Nỗ lực ngăn chặn gian lận thương mại, trốn thuế

(ĐTTCO) - Cao điểm cận tết cũng là lúc các cơ quan chuyên trách chống buôn lậu, gian lận thương mại tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho thị trường nội địa. Trong đó có việc rà soát, giám sát các lô hàng nghi vấn, có dấu hiệu trốn thuế, hay các lô hàng bỗng nhiên vô chủ tại các cảng hàng không, cảng biển… trên địa bàn TPHCM.
Doanh nghiệp khai hải quan điện tử (ảnh chụp tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1) Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp khai hải quan điện tử (ảnh chụp tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1) Ảnh: CAO THĂNG
Khai báo sai, trốn thuế tiền tỷ
Mới đây, Cục Hải quan TPHCM đã khởi tố vụ án buôn lậu liên quan đến Công ty Thép V.V (Đức Hòa, Long An). Lô hàng 14 container thép nhập khẩu về TPHCM khai báo sai chủng loại, mã hồ sơ dẫn đến thiếu trên 1 tỷ đồng tiền thuế. Khai báo ban đầu của doanh nghiệp (DN), hàng nhập khẩu gồm thép lá cán nóng (thuế suất 0%) không hợp kim, chưa phủ mạ tráng, không lượn sóng, dạng cuộn, quy cách không đồng bộ, mới 100%.
Thế nhưng, kiểm tra thực tế lô hàng 4 container, cơ quan chức năng phát hiện hàng thực nhập là thép mạ kẽm có thuế suất nhập khẩu từ 5%-15%, tùy mặt hàng. Với 10 container còn lại, hải quan cũng phát hiện thép cán nguội chưa phủ mạ, tráng, thuế suất nhập khẩu 10,5%. Nếu cơ quan hải quan thành phố không kịp thời phát hiện lô hàng vi phạm này, DN đã trốn trên 1 tỷ đồng tiền thuế.
Giải trình của Công ty Thép V.V với hải quan thành phố cho biết, lô hàng thép cán nguội này công ty nhập về để mở rộng sản xuất, là lô hàng mới nên người khai hải quan chưa quen cách khai dẫn tới khai sai. Sau đó, công ty này lại cho rằng việc kê khai sai do người bán gửi nhầm danh sách hàng hóa…
Một cán bộ hải quan chuyên trách thuộc Cục Hải quan TPHCM phân tích cho chúng tôi, DN biết hàng sẽ được phân luồng xanh - miễn kiểm tra thực tế khi kê khai thép cán nóng, nên lợi dụng chính sách thông thoáng tự kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật để trục lợi. “Với trường hợp này, kê khai nhầm là khó xảy ra”, vị cán bộ hải quan nhận định.
Một vụ vi phạm khác vừa bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện, đó là Công ty TNHH TM-DV-KT nông nghiệp P.N (TPHCM), khai báo sai mã số hàng hóa, thuế suất, thiếu trên 400 triệu đồng tiền thuế. Công ty P.N khai nhập khẩu máy móc thiết bị nông nghiệp, có thuế suất nhập khẩu 0%, nhưng hàng thực nhập lại có thuế suất 20%. Do vậy, song song với truy thu số tiền thuế còn thiếu, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã xử phạt DN này 85 triệu đồng, tương đương 20% chênh lệch thuế khai thiếu. Trước đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu K.L.P cũng bị Hải quan TPHCM truy thu, xử phạt trên 300 triệu đồng. 
Siết chặt kiểm tra, xử phạt 
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Hải quan TPHCM, nhìn nhận, thời gian vừa qua hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa gây thất thoát ngân sách nhà nước vẫn diễn biến phức tạp. Tính riêng trong năm 2020, công tác kiểm tra, rà soát mã số hồ sơ đã tăng thu cho ngân sách trên 32 tỷ đồng; trong đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tăng thu trên 15 tỷ đồng. 
Chiêu trò, mánh lới thường được các đối tượng vi phạm áp dụng, theo Cục Hải quan TPHCM, bao gồm lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa. Đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức “chọn luồng”, cùng một lô hàng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, chọn luồng vàng, luồng xanh để thông quan hàng hóa.
Có tình trạng điều chỉnh tờ khai để tránh sự kiểm tra nhằm thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đáng chú ý, các đối tượng còn chọn thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, không có bảng hiệu DN, thường xuyên thay đổi trụ sở DN… Cũng có tình trạng hành khách xuất nhập cảnh, thuyền viên lợi dụng sự thông thoáng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng có giá trị cao như vàng, ngoại tệ hoặc hàng cấm. 
Để chấn chỉnh hiệu quả thực trạng này, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cho biết, Hải quan TPHCM đã và đang tăng cường các biện pháp kiểm soát chống buôn lậu của UBND TPHCM, Ban Chỉ đạo 389, Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan TPHCM. Cụ thể, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, các chất ma túy, vũ khí, chất nổ; duy trì công tác kiểm soát trên các tuyến sông, cảng biển, sân bay, chuyển phát nhanh; đấu tranh với hiện tượng giả mạo hồ sơ, chứng từ để làm thủ tục hải quan; giả hồ sơ chứng từ để đưa hàng ra khỏi khu vực giám sát hải quan… Trong đó, hải quan thành phố chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị liên ngành (công an, quản lý thị trường…) nhằm phát hiện, xử lý những hành vi buôn lậu và gian lận thương mại. 
Bằng các biện pháp mạnh, chỉ tính riêng năm 2020, đơn vị đã xử lý 1.428 trường hợp vi phạm với trị giá tang vật ước tính trên 1.285 tỷ đồng. Hải quan TPHCM lập biên bản xử phạt 1.420 vụ, tổng số tiền hơn 51 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước gần 47 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hải quan TPHCM cũng ra quyết định khởi tố 8 vụ vi phạm, trong đó có 1 vụ năm 2019 chuyển hồ sơ sang, đồng thời chuyển cơ quan chức năng đề nghị khởi tố 25 vụ.

Các tin khác