Miền Trung “sửa soạn” đón nhà đầu tư

(ĐTTCO) - Bên cạnh việc rà soát tiến độ triển khai các dự án đầu tư hiện hữu, các tỉnh thành miền Trung đang gấp rút xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi các hình thức xúc tiến, sẵn sàng đón nguồn vốn đầu tư mới trong và ngoài nước khi dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát.

Thêm nhiều dự án ngàn tỷ đồng

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhưng thu hút đầu tư vào miền Trung vẫn có nhiều khởi sắc. Tại Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm 2020, đã thu hút được gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 120 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời cấp quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án trong nước (ngoài khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng). 

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết, thành phố hiện có 867 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 3,518 tỷ USD; 31.661 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 216.920 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án hoàn thành công tác đầu tư xây dựng là: Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine; mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor; Nhà máy xản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử Key Tronic… Các dự án sản xuất và lắp ráp ôtô các loại GAZ TD, tháp ven sông, nhà máy chế tạo gia công các loại ống xả, chuẩn bị triển khai xây dựng.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn phấn đấu cơ bản xong phần nền, mố trụ các cầu vào cuối năm 2020. Ảnh: VĂN THẮNG

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn phấn đấu cơ bản xong phần nền, mố trụ các cầu vào cuối năm 2020. Ảnh: VĂN THẮNG

Tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai (Quảng Nam) tiếp tục là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Ấn tượng nhất là KKT mở Chu Lai có thêm 7 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, địa phương đang triển khai các chương trình hợp tác với các đơn vị, viện nghiên cứu, các công ty tư vấn đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng đầu tư của đối tác đầu nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu...; đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư theo các chuyên đề, ngành nghề làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các nhóm dự án động lực.

Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án lớn tại Thừa Thiên - Huế cũng được triển khai đúng tiến độ. Dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam được xem là điểm sáng, đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 và đẩy mạnh thi công hoàn thành toàn bộ nhà xưởng; đang lắp đặt máy móc, thiết bị giai đoạn 2 theo đúng tiến độ cam kết. Dự án Hue Amusement & Beach Park dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ giải ngân thêm 100 tỷ đồng… Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, phương án xúc tiến đầu tư trong năm 2020 đã được địa phương thay đổi cho phù hợp với thực tế và đón đầu cơ hội. Trong đó, chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách… tác động lớn đến tình hình KT-XH của tỉnh thời gian tới.

Động lực phát triển kinh tế biển

Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, Bình Định vẫn chủ động triển khai đoạn tuyến giao thông ven biển giai đoạn 1 từ Cát Tiến - Đề Gi (trên 1.260 tỷ đồng). Đây được xem như “xương sống” kết nối TP Quy Nhơn với KKT Nhơn Hội và khu siêu đô thị du lịch biển Nam Đề Gi với quy mô rộng 1.770ha. Trên công trường tuyến đường ven biển Cát Tiến - Đề Gi những ngày cuối tháng 9-2020, không khí thi công khẩn trương với hàng chục mũi thi công và các phương tiện cơ giới để hoàn thiện tuyến đường. Đường mở đến đâu, hạ tầng, cầu cống thoát lũ được triển khai đồng bộ gấp rút để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ. UBND tỉnh Bình Định còn có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, trình Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ từ ngân sách hoặc vốn đầu tư nước ngoài gần 7.600 tỷ đồng để hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dự án đường ven biển trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án kỳ vọng tạo cho địa phương một quỹ đất mới rộng lớn ven biển, là động lực phát triển kinh tế biển kết hợp du lịch, đô thị biển trên địa bàn. 

Bên cạnh việc triển khai đầu tư trên 5.116 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 để phát triển hạ tầng kỹ thuật các KCN, KKT từ nay đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế còn khởi động triển khai tuyến dự án đường ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc dài 127km. Trong đó, có một số đoạn trùng tuyến quốc lộ 49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng. Đây sẽ là tuyến đường chiến lược và động lực để phát triển kinh tế biển và đầm phá trong thời gian tới, kết nối tuyến miền Trung và quốc gia. Đại diện Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, những đoạn đi trùng với quốc lộ 49B cơ bản được Bộ GTVT đầu tư phù hợp theo quy hoạch. Các tuyến đi trùng với tỉnh lộ, UBND tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để làm cơ sở triển khai.

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn qua Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế phấn đấu cơ bản xong phần nền, mố trụ của các cầu vào cuối năm 2020, và năm 2021 sẽ thi công phần móng, mặt và hoàn thiện. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này kết nối liên hoàn với cao tốc La Sơn - Túy Loan, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tạo trục động lực xuyên miền Trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội liên vùng miền Trung. Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020 sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng ùn ứ cục bộ khu vực hầm Hải Vân, tăng lưu lượng phương tiện, kết nối hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Bắc TP Đà Nẵng và liên khu vực miền Trung.

Các tin khác