Mục tiêu cao, cải cách phải mạnh

(ĐTTCO) - Ước tính kinh tế Việt Nam năm 2035 sẽ có quy mô 1.000 tỷ USD so với khoảng 200 tỷ USD hiện nay, hơn nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức tiêu dùng 15USD/ngày, GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000USD, gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010. Con số này có thể đạt 22.200USD nếu tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 7%. Đây có thể nói là những con số dự báo tăng trưởng “màu hồng” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tại Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” ngày 23-2.

(ĐTTCO) - Ước tính kinh tế Việt Nam năm 2035 sẽ có quy mô 1.000 tỷ USD so với khoảng 200 tỷ USD hiện nay, hơn nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức tiêu dùng 15USD/ngày, GDP bình quân đầu người đạt tối thiểu 18.000USD, gần tương đương với mức của Malaysia năm 2010. Con số này có thể đạt 22.200USD nếu tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 7%. Đây có thể nói là những con số dự báo tăng trưởng “màu hồng” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tại Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” ngày 23-2.

 

Để đạt được kết quả tốt như dự báo năm 2035, Việt Nam phải vượt qua các thách thức lớn. Theo đó, phải tăng năng suất lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo khu vực tư nhân trong nước có được sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai và nguồn lực…

Và nếu kiên trì cải cách, thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ là mẫu hình cho tăng trưởng và phát triển dựa trên các con số như: gấp 5 lần quy mô nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng lý tưởng 6-7%/năm, thu nhập đầu người đạt và ngang bằng các nước trong khu vực và đặc biệt nhóm dân giàu (tầng lớp trung lưu) sẽ đạt quy mô một nửa số dân.

WB đã đưa ra các kịch bản cho tăng trưởng Việt Nam trong 20 năm tới (2016-2035): Nếu tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt 3,8% (mức không mong muốn), các mục tiêu trên không thể đạt được. Còn nếu tăng trưởng GDP 5,5% (kịch bản có thể đạt được như trong giai đoạn 1990-2014) thì thu nhập bình quân/người/năm của Việt Nam năm 2035 chỉ đạt 15.000USD. Năm 2040 mới có thể đạt 18.000USD/người. Với kịch bản GDP tăng trưởng (mục tiêu, kịch bản khát vọng) trên 7%/năm, GDP/người của Việt Nam năm 2035 sẽ đạt xấp xỉ 22.200USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Malaysia năm 2013. Tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp tốc độ phát triển của các nền kinh tế trong khu vực như Indonesia và Philippines.

Các tác giả của báo cáo khẳng định, nếu thành tích tăng trưởng GDP của Việt Nam được đảm bảo bền vững, trong vòng 20 năm tới, số dân sống tại đô thị  ở Việt Nam sẽ đạt 50% (khoảng 54 triệu người trong 108 triệu dân). Các ngành công nghiệp dịch vụ sẽ chiếm 90% GDP và chiếm 70% lao động của nền kinh tế. Khi đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân trong GDP sẽ là 80%…

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện tại, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng hiện Việt Nam vẫn là một nước nghèo, chưa thể bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, nhất là trong tương quan với các nước bên cạnh. Xin nêu vài con số: Đầu thế kỷ XIX (năm 1820), Việt Nam đã có một vị trí rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại; gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình thế giới, chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan và hơn 1/5 thu nhập của Malaysia.

Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng qua con số nêu trên để thấy yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước đối với Việt Nam ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Chỉ 10 năm nữa, Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng. Cùng với đó, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản…. không còn nhiều lợi thế. Trong xu thế này, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, con đường duy nhất là tăng năng suất lao động, yếu tố mà Việt Nam đang rất yếu. Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với chính thức, hơn 44% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp - nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Nhiệm vụ trước mắt là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả cho doanh nghiệp tư nhân - động lực tạo việc làm, đổi mới và nâng cao năng suất lao động - bằng cách củng cố nền tảng kinh tế thị trường, bởi sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước phải xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy và tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong khối doanh nghiệp.

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách. Nếu không, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó tránh khỏi.

Các tin khác