Phân lập trong phục hồi kinh tế

(ĐTTCO)-Phục hồi kinh tế toàn cầu đã xuất hiện trạng thái phân lập, các quốc gia có tính chủ động và mạnh dạn sẽ tiếp tục rút ngắn khoảng cách hoặc/và bỏ xa phần còn lại của thế giới. Ngay lúc này, hãy để những khó khăn hình thành nên mục đích, biến các bất ổn trở thành động cơ, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội.

Hình 1: Phục hồi kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc. Nguồn: Haver Analytics & WB. Ghi chú: thời điểm bắt đầu là quý IV-2019 với giá trị cơ sở là 100.
Hình 1: Phục hồi kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc. Nguồn: Haver Analytics & WB. Ghi chú: thời điểm bắt đầu là quý IV-2019 với giá trị cơ sở là 100.
Xuất hiện điểm gãy
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các quốc gia dường như “mắc kẹt” trong câu hỏi làm thế nào để thoát khỏi một trong những cuộc khủng hoảng nặng nề nhất lịch sử và khôi phục trở lại nền kinh tế.
Có một sự thừa nhận rằng đại dịch là nguyên nhân trọng yếu ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, không phải từ các biện pháp y tế được áp dụng.
Việc ưu tiên chủ động phòng chống, kiểm soát Covid-19 thật sự là chìa khóa để trả lời liệu nền kinh tế có thể phục hồi và tăng trưởng. Minh chứng là trường hợp hồi phục tăng trưởng của Việt Nam (2,91%) và Trung Quốc (2,3%), những điểm sáng của bản đồ kinh tế thế giới năm 2020 (Hình 1). 
Sự thành công trong công tác chống dịch, kết hợp với những giải pháp từ chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục củng cố triển vọng phục hồi kinh tế ở các quốc gia này, góp phần rút ngắn khoảng cách hoặc/và bỏ xa các quốc gia khác trong bản đồ kinh tế thế giới.
Đây chính là trạng thái phân lập trong phục hồi kinh tế hậu đại dịch. (Hình 2 cho thấy sự khác biệt về tăng tưởng kinh tế của Trung Quốc và một số nhóm nước, kết quả này hàm ý phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia).
Bên cạnh đó, nhu cầu chi tiêu, đầu tư và hoạt động thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi, do các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng hoặc dỡ bỏ ở một số quốc gia.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng cho thấy sự phục hồi nhanh chóng. Điều này có thể giải thích từ sự chần chừ trong công tác phòng chống đại dịch ngay từ đầu. Đó là khi các quốc gia chưa dám đánh đổi kinh tế trong ngắn hạn để hướng đến thành quả dài hạn, xem thường mức độ nguy hại của dịch bệnh. 
 Kết quả từ các đồ thị hàm ý rằng, khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào năng lực kiểm soát và khắc chế đại dịch, sau đó là tận dụng sự phục hồi trong hoạt động thương mại quốc tế.
Điều này xảy ra khi nhu cầu chi tiêu quay trở lại, kết hợp với thực thi hiệu quả các chính sách tiền tệ và tài khóa trong nền kinh tế để kích thích chi tiêu, đầu tư. Quan trọng hơn, việc tăng cường khả năng thích ứng trước những bất ổn khó lường của thế giới như thiên tai, dịch bệnh, chính trị, các biến cố bất ngờ càng trở nên cấp thiết.
Những cảnh tượng đau thương từ Ấn Độ là sự cảnh tỉnh cho cả thế giới, đất nước hơn 1,3 tỷ dân đang mất kiểm soát trên mặt trận Covid-19 vì sự chủ quan và thiếu giải pháp ứng phó.
Câu chuyện ở thời điểm này của thế giới là làm thế nào để có thể thực thi chương trình tiêm chủng đồng bộ, nhanh chóng, đồng thời sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ kinh tế đã và sẽ tiếp tục đưa ra. 
Phân lập trong phục hồi kinh tế ảnh 1 Hình 2: Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và một số nhóm nước trên thế giới. Nguồn: Tô Công Nguyên Bảo và cộng sự (2021), dữ liệu trích xuất từ IMF. Ghi chú: thời điểm bắt đầu là quý IV-2019 với giá trị cơ sở là 100.
Những mắt xích yếu thế sẽ ra sao?
Các quốc gia có những quyết sách kiểm soát đại dịch mạnh mẽ như Việt Nam và Trung Quốc ở giai đoạn đầu, hay thực thi chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng, đồng bộ như ở Mỹ và Anh gần đây, kết hợp cùng các gói hỗ trợ kinh tế, đã giúp đảo ngược phần nào những ảnh hưởng từ Covid-19.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có đủ nguồn lực và mạnh dạn để thực thi các chính sách trên. Việc này khiến thế giới trở nên bị chia rẽ giữa nhóm các nước phục hồi với các nước chưa hoặc chậm phục hồi kinh tế. 
Tình trạng trên cho thấy sự thiếu liên kết giữa các mắt xích trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Những tác động tích cực từ các gói kích thích kinh tế khổng lồ như trường hợp Mỹ, một sự trở lại mạnh mẽ bằng chiến dịch vaccine thần tốc có thể không còn sức lan tỏa như trước, khi không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân.
Liệu sự chia rẽ và tồn tại mất cân đối đang xảy ra, và hệ lụy này góp phần gây nên quá trình phân rã giữa các nền kinh tế?
Sự hồi phục kinh tế của Mỹ trong thời gian gần đây đã mang lại sức bật cho kinh tế thế giới, nhưng không phải cho tất cả quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang chống chọi với dịch bệnh.
Số liệu tính toán từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho thấy việc Mỹ thực thi các gói kích thích kinh tế khổng lồ trong thời gian qua có thể làm gia tăng mức tăng trưởng kinh tế ở khu vực EU lên thêm 0,1% trong năm 2021 (đạt 4,1%), thêm 0,2% vào năm 2022 (đạt 4,3%).
Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận mức độ phục hồi kinh tế toàn cầu nhờ vào những kết quả tích cực gần đây của Mỹ, có thể thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế bình quân lên 1 điểm phần trăm. 
Ở chiều ngược lại, các quốc gia không đủ tiềm lực cho công cuộc chống chọi với Covid-19 có thể sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi” với các quốc gia khác, đặc biệt ltrong hoạt động thương mại quốc tế, một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Không phải ngẫu nhiên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với các nhóm nước châu Phi, trong khi kinh tế toàn cầu đang phục hồi. 
Dưới tác động của Covid-19, các nước nghèo càng bị tụt hậu xa hơn, sự phân lập này làm gia tăng bất bình đẳng toàn cầu. 

Các tin khác