Muốn giải cứu ngành hàng không cần phải có Nghị quyết của Quốc hội

(ĐTTCO) - Đó là một trong những quan điểm được nêu ra tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt” do VnEconomy tổ chức sáng nay 2-8.

Muốn giải cứu ngành hàng không cần phải có Nghị quyết của Quốc hội

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng.

Cụ thể, 80-90% máy bay của ngành nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%. Vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019; điều hành bay 6 tháng đầu năm 2021 giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vận chuyển chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2020...

Đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ dịch vụ vận tải của các hãng hàng không.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như áp dụng “hộ chiếu vaccine”, nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet Air. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cần xác định việc hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng Covid-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách linh hoạt nhưng đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Cụ thể, Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại), thời hạn vay vốn từ 1-2 năm; xem xét cho phép SCIC đầu tư vốn dạng cổ phần và sẽ thoái vốn khi doanh nghiệp đã ổn định; giảm thuế phí...

Góp ý về giải pháp "giải cứu" ngành hàng không, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM nhận định, ngành hàng không đang là những con bệnh cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai. Tuy nhiên, cần nhìn câu chuyện một cách rộng hơn trong tổng thể của ngân sách và nền kinh tế quốc gia.

Bộ Tài chính trình gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trị giá 26.000 tỷ đồng. So sánh gói này với con số 12.000 tỷ đồng do Vietnam Airlines đề xuất cho thấy Vietnam Airlines rất được ưu ái. Vì vậy, nếu muốn chạm vào tiền hỗ trợ, cần có những ràng buộc về điều kiện để cho Vietnam Airlines và các hãng bay khác phải có những điều kiện ràng buộc như phải cân đối lại tài chính (giảm chi phí tiền lương, nhân công), tái cấu trúc hoạt động, chuyển đổi số…

Với góc nhìn từ lĩnh vực NH, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH Việt Nam cho rằng, để các hãng hàng không được “giải cứu”, Hiệp hội Hàng không Việt Nam cần phải có các tổng hợp, đánh giá trong đó đúng vai trò vị trí quan trọng của ngành hàng không cũng như các vướng mắc đang gặp phải, để thấy được ngành hàng không xứng đáng nhận sự hỗ trợ này. Từ đó, Hiệp hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không bằng cách vay bổ sung vốn lưu động.

Đồng thời, doanh nghiệp phải được tăng vốn điều lệ, gia tăng tiềm lực tài chính như Vietnam Airlines. Tuy nhiên, muốn được hỗ trợ vay vốn phải có tài sản đảm bảo và cũng phải xem doanh nghiệp đó có khả năng để cứu hay không. 

Theo ông Hùng, ngành NH không thiếu vốn. Nhưng các tổ chức tín dụng cho vay theo đúng quy định. Vì vậy, muốn giải cứu ngành hàng không như đề xuất, cần có giải pháp mạnh, có hành lang pháp lý, cụ thể là có Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.

Muốn có Nghị quyết của Quốc hội, phải giải trình, đánh giá, báo cáo của Chính phủ. Khi có cơ chế, các hãng hàng không và tổ chức tín dụng sẽ tự thoả thuận lãi suất, phù hợp với khả năng tài chính của từng đơn vị.

Các tin khác