Phải có kịch bản khi dịch bệnh lắng dịu

(ĐTTCO)-Động thái hạ lãi suất (LS) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính sách nới lỏng tiền tệ của các NHTW gây nên hiện tượng bất thường là đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, chính sách “neo” tỷ giá vào USD của NHNN đang thực hiện vẫn phát huy tác dụng, nên việc USD tăng giá không đáng lo trong bối cảnh hiện tại. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
“Bóng ma” suy thoái
Đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái đe dọa kinh tế toàn cầu, cùng nỗi lo khủng hoảng 2008 quay lại hay đại suy thoái 1929-1933. Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đã phản ánh tiêu cực với diễn biến này khi Dow Jones bị “cúp cầu dao” liên tục (hệ thống ngắt mạch tự động khi giá giảm sâu) do thị trường rớt nhanh quá.
Chỉ số này thậm chí trong 1 tháng kể từ khi lập đỉnh gần 30.000 điểm, đã lao xuyên qua 20.000 điểm, chính thức bước vào thị trường Gấu (thị trường giá xuống). Điều đáng nói, không chỉ có CK, kênh đầu tư “tránh bão” là vàng cũng bị bán tháo, có lúc về mức 1.450USD/troy ounce, nhưng tăng lại sau đó nhờ các gói nới lỏng quá lớn và niềm tin các NHTW mua vàng vào cân đối, trong khi dầu rớt 70% từ đầu năm lao về sát mốc 20USD/thùng. Tiền số cũng không ngoại lệ khi Bitcoin giảm 50%. 
Chưa dừng ở đó (và trái với các học thuyết kinh tế nhan nhản trong sách giáo khoa), loạt hành động bơm tiền, in tiền, nới lỏng tiền tệ nhằm thúc đẩy CK gia tăng, gây lạm phát và đồng tiền sẽ giảm giá, CK đã giảm mạnh, lạm phát gần như không có, thậm chí bóng ma suy thoái bao trùm.
Trong khi thực tế ngược lại, đồng USD tăng “như chưa bao giờ được tăng” khi USD Index (USDX) chính thức vượt qua 100 điểm, thậm chí lên tới 104 điểm, trong khi chỉ số này chỉ ở mức 94 điểm 1 tháng trước khi Fed hành động. Thông thường, 1 điểm của USDX tương ứng với sự biến động khoảng 3-5% của giá vàng tùy thời điểm. 
Có điểm đáng lưu ý, USD tăng hơn 10 năm liên tiếp bất chấp Fed tăng hay hạ LS. Nếu chỉ tính USDX mức tăng phải đến 50%, đẩy các đồng tiền khác như đô la Canada (CAD), đô la Úc (AUD), Euro (EUR), Bảng Anh (GBP), đô la New Zealand (NZD), đô la Đài Loan (TWD), Won Hàn Quốc (KRW)… lao dốc dữ dội. Nguyên nhân do các NHTW lớn trên thế giới đồng loạt hành động theo Fed, đưa ra các chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm LS để đẩy đồng tiền của họ giảm, giúp thương mại các nước cân bằng hơn với Mỹ, hàng hóa giữ được mức cạnh tranh.
Trong khi đó, hành động bán tháo vàng, CK, dầu và các loại hàng hóa khác cũng như bất động sản, đã thúc đẩy nhu cầu dự trữ tiền mặt. Dòng tiền được thu về lớn nhất khi bán ra là USD, do đồng tiền này luôn chiếm tỷ trọng quanh 90% thương mại thế giới ở hầu hết thời điểm lịch sử, đã làm cho cầu USD tăng mạnh khiến giá tăng. 

Tác động đến Việt Nam
Động thái đầu tiên của NHNN là quyết định hạ LS để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn, giảm hoặc hạn chế gia tăng nợ xấu, giảm chi phí đầu vào cho DN. Tuy vậy, động thái thường chỉ tác động mang tính chất trung, dài hạn hơn là ngắn hạn, khi các lệnh phong tỏa vẫn còn ở nhiều quốc gia và châu lục, người dân hạn chế ra đường.
Tác động lớn nhất của việc hạ LS lúc này là giúp DN kinh doanh cầm chừng chờ qua dịch, trừ một số ngành nghề đặc thù, hoặc các DN chuyển đổi cơ chế bán hàng hóa dịch vụ như áp dụng công nghệ nhiều hơn, tăng cường thương mại điện tử… Nhưng số DN này không nhiều, trong khi hầu hết bị động trước tình hình dịch nên cần định hướng nhiều hơn bên cạnh các gói hỗ trợ, giải cứu.
Về tỷ giá, khả năng ảnh hưởng chính sách neo vào USD không nhiều, mức độ mất giá của VNĐ nhẹ hơn so với USD và tăng với những đồng khác. Thực tế trong tháng 3, mức tăng của USD so với VNĐ chỉ bằng 1/3 so với mức tăng của USDX. Đặc biệt, USDX tăng hơn 10 năm qua, tăng tốc mạnh nhất trong hơn 5 năm gần đây, nhưng tỷ giá USD/VNĐ ổn định trong khoảng thời gian này, dù VNĐ vẫn tăng so với một số đồng tiền khác như AUD, CAD, GBP, EUR… 
Kinh tế Việt Nam 5 năm liên tục tăng trưởng nhờ một phần vào tỷ giá USD/VNĐ ổn định khi USD được sử dụng trong thương mại toàn cầu, chiếm xấp xỉ 90%, nên các DN luôn chủ động được kế hoạch kinh doanh nhờ tỷ giá ổn định.
Các DN có thể chủ động nhập khẩu từ những nước có VNĐ cao hơn và xuất khẩu sang những nước thấp hơn, giúp tối ưu lợi ích cũng đáng để xem xét. Do đó, nên duy trì chính sách này vì sự ổn định của tỷ giá, giúp DN dễ dàng có kế hoạch kinh doanh phù hợp, tối ưu chi phí, doanh thu cũng như lợi nhuận. 

Giảm LS tránh gây sốc
 Với chính sách nhịp nhàng, sự phối hợp nhuần nhuyễn của các ban ngành, cơ quan, tổ chức và các thành phần kinh tế sẽ giúp chúng ta hạn chế tối đa bất lợi, thích nghi được với bối cảnh hiện tại, vươn lên bứt phá khi dịch bệnh lắng dịu và được kiểm soát tốt.
Trong bối cảnh hiện tại, lạm phát sẽ ở mức thấp, thậm chí nếu có nới lỏng tiền tệ thêm do dịch bệnh, lạm phát sẽ khó quay trở lại. Việc hạ LS thường hỗ trợ bên phía cầu, nhưng trong bối cảnh hiện nay chính sách này đang tác động xấu lên cả cung và cầu trong nền kinh tế.
Do đó, không cần lo lạm phát lúc này, nên ưu tiên giải quyết bài toán tăng trưởng trước khi lạm phát quay lại. Thực tế, LS vẫn giảm theo xu hướng thế giới, nhưng LS VNĐ sẽ khó có chuyện về 0% và cũng không nên để LS quá gần 0% hoặc âm (trừ ngoại tệ), do đặc thù của kinh tế Việt Nam cũng như để thu hút người gửi tiền. 
Vì lý do trên, chúng ta chỉ nên hạ dần LS cho thị trường hấp thụ và theo dõi xem phản ứng của thị trường, cũng như còn dư địa để thực hiện tiếp khi cần thiết để tránh hết “chiêu”. Việc kêu gọi hạ LS cũng chỉ là một phần của chính sách tiền tệ, khi bản thân chính sách tiền tệ có rất nhiều chính sách con khác, như tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, hạn mức tín dụng, tỷ giá hối đoái… để hạn chế bớt việc nới lỏng quá tay. 
Ngoài ra các chính sách bổ sung hoặc phối hợp một cách nhuần nhuyễn với các cơ quan quản lý nhà nước, như chính sách tài khóa, thuế cũng như hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, thị trường, nguồn cung ứng, cắt giảm các chi phí đầu vào. Cần nâng cao việc sử dụng công nghệ, CK điện tử, fintech… giúp DN dễ dàng hoạt động cũng như ứng dụng vào thực tiễn.
Vượt qua khó khăn là quá sớm để nói trong lúc này, khi các DN chưa chắc đã dám vay để mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu yếu, giao thương còn bị phong tỏa, mà chủ yếu để cơ cấu lại nợ, tái cấu trúc DN, hạn chế tác động xấu nhiều hơn. Việc phục hồi vẫn còn dài với nhiều kịch bản khi dịch bệnh giảm.
Đó là DN phải thích nghi dần chuyển hướng kinh doanh, tiếp cận khách hàng theo nhiều cách và bản thân khách hàng cũng phải thích nghi với điều này. Do đó, không thể bước vào thời kỳ phục hồi nhanh mà sẽ cần nhiều thời gian hơn.  

Các tin khác