĩnh vực công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động, chủ yếu là các nhóm mặt hàng may mặc thời trang, chiếm tới hơn 70% giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến.
Hàm lượng của sản phẩm thấp có nguồn gốc trực tiếp từ trình độ công nghệ thấp của các ngành kinh tế. Thí dụ, trong ngành cơ khí, thiết bị của Việt Nam lạc hậu tới 4 thập niên so với mặt bằng kỹ thuật của thế giới. Công nghệ trong ngành sử dụng để sản xuất công cụ, hàng tiêu dùng, máy động học... hầu hết đều ra đời từ trước năm 1980 và 30% có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ.
Tỷ trọng doanh nghiệp có công nghệ cao của Việt Nam mới đạt khoảng 20,6%, thấp xa so với mức 29,1% của Philippines, 29,7% của Indonesia, 30,8% của Thái Lan, 51,1% của Malaysia, 73% của Singapore. 
Trong khi đó, kỳ vọng các dự án đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp lại chủ yếu có quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD/dự án), lĩnh vực đầu tư chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, sử dụng nhiều lao động như dệt may, gia công giày dép…
Số doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao còn khá ít ỏi. Trình độ công nghiệp thấp là nguyên nhân dẫn đến hạn chế hiệu quả tăng trưởng kinh tế và tốc độ gia tăng giá trị gia tăng. Đó cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng trong dài hạn, khi các lợi thế về lao động rẻ đang mất dần và năng lực cạnh tranh tăng trưởng bị giảm một cách tương đối. 

Kỳ vọng doanh nghiệp FDI, nhưng…
Nguyên nhân của hàm lượng công nghệ thấp trong sản phẩm là tính kém hiệu quả của hoạt động chuyển giao công nghệ. Trong thời gian qua, Việt Nam đã chú ý tới việc chuyển giao công nghệ qua thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả của chuyển giao công nghệ theo kênh này không cao.
Theo điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong số gần 10.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước, chỉ có 6,9% số doanh nghiệp có khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI, 15% có khách hàng chính là doanh nghiệp nhà nước, 58% có khách hàng chính là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đối với các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực may mặc và điện tử tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai, cho thấy tất cả các doanh nghiệp được điều tra chỉ thực hiện các khâu đơn giản nhất trong dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi đó, việc thiết kế, xác định dung lượng và các khâu tinh vi khác – cung cấp nguyên liệu đầu vào, phân phối và bán sản phẩm cuối cùng – đều được quyết định bởi các công ty mẹ ở nước ngoài. Đây là mô hình gia công giản đơn điển hình, dựa vào nguồn lao động rẻ, tiêu tốn năng lượng. 
Với mô hình trên, rất khó tạo ra tác động lan tỏa tích cực từ khu vực FDI. Chính vì vậy, các biện pháp chính sách và nỗ lực nhằm tạo ra một mô hình kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, tuy cần thiết nhưng vẫn không đủ để thúc đẩy tác động lan tỏa từ FDI đến việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng. 
Trong khi đó, công tác nghiên cứu và triển khai (R&D) trong nước hiện còn rất nhiều hạn chế. Hiện nay, Việt Nam có 1.200 tổ chức khoa học và công nghệ (viện, trung tâm nghiên cứu và trường đại học), gấp 2,5 lần so với năm 1995, trong đó 60% thuộc sở hữu nhà nước. Đầu tư hàng năm cho khoa học và công nghệ chiếm 2% tổng chi ngân sách nhà nước, nên kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn rất ít do lỗi thời hoặc không còn phù hợp.
Theo số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong tổng số 205.529 doanh nghiệp được điều tra, có 1.340 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ (chiếm khoảng 0,65%). Trong số này, khu vực nhà nước chiếm khoảng 26,3%, khu vực tư nhân là 63,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 10,4%. Ở các doanh nghiệp này, chi cho đầu tư, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ ước bằng 1,15% lợi nhuận trước thuế, trong đó chi cho hoạt động R&D là 0,4%, và chi cho đổi mới công nghệ chiếm 0,69%.  
Thực tế hiện nay cho thấy, đa số công nghệ chuyển giao của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chỉ đạt trình độ công nghệ ở mức trung bình. Thậm chí, có trường hợp chuyển giao công nghệ thanh lý khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải công nghệ. Do vậy tính cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường quốc tế còn yếu kém do hầu hết công nghệ sử dụng trong dự án FDI là công nghệ đã và đang được sử dụng phổ biến ở chính quốc. 
Một trong những nguyên nhân chính là những vướng mắc còn tồn tại trong quy định của pháp luật, các công nghệ hạn chế chuyển giao thì các quy định về điều kiện ràng buộc chưa tạo thành rào cản. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương chạy theo thành tích, vượt rào để thu hút FDI bằng mọi giá và chưa có những quy định về cơ chế quản lý việc chuyển giá của các doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Lưu Thủy (ghi)

Các tin khác