Mỹ sẵn sàng hỗ trợ năng lực doanh nghiệp Việt

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, ông MICHAEL GREENE, Giám đốc Phái đoàn Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, nhận định doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tham gia chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu mới, trong đó mấu chốt cần chủ động nâng cao năng lực, nắm bắt được những tiêu chuẩn mới.
Việt Nam cần chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cần chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
PHÓNG VIÊN: - Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến rất nhiều DN Việt Nam, đặc biệt là DN xuất khẩu khi chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy, các thị trường bị hạn chế. Là người từng phối hợp tham gia nhiều chương trình dự án nâng cao năng lực cho DN Việt, theo ông để phục hồi DN xuất khẩu Việt Nam cần làm gì?
Ông MICHAEL GREENE: - Có thể nói đại dịch Covid-19 đã phá hủy nặng nề nền kinh tế toàn cầu. Song ở góc độ lạc quan, tôi cho rằng đây là cơ hội quý giá đối với DN Việt Nam khi chuỗi giá trị và cung ứng sản xuất trên toàn cầu đang có sự dịch chuyển, đúng hơn là tái cơ cấu.
Do đó, thiết lập chuỗi giá trị sản xuất mới để hạn chế rủi ro là điều nhiều DN, công ty lớn trên thế giới nhận ra và cần thiết hành động ngay. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam nói chung và DN xuất khẩu nói riêng. 
Để tận dụng tốt cơ hội này, DN Việt Nam luôn phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế mới, trong đó có cả sự chủ động tham gia chuỗi, hoàn thiện nâng cao năng lực, nắm bắt được những yêu cầu và mong đợi của các công ty đa quốc gia, từ đó mở rộng quy mô sản xuất phù hợp với những chuẩn mới.
Hiện nay, chúng tôi đang hỗ trợ tích cực cho nhóm DNNVV Việt Nam (các dự án SMEs), bởi đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất và cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất của DN Việt Nam. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT để hỗ trợ DN thích ứng với tình hình mới, từ đó gia nhập các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.
- DN Việt Nam có nhiều cơ hội để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mới. Song thực tế năng lực của DN Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Sân chơi này liệu có quá sức đối với họ, thưa ông?
Thiết lập chuỗi giá trị sản xuất mới để hạn chế rủi ro là điều nhiều DN, công ty lớn trên thế giới nhận ra và cần thiết hành động ngay. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam, đặc biệt là DN xuất khẩu. 
- Như tôi đã từng nói ở nhiều hội nghị với đại diện Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam, nay tiếp tục khẳng định Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng với thương mại, tự do, công bằng và cùng có lợi. Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng về kinh tế của Mỹ.
Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều dự án nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho DN cũng như cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Một số dự án nổi bật như hỗ trợ thực hiện nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV (linkSME).
Mới đây, Mỹ cam kết hỗ trợ 9,5 triệu USD thông qua tổ chức USAID nhằm hỗ trợ DN Việt Nam phục hồi sau Covid-19. Trong đó, 4,5 triệu USD hỗ trợ DN lĩnh vực y tế và 5 triệu USD phục hồi các lĩnh vực khác. Cơ quan USAID hiện đang hợp tác chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT, qua đó hỗ trợ DNNVV sau đại dịch Covid-19 có thể tiếp cận được các khoản tài chính, để vừa mở rộng quy mô DN cũng như có thể gia nhập sâu hơn chuỗi cung ứng.
- Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ, trong đó lĩnh vực kinh tế đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Ông có thể cho biết các nhà đầu tư Mỹ nhìn nhận thế nào về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, cũng như triển vọng quan hệ hợp tác của DN 2 nước trong tương lai?
- Sau 25 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt tôi ấn tượng với những kết quả về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại 2 nước.
Về hoạt động đầu tư của DN Mỹ, có điều khá thú vị là hầu hết công ty Mỹ đầu tư tại Việt Nam thông qua các công ty con hoặc chi nhánh đặt tại Hồng Kông và Singapore. Do đó nguồn vốn đầu tư dường như đổ về Việt Nam từ Hồng Kông và Singapore, nhưng trên thực tế từ các công ty con của DN Mỹ. 
Thực tế, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư của Mỹ, đều xem xét nhiều yếu tố khi quyết định đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Họ xem xét tất cả yếu tố từ ổn định chính trị đến vị trí địa lý, đội ngũ lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng, địa điểm và cả hệ thống pháp lý.
Tôi cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay tiếp tục được cải thiện thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Tôi cũng nhận thấy trong năm vừa qua, giới truyền thông Mỹ đã có rất nhiều bài báo tích cực về môi trường kinh doanh hiệu quả, tích cực dành cho các DN đầu tư tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn mong đợi nguồn đầu tư dồi dào hơn nữa từ Mỹ vào Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác