Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam

(ĐTTCO) - Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới bị các nước khác áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Các hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như nhôm, thép, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam lại tỏ ra khá yếu trong việc sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ quyền lợi của mình. 
Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam
Đó là vấn đề chính được nêu ra tại hội thảo “PVTM - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cục PVTM (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 27-10 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho hay, với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện đang có, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh mẽ thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác. Điều này giúp thị trường Việt Nam trở nên sôi động và cạnh tranh hơn. 
Tuy nhiên, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt gây cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích trong lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước. Do đó, công cụ PVTM có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho hàng hóa cũng như các ngành sản xuất ở Việt Nam. 
Theo bà Trang, khảo sát từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, các ngành hàng của Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và coi đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực.
Tuy nhiên, đây phải là một cuộc chơi công bằng. Vì vậy, rủi ro lớn nhất đó chính là hàng hóa từ nước ngoài vào cạnh tranh không lành mạnh bằng nhiều hình thức như bán phá giá, được trợ cấp…
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra càng khiến Việt Nam có nhiều lý do để lo ngại. Bởi lẽ, những nguồn hàng bị dư thừa, chuyển hướng sẽ vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Từ đó nhu cầu sử dụng PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước càng cần thiết.
Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam về cơ bản vẫn chưa thực sự biết cách vận dụng hiệu quả công cụ PVTM. Theo báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong lĩnh vực công thương vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội, tính đến hết tháng 9, Bộ Công Thương đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. 
Trong 9 tháng qua, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019. Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và Úc. 62% các vụ việc bị điều tra đến từ những nước này. Tuy nhiên, gần đây các nước ASEAN cũng tích cực điều tra PVTM với Việt Nam, với tỷ lệ đã tăng lên con số 20%.
Trong bối cảnh đó, theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng đề án “Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA”.
Đồng thời Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA về PVTM. Mục tiêu của Đề án nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, thể chế về PVTM, tuyên truyền, đào tạo cho các doanh nghiệp, xây dựng chiến lược chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế về PVTM.

Các tin khác