Ngành xi măng: Loại nhà máy công nghệ lạc hậu

(ĐTTCO) -Để khắc phục tình trạng “vỡ quy hoạch” của ngành công nghiệp xi măng những năm qua, ông NGUYỄN QUANG CUNG, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết dự thảo quy hoạch sửa đổi quy hoạch 1488 sẽ loại bỏ hàng chục dự án xi măng công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu. 
Ngành xi măng: Loại nhà máy công nghệ lạc hậu

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vì sao quy hoạch công nghiệp xi măng thời gian qua thừa cả chục triệu tấn/năm, nhưng nhiều dự án mới trong ngành xi măng vẫn được bổ sung vào quy hoạch?

Việc điều chỉnh quy hoạch xi măng lần này sẽ loại bỏ hết các dự án quy mô công suất nhỏ lẻ, công nghệ lò nung clinker lạc hậu. Một danh sách dài dự án đang nằm trong dự kiến loại khỏi quy hoạch, chỉ giữ những dự án thật sự hiệu quả, đúng với công suất dự báo. Quy hoạch lần này được xây dựng theo hướng không cho đầu tư các dự án xi măng công suất nhỏ.
Ông NGUYỄN QUANG CUNG: - Có thể nói việc thừa công suất thiết kế của các nhà máy xi măng thời gian qua lỗi không hoàn toàn do quy hoạch. Quy hoạch 1488 về cơ bản là chuẩn, nhưng khi tính toán lại nhu cầu sử dụng xi măng những năm qua chúng tôi nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến sự vênh giữa dự báo quy hoạch và nhu cầu thị trường.
Đó là việc quy hoạch đã không tính toán được giai đoạn khủng hoảng thị trường bất động sản 2011-2015, đã tác động làm nhu cầu xi măng giảm mạnh.
Quy hoạch 1488 không có kế hoạch bổ sung dự án mới, trong khi từ tình hình thực tế nhiều nhà đầu tư, địa phương đã đề xuất bổ sung các dự án xi măng mới vào quy hoạch. Bên cạnh đó, các DN sản xuất xi măng đã đẩy mạnh cải tiến công nghệ nên năng lực sản xuất của các nhà máy tăng trung bình 20% so với thiết kế ban đầu.
- Công suất thiết kế của các nhà máy xi măng đang thừa, trong khi dự thảo điều chỉnh quy hoạch xi măng vẫn đưa ra những dự báo quá cao về nhu cầu sử dụng xi măng giai đoạn 2017-2025. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Chắc chắn việc điều chỉnh quy hoạch xi măng trong thời gian tới sẽ theo hướng điều chỉnh giảm nhu cầu tiêu thụ xi măng cho sát với thực tế cung cầu thị trường. Bởi quy hoạch 1488 không tính theo năng lực thực tế của các dự án xi măng, mà tính theo công suất dự án.
Ngành công nghiệp xi măng là ngành chế biến sâu, dây chuyền sản xuất xi măng, clinker có mức đầu tư hàng trăm triệu USD, trước đây thông thường tính công suất nhà máy bằng 80% công suất sản xuất clinker, 20% là sản xuất phụ gia. Nhưng hiện nay các nhà máy chỉ sử dụng 65% clinker, 35% phụ gia để sản xuất xi măng, đã khiến lượng xi măng sản xuất trên thực tế tăng đáng kể so với dự báo quy hoạch.
Công suất lò nung thông thường tính theo năng lực sản xuất clinker, không tính theo sản lượng xi măng, trong khi xi măng là sản phẩm được tạo ra từ quá trình nghiền lẫn clinker với phụ gia. Phụ gia thường lấy từ các mỏ bên ngoài về để nghiền lẫn với clinker, hoặc là phế thải của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim.
Vì vậy công suất của các nhà máy sản xuất xi măng thời gian qua mới tăng nhanh như vậy. 
- Với tình trạng thừa xi măng, Thủ tướng có chỉ đạo loại bỏ nhiều dự án xi măng quy mô nhỏ, có công nghệ lạc hậu ra khỏi quy hoạch. Đây có phải quy hoạch lại ngành xi măng?
- Theo đề xuất của Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ đưa vào quy hoạch các dự án quy mô 5.000 tấn clinker trở lên, tương đương công suất 2 triệu tấn xi măng/năm, không đầu tư các dự án xi măng công suất 1,3-1,5 triệu tấn/năm. Hơn nữa việc điều chỉnh quy hoạch phát triển xi măng lần này cũng tách riêng danh mục các dự án tiềm năng, không đưa ra mốc cụ thể đưa dự án vào đầu tư, khai thác, vận hành. Việc thay đổi này cũng hạn chế việc đầu tư ồ ạt các nhà máy xi măng.
Việc điều chỉnh quy hoạch phát triển xi măng lần này còn đề cập đến phát triển các dự án xi măng tại một số tỉnh Nam Trung bộ và các tỉnh phía Nam, trong khi khu vực này khan hiếm tài nguyên đá vôi. Điều này nhằm cân đối cung cầu xi măng tại thị trường phía Nam những năm tới.
- Có ý kiến cho rằng việc vỡ quy hoạch xi măng trong những năm qua do tình trạng quy hoạch chạy theo đề xuất của nhà đầu tư và địa phương, thưa ông?
- Đây là một thực trạng cần được khắc phục. Trong sửa đổi quy hoạch phát triển xi măng lần này sẽ đưa vào quy trình tiêu chí bổ sung mới các dự án xi măng. Trong khi quy hoạch hiện nay không có điều kiện bổ sung dự án, nên nhà đầu tư nào, địa phương nào “chạy tốt” sẽ có dự án.
Vì thế, để loại bỏ việc xin-cho này, việc bổ sung dự án xi măng mới phải đáp ứng đủ tiêu chí, theo trình tự từ dưới lên, không làm trình tự bổ sung từ trên xuống như từ trước đến nay nữa. Điều chỉnh quy hoạch tới đây cũng sẽ khắc phục triệt để tình trạng hợp thức hóa dự án bổ sung không nằm trong quy hoạch.
- Nhiều DN xi măng thời gian qua đã tìm lối thoát thông qua kênh xuất khẩu. Ông có ủng hộ quan điểm nâng cao sản lượng xuất khẩu?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận giá xuất khẩu xi măng hiện nay khoảng 5USD/tấn và 30USD/tấn clinker, DN xi măng không lãi nhiều, tức hiệu quả kinh tế của xuất khẩu xi măng không cao. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến hết 9 tháng, cả nước xuất khẩu được khoảng 13,6 triệu tấn xi măng và clinker, đạt 90% kế hoạch năm (15 triệu tấn), giá trị xuất khẩu xi măng ước đạt 482 triệu USD; tăng 21,4% về sản lượng, 12,7% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn là Bangladesh, Philippines, Đài Loan, Peru, Mozampique…
Trên thực tế hoạt động xuất khẩu chỉ có ý nghĩa về mặt nâng cao năng lực sản xuất trong nước, năng lực của các dự án xi măng đã đầu tư. Chẳng hạn dự án công suất 2 triệu tấn/năm phải đạt công suất tối đa mới hiệu quả, sẽ thua lỗ nếu dự án chỉ đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm.
Nhưng sản xuất xi măng chủ yếu vẫn phục vụ thị trường trong nước, nhiều nước phát triển cũng vậy, họ còn xuất rẻ hơn ta, vấn đề nằm ở trình độ quản lý, quản trị ngành xi măng. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác