Phát triển nông thôn mới gắn với nông nghiệp công nghệ cao

(ĐTTCO)-Sau khi nhiều xã đã hoàn thành các tiêu chuẩn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn nâng chất, huyện Cần Giờ, TPHCM sẽ tập trung xây dựng NTM theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Nông dân huyện Cần Giờ tăng thu nhập nhờ nuôi ốc hương
Nông dân huyện Cần Giờ tăng thu nhập nhờ nuôi ốc hương

Làm giàu nhờ nông nghiệp

Đang thu hoạch một ao ốc hương, mang lại lợi nhuận vài chục triệu đồng, nông dân Huỳnh Văn Mảnh (xã Long Hòa) phấn khởi cho hay: “Đây là năm thứ 9, gia đình tôi chuyển sang nghề nuôi ốc hương. So với thủy sản khác, ốc hương rất dễ nuôi, ít bệnh, giá trị cao nên mang lại hiệu quả rõ rệt. Những năm đầu tiên thành công với vài ao nuôi, tôi mạnh dạn thuê thêm đất để mở rộng diện tích. Đến nay đã có 15 ao với diện tích 7.000m², trung bình 1 năm thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, diện tích sản xuất của xã Long Hòa ngày càng thu hẹp, ông Mảnh mong muốn sau khi Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Long Hòa đưa vào hoạt động, những người như ông có thể được thuê đất giá ưu đãi để sản xuất.

Với đặc điểm của vùng duyên hải tiếp giáp biển, có hơn 2/3 diện tích là rừng, nhiều sông rạch… nên hoạt động sản xuất ngành thủy sản chủ yếu là khai thác tự nhiên. Theo UBND xã Long Hòa, người dân còn nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông rạch và các bãi bồi, với 3 hộ sản xuất giống thủy sản, 7 tổ nuôi nghêu với diện tích 201ha, 12 hộ nuôi sò với diện tích 72ha, 239 hộ nuôi hàu với diện tích 191ha, 3 hộ nuôi tôm với 9ha, 6 hộ nuôi ốc hương với diện tích 11ha, 1 hộ nuôi cá dứa, 1 hộ nuôi cá mú, trên 50 hồ trải bạt nuôi nghêu… với sản lượng thu hoạch bình quân khoảng 13.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, xã còn có đặc sản nổi tiếng là xoài Cần Giờ, tập trung tại 3 ấp Long Thạnh, Đồng Hòa và Đồng Tranh. Nhờ xây dựng thương hiệu, trái xoài đạt giá trị cao hơn, trung bình lợi nhuận 1ha gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, ngành trồng trọt còn có trên 10ha trồng các loại cây ăn trái khác. Hiện xã có 1 HTX, 1 câu lạc bộ khuyến nông và 6 tổ hợp tác sản xuất, gồm 5 tổ hợp tác nuôi nghêu và 1 tổ hợp tác trồng xoài. 

Dù là huyện còn khó khăn của TPHCM, nhưng sau 10 năm xây dựng NTM, xã Tam Thôn Hiệp đã lột xác nhờ nông nghiệp, trở thành thủ phủ ngành nuôi chim yến lấy tổ và tổ yến được xem là sản phẩm chủ lực của xã. Nhiều người trước đây nuôi heo, dê... cũng chuyển sang nuôi chim yến, mang lại thu nhập cao hơn. Hiện tại, xã Tam Thôn Hiệp có 159 hộ với 199 nhà nuôi chim yến, trong đó có 116 nhà yến cho thu hoạch sản lượng trung bình khoảng 650 - 720kg/tháng. Có 13 cơ sở sơ chế tổ yến với quy mô vừa và nhỏ, giải quyết hơn 150 lao động tại địa phương, sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Theo bà Nguyễn Thị Đẹp, Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp, với định hướng ngành nông nghiệp sạch, kỹ thuật cao, nghề nuôi yến địa phương sẽ có mô hình liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ để đảm bảo bền vững. Song song đó, xã hỗ trợ vốn, hướng dẫn thủ tục cho nông dân triển khai xây dựng xưởng chế biến tổ yến, giảm xuất tổ yến thô để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, xã cũng có nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ yến như nước, cháo, bánh, bia…

Tập trung phát triển bền vững

Theo UBND huyện Cần Giờ, xã Long Hòa, Tam Thôn Hiệp đã đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng (mạng lưới giao thông, thoát nước, hệ thống điện, viễn thông, chợ, trường học, trạm y tế…) đến phù hợp với xu thế phát triển chung, tương xứng với tiềm năng của xã… Tuy vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn khá chậm so với yêu cầu; kinh tế có tăng trưởng nhưng chưa vững chắc; tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên và môi trường sinh thái chưa được khai thác có hiệu quả, chưa thực sự thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Năm 2020, huyện tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; hỗ trợ nông dân, chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác. Tập trung củng cố và thành lập thêm tổ hợp tác, mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác. UBND huyện Cần Giờ xác định, từ nay đến năm 2025, huyện tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị...

Đây được xem là đòn bẩy quan trọng để ngành nông nghiệp TPHCM phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân. Song song đó, huyện hỗ trợ về thông tin thị trường và xúc tiến thương mại để hình thành tổ liên kết sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất hiệu quả; có giải pháp xây dựng tổ hợp tác tiến dần đến HTX; nâng cao năng lực người đứng đầu các tổ chức sản xuất tập thể vì đây là môi trường tốt để thông tin, tổ chức nhân rộng; tạo sự gắn kết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm thông qua việc ký kết các hợp đồng, xây dựng thương hiệu… 

“Điển hình, tại xã Long Hòa sẽ có Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực giống thủy sản với quy mô hơn 80ha, có nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trong nước, chi phí xúc tiến thương mại, dịch vụ tư vấn… Đặc biệt, huyện quan tâm phát triển tổ yến đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch (nước, bánh, chè…) để mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nhận định.

Các tin khác