Mua điện cũng không dễ

(ĐTTCO) - Do giới hạn về trữ lượng và khả năng khai thác các nguồn năng lượng nội địa như than, dầu, khí đốt nên Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng phải chuyển sang nhập khẩu năng lượng với sản lượng ngày càng tăng. 
 Mua điện cũng không dễ
Năm 2015, năng lượng nhập khẩu chỉ chiếm 5% nhưng đến năm 2017 đã lên 18%, dự kiến đến năm 2045 có thể lên tới 52%.
Ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng. Trong đó đề cập đến việc chúng ta không chỉ nhập khẩu điện mà còn nhập khẩu cả than, khí đốt... Riêng về nhập khẩu điện, từ cách đây 20 năm, khi xây dựng Quy hoạch điện V, chủ trương này đã được nêu ra và đến nay vấn đề này ngày càng trở nên cần thiết. Theo tính toán, điện được nhập từ 3 nước láng giềng là Lào, Trung Quốc và Campuchia. 
Chúng ta bắt đầu nhập khẩu điện của Trung Quốc từ năm 2004 với sản lượng ban đầu khoảng 380 triệu kWh để cung cấp cho tỉnh Lào Cai thông qua đường dây 110kV Lào Cai - Hà Khẩu. Đến năm 2010, xây dựng thêm 2 đường dây 220kV Lào Cai - Hà Khẩu, Hà Giang - Malutang và 2 đường dây 110kV Móng Cái - Thâm Câu, Hà Giang - Thanh Thủy khi nhu cầu nhập điện từ Trung Quốc liên tục tăng cao (đạt đỉnh 5,6 tỷ kWh vào năm 2010) để bù đắp đáng kể cho lượng điện thiếu hụt trong nước.
Dù trong giai đoạn 2010-2011 thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, sản lượng điện ở trong nước dồi dào hơn, nhưng từ năm 2013 chúng ta bắt đầu phải nhập khẩu điện từ Lào qua 2 đường dây 220kV với tổng sản lượng khoảng 6,3 tỷ kWh trong giai đoạn 2013-2019.
Theo các chuyên gia, sản lượng điện nhập từ các nước láng giềng vẫn chưa đúng như quy hoạch. Quy mô điện nhập khẩu đến năm 2020 phải đạt 5.476MW nhưng hiện tổng công suất nhập khẩu mới đạt 1.506MW (khoảng 27% kế hoạch) do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không cho phép hòa đồng bộ giữa hệ thống điện Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và Lào.
Do đó, chúng ta phải vận hành, tách toàn bộ lưới điện nhận nguồn từ Trung Quốc và Lào phát về Việt Nam. Cùng với đó, nhiều dự án thủy điện xuất khẩu của Lào (và Campuchia) bị tạm dừng vì làm thay đổi dòng chính sông Mê Công. Giá điện nhập khẩu cao hơn đáng kể so với giá điện mua trong nước cũng là rào cản cho nhập khẩu điện. 
Theo tính toán, tiềm năng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc vào Việt Nam sẽ có quy mô tới 7.000MW vào năm 2030 và việc tăng nhập khẩu điện từ nước láng giềng sẽ có lợi hơn nhiều so với việc đổ tiền vào các dự án nhiệt điện tốn kém, mà lại tổn hại môi trường. Thế nhưng, việc nhập khẩu điện không dễ, khi nhiều nhà đầu tư thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời ở Lào muốn bán điện sang Việt Nam lại gặp rào cản lớn về thủ tục hành chính và quy trình phức tạp; trong khi Việt Nam và Trung Quốc thiếu những cam kết ở tầm vĩ mô đối với lĩnh vực xuất - nhập khẩu điện, nên tiềm ẩn rủi ro khi nhập khẩu điện dài hạn. 
Để tăng cường sản lượng điện nhập khẩu từ nước ngoài như Nghị quyết 55 đã đề ra, những công việc quan trọng phải làm hiện nay là khẩn trương xây dựng thị trường điện trong nước theo hướng cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, có sự điều tiết của Nhà nước; đầu tư đồng bộ cho hạ tầng lưới điện dùng chung cho nhập khẩu điện, xóa bỏ tình trạng công trình đường dây đấu nối xây dựng theo kiểu “của ai nấy lo”.
Cùng với đó là quy hoạch hệ thống hạ tầng truyền tải chuyên dụng dùng chung để nhập khẩu điện và có cam kết giữa các chính phủ đối với việc xây dựng hạ tầng chung này. Các nước trong khu vực cũng cần xem xét xây dựng hệ thống tiêu chuẩn vận hành chung để hòa đồng bộ lưới điện, tránh phải tách lưới đối với công trình xuất nhập khẩu điện như hiện nay.

Các tin khác