Phát triển Cần Giờ nhìn từ bối cảnh vùng

(ĐTTCO)-Phát triển hướng ra biển Đông đã là một định hướng của TPHCM từ rất lâu. Ý tưởng này được nhen nhóm từ sự hình thành của khu chế xuất Tân Thuận, sau đó là dải đô thị Nam Sài Gòn và đô thị cảng Hiệp Phước. Nỗ lực “hướng ra biển” của thành phố bị chững lại những năm vừa qua vì những nút thắt hạ tầng, khiến cho khả năng kết nối của khu vực phía Nam với trung tâm thành phố bị hạn chế, và cụm cảng Hiệp Phước có tính cạnh tranh kém do lòng sông Soài Rạp bị bồi lắng. 
Lợi thế từ vịnh Gành Rái
Giờ đây, bối cảnh vùng đang đổi thay. Tại khu vực phía Đông Cần Giờ, dọc theo sông Thị Vải và bờ Đông vịnh Gành Rái phía bên tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đang hình thành một trung tâm cảng - công nghiệp nặng - năng lượng quan trọng hàng đầu Việt Nam.
Nơi đây có cụm cảng nước sâu quy mô lớn nhất Việt Nam, có cụm công nghiệp nặng ở Phú Mỹ, có trung tâm hóa dầu Long Sơn đang được xây dựng và cụm công nghiệp hàng hải ở Vũng Tàu.
Ngoài ra còn có các cơ sở công nghiệp của hải quân và một cụm nuôi trồng thủy hải sản tập trung xung quanh đảo Gò Găng. Một trung tâm kinh tế biển đang thành hình để làm nền tảng cho Việt Nam trở thành quốc gia biển. 
Trong khi đó, phía Tây vịnh Gành Rái, phía bên Cần Thạnh, huyện lỵ của Cần Giờ, vẫn là một thị trấn yên ắng và còn nhiều khó khăn. Có thể giải thích cho bức tranh Cần Giờ là do khoảng cách tới trung tâm TP HCM xa, có kết nối giao thông hạn chế, đất đai không phù hợp để làm nông nghiệp và quỹ đất ít ỏi do điều kiện tự nhiên.
Nhưng nếu nhìn vào những gì đang diễn ra ở phía Bà Rịa-Vũng Tàu có thể liên tưởng đến một tương lai khác của vùng vịnh quan trọng bậc nhất miền Nam. 
Liệu vịnh Gành Rái có thể một ngày trở thành vùng vịnh San Francisco ở Mỹ, nơi tập trung một trung tâm giáo dục và công nghệ hàng đầu thế giới nhưng vẫn giữ được gần 18.000ha khu bảo tồn thiên nhiên ở phía Nam của vịnh?
Vịnh Gành Rái có thể trở thành vịnh Ijsselmeer phía Đông thủ đô Amsterdam của Hà Lan, nơi thành phố Almere được xây dựng mới hoàn toàn trên hòn đảo nhân tạo Flevoland trở thành đô thị xanh nhất Hà Lan?
Hay Vịnh Gành Rái một ngày sẽ có hình hài của vịnh Thâm Quyến nằm giữa đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc và Hồng Kông, vùng vịnh thịnh vượng bậc nhất Trung Quốc với những trung tâm tài chính, khu công nghệ và cảng nước sâu quy mô lớn, nhưng vẫn giữ được gần 2.000ha khu bảo tồn thiên nhiên ven mặt nước? 
Phát triển Cần Giờ nhìn từ bối cảnh vùng ảnh 2
TPHCM đã chậm chân?
Giờ đây, việc hình thành cảng hàng không quốc tế ở Long Thành (Đồng Nai) và cảng nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang làm giảm vai trò trung tâm logistics và giao thương của TPHCM và sẽ làm cho thành phố ít chủ động hơn trong nỗ lực tiến ra biển, tiến ra thị trường thế giới. 
Nhìn lại quá khứ, Sài Gòn-TPHCM luôn chậm chân trong công cuộc tiến ra biển. Trong lịch sử 150 năm của thương cảng Sài Gòn kể từ ngày Đô đốc Page mở cửa cho giao thương quốc tế, sự phát triển của thương cảng này luôn bị kìm hãm bởi sự thiếu quyết đoán của nhà cầm quyền.
Đầu tiên là sự chậm trễ trong việc chuyển cảng Sài Gòn từ cảng sông ra cảng biển như Singapore và Hồng Kông. Sau đó là việc không mở rộng được mạng lưới đường sắt ra toàn bán đảo Đông Dương và tới tận Bangkok như kế hoạch ban đầu của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. 
Trong thời kỳ Đổi Mới, cảng Sài Gòn vẫn nhích chậm chạp từ Tân Cảng xuống Khánh Hội rồi Cát Lát và Hiệp Phước-những cảng mà vị trí trong đô thị và luồng tàu không sâu khiến cơ hội phát triển lâu dài rất giới hạn.
Trong thế kỷ 21 - thế kỷ của cảng đảo (island port), để đón những chuyến tàu siêu trọng tải, Singapore đã lấn biển để xây siêu cảng Tuas ở mạn Tây đảo quốc, Rotterdam đã lấn biển xây cảng Rotterdam World Gateway (cửa ngõ thế giới) vươn gần 8km ra khỏi bờ biển.
Táo bạo hơn cả là Thượng Hải đã làm cảng Dương Sơn bằng việc nối 3 hòn đảo cách đất liền 33km thành bến cảng lớn nhất thế giới với sản lượng 43 triệu container, gấp đôi sản lượng của tất cả cảng biển Việt Nam cộng lại trong năm 2020. 
Nếu tìm kiếm một cơ hội đột phá cho TPHCM về kết nối hàng hải quốc tế thì đó phải là khu vực phía Nam Cần Giờ chứ không phải Hiệp Phước. Ngay cả cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải bám theo 13km bờ sông không còn nhiều quỹ đất để mở rộng và cũng sẽ sớm tụt lại đằng sau trong cuộc đua đón tàu siêu trọng tải trên thế giới.
Nhìn về tương lai, một cụm cảng ở phía Nam Cần Giờ sẽ không còn lẻ loi giữa một vùng mênh mông rừng và nước như ngày nay. Khoảng cách từ Cần Thạnh tới Vũng Tàu hay Gò Công cũng chỉ xấp xỉ 10 km, tương đương hai lần chiều dài của cầu Tân Vũ – Lạch Huyện ở Hải Phòng hay cùng chiều dài với cây cầu vượt biển nối sân bay quốc tế Incheon với thành phố lấn biển Songdo.
Đề xuất cho những hệ thống hạ tầng cực lớn luôn gây ra những tranh luận và quan ngại bởi những rủi ro về hiệu quả kinh tế - xã hội, về môi trường và cả về tham nhũng. Nhưng quy hoạch không có nghĩa là sẽ xây dựng ngay ngày mai, cần có tầm nhìn xa 20, 30 năm, thậm chí 100 năm và cần xem xét mọi phương án để bảo vệ và tối ưu cơ hội của tương lai.

Cần tầm nhìn xa cho Cần Giờ
 Thực ra Cần Giờ có thể trở thành nhiều hơn là một trung tâm du lịch sinh thái. Bởi với vị trí phía Tây vịnh Gành Rái và nằm sát luồng tàu chính dẫn vào sông Lòng Tàu và sông Thị Vải, chỉ phát triển đô thị du lịch là chưa khai thác hết tiềm năng của vùng đất phía Nam Cần Giờ.
Với kinh nghiệm phát triển các thành phố mới trên khắp thế giới và tại Việt Nam, trong đó có những dự án lấn biển tầm cỡ như Huhumale ở Maldives, chúng tôi nhìn về Cần Giờ với một tầm nhìn xa hơn và khát vọng lớn hơn. Khu vực này phải trở thành một trung tâm kinh tế biển của Tp HCM.
Nếu dựa theo quy mô dân số của dự án đô thị lấn biển cộng thêm dân số hiện hữu ở Cần Thạnh, đô thị Cần Giờ sẽ có dân số trên 300.000 người trong tương lai, tương đương một đô thị loại 1 như Vũng Tàu hay Mỹ Tho.
Với một quy mô dân số như vậy, Cần Giờ phải được quy hoạch như một thành phố thực thụ, chứ không phải một dự án bất động sản mặc dù nhà đầu tư tư nhân có thể đóng vai trò chính trong hiện thực hóa quy hoạch.
Nền kinh tế của một thành phố như Cần Giờ khi đó không nên và không thể chỉ dựa vào một số ít ngành kinh tế như du lịch hay mục tiêu đầu tư bất động sản 
Bản thân điều kiện tự nhiên của Cần Giờ, một khu dự trữ sinh quyển và rừng phòng hộ bảo vệ cho vùng đô thị Đông Nam Bộ, có thể là cơ sở để phát triển một nền kinh tế dựa vào bảo tồn môi trường từ du lịch tới thủy sản, bất động sản và nghiên cứu.
Đô thị Cần Giờ phải không trở thành xa lạ với cộng đồng hiện hữu, để có thể phát triển bền vững, độc đáo, có bản sắc và luôn hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Thách thức trong tương lai là rất lớn như nguồn tài nguyên cát san lấp ngày càng trở nên khan hiếm, đắt đỏ hơn, hay việc mực nước biển dâng cao và cường độ gia tăng của các cơn bão biển do biến đổi khí hậu sẽ khiến chi phí bảo vệ bờ biển, duy trì các công trình ven biển tăng lên.
Bản thân các quốc gia có hệ thống phòng hộ bờ biển vững chắc như Hà Lan hay Hoa Kỳ, giờ đây đã thay đổi cách tiếp cận, chuyển từ việc phụ thuộc vào các công trình hạ tầng cứng sang việc kết hợp với hạ tầng mềm: hệ sinh thái tự nhiên.
Hà Lan bồi đắp thêm các đụn cát và trồng thêm rừng ven biển để chống lại những cơn bão từ Biển Bắc, trong khi đó Mỹ bơm thêm phù sa vào khu vực cửa sông Misisipi để mở rộng thêm rừng ngập mặn hiện hữu trở thành tấm lá chắn hữu hiệu với các đô thị trong đất liền. 
Phương án phát triển cho Cần Giờ cũng cần một sự kết hợp giữa giải pháp hạ tầng cứng vốn hiệu quả tức thì và giải pháp thiên nhiên vốn có độ đàn hồi và bền vững lâu dài cho hệ sinh thái. Bản thân việc phát triển đô thị kết hợp với mở rộng và làm đa dạng hệ sinh thái sẽ giúp tạo ra một đô thị độc đáo về cảnh quan và hấp dẫn về giá trị bất động sản.
Quy hoạch cho một tầm nhìn lớn cần một nỗ lực lớn, và Cần Giờ rất cần những nghiên cứu thấu đáo, minh bạch để trợ giúp cho một chiến lược hợp lý trở thành hiện thực bền vững, trong đó có cả bền vững về kinh tế cho nhà đầu tư. 
Đặt Cần Giờ trong bối cảnh vịnh Gành Rái, chúng ta có thể thấy đây là cơ hội ở tầm quốc gia như người Nhật đã làm ở vịnh Tokyo và người Hàn Quốc đã làm được ở vịnh Incheon.
Để nắm trọn cơ hội đó, không có nhà đầu tư nào có thể độc diễn. Chúng ta rất cần vai trò điều phối phát triển vùng của chính phủ, nỗ lực của các chính quyền địa phương, sự tham gia và ủng hộ của cộng đồng dân cư và các chuyên gia.
Hơn 10 năm trước, khi tham gia vào đồ án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, khi đó được lập ra trong nỗ lực thực hiện ý nguyện của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt về phát triển Cần Giờ, tôi đã có rất nhiều băn khoăn: liệu có thể phát triển hiệu quả ở một vị trí quá cách xa trung tâm đô thị, nằm ở cửa sông chảy từ vùng đô thị và công nghiệp lớn nhất Việt Nam với nhiều nguy cơ ô nhiễm và cần quá nhiều nỗ lực để cải tạo môi trường cho mục tiêu du lịch. Sự trầy trật của dự án trong việc tìm kiếm một đối tác đầu tư suốt một thời gian dài phần nào lý giải tính rủi ro của dự án. 

Mười năm sau, với những biến đổi về công nghiệp và hạ tầng phía Bà Rịa – Vũng Tàu, cơ hội của khu vực phía Nam Cần Giờ đã thay đổi rất nhiều. Mặc dù những thách thức vẫn còn đó song sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay cùng với sự góp mặt của một nhà đầu tư tâm huyết và tầm cỡ, cơ hội của Cần Giờ đã tới. Phát triển Cần Giờ để cùng với bờ Đông vịnh Gành Rái trở thành một trung tâm kinh tế biển hàng đầu là rất cần thiết. Để tầm nhìn này thành hiện thực, chúng ta phải nhìn rộng hơn về không gian, nhìn xa hơn về thời gian, nhìn đa chiều hơn về các mục tiêu kinh tế - xã hội và nhìn sâu hơn về các thách thức và cơ hội mà dự án tạo ra.

Các tin khác