Mạng lưới đô thị kết nối Đông Nam Á

(ĐTTCO) - Ý tưởng thành lập mạng lưới các đô thị Đông Nam Á đã được đặt ra cách nay 20 năm. Trong số những người đầu tiên đưa ra ý tưởng này phải kể đến Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed. Từ ý tưởng này, các nhà khoa học, chuyên gia các nước Đông Nam Á đã có rất nhiều cuộc bàn thảo nhằm hiện thực hóa ý tưởng này. 
Vai trò khung xương nền kinh tế
Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) chính thức thành lập năm 1967, cho đến nay có 10 thành viên. Đây là tổ chức phát triển khá ổn định so với nhiều hiệp hội khác trên thế giới, song nó chưa thực mạnh. Bởi lẽ nó là hiệp hội của các quốc gia láng giềng mang tính chất hữu nghị, thân thiện gần gũi nhau, hơn là hiệp hội mạnh kinh tế như Cộng đồng chung châu Âu (EC).
Không biết bao nhiêu lần bàn đến đồng tiền chung, ngôn ngữ chung, đường biên giới mở, hạ tầng kỹ thuật chia sẻ, nhưng vẫn không làm được, bởi còn rất nhiều rào cản về khác biệt thể chế chính trị, khoảng cách lớn về trình độ phát triển, quy mô kinh tế ở từng quốc gia thành viên.
Mạng lưới đô thị kết nối Đông Nam Á ảnh 1 Kết nối các TP lớn với nhau trong một mạng lưới đồng bộ, tiêu chuẩn, chuyên nghiệp là việc tất cả các nước ASEAN phải hướng đến, nếu muốn trở thành cộng đồng mạnh, có vị thế trên thế giới.
Trong bối cảnh trên, sáng kiến thành lập mạng lưới đô thị ASEAN sẽ khắc phục được một số khác biệt lớn. Dựa trên lý thuyết và thực tế chứng minh rằng, các thành phố (TP) lớn luôn đóng vai trò khung xương của nền kinh tế, quyết định sự phát triển về xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và công nghệ kỹ thuật của mỗi quốc gia. Do vậy, khi chúng liên kết với nhau thành một hệ thống hữu cơ, sẽ làm nền tảng thúc đẩy cho cả khối phát triển theo hướng tích cực. 
ASEAN có tổng diện tích 4.494.047km², dân số 664.588.669 người, chiếm 8,59% dân số thế giới và đứng thứ 3 khu vực châu Á. Trong đó  48,7% dân số sống ở khu vực thành thị. Tỷ lệ đô thị hóa các nước ASEAN không đều, chia thành 2 nhóm, gồm nhóm có mức độ đô thị hóa với Singapore 100%, Malaysia 75%, Brunei 75%, Thái Lan 62%, Philippines 61%, Indoneisa 58%; và nhóm đô thị hóa thấp với Việt Nam 40%, Lào 34%, Campuchia, Myanmar cùng 31%. Hệ thống đô thị khối ASEAN đóng góp 68% GDP của toàn khối. 

Kết nối các TP lớn
Theo đề xuất của Ủy ban điều phối kết nối ASEAN (ACCC), trước mắt có thể kết nối các TP lớn là thủ đô hay trung tâm lớn của một vùng. Sau đó là các TP từ 1 triệu dân trở lên, khi có điều kiện sẽ mở rộng kết nối các TP 500.000 dân và 300.000 dân. Hiện nay 25 TP của ASEAN có dân số từ 1 triệu trở lên: Indonesia có 8 TP, Việt Nam 4, Philippines 4, Thái Lan 3, Malaysia và Myanmar cùng 2 TP, Campuchia và Lào cùng 1 TP.
Trong đó các TP lớn nhất gồm có TPHCM và Jakarta cùng 12 triệu dân, Manila với 11,5 triệu dân, Hà Nội 8 triệu dân, Singapore 5,5 triệu dân, Surabaya và Yangon cùng 4 triệu dân, Ban dung, Kuala Lumpur và Phnompenh cùng 3 triệu dân. 
Việc kết nối các TP lớn này với nhau khá thuận lợi vì hệ thống giao thông hiện nay cho phép làm điều này. Tất cả 11 quốc gia đều có sân bay quốc tế và kết nối với nhau hàng ngày. 10 quốc gia trong khối (trừ Lào) kết nối dễ dàng với nhau bằng đường biển, các TP đều có cảng biển đón tiếp được tàu hàng và tàu quân sự ở các cấp độ khác nhau. Đường bộ tuy chưa thuận lợi, nhưng có thể qua lại với nhau theo 2 tuyến.
Tuyến thứ nhất kết nối 5 TP là TPHCM - Phnompenh - Bangkok - Vientiane - Yangon. Tuyến thứ hai kết nối 4 TP Bangkok - Kuala Lumpur - Singapore - Jakarta. Riêng viễn thông tất cả TP của 11 nước ASEAN đều kết nối được với nhau qua điện thoại di động, internet tốc độ cao.         
Các TP được kết nối với nhau trong hệ thống liên thông sẽ mang lợi ích lớn trên nhiều phương diện. Trước hết, chia sẻ nguồn thông tin. Hiện nay có một thực tế, tuy là các quốc gia láng giềng nhưng việc chia sẻ thông tin còn khá hạn chế. Không hẳn là các bên giấu nhau, nhưng do không có quy chế liên thông chính thức giữa các TP là trung tâm kinh tế, nên việc cung cấp thông tin kinh tế, tài chính, dự án không được coi trọng.
Nhiều nước triển khai các đập thủy điện lớn ảnh hưởng đến toàn vùng, nhưng các nước láng giềng chỉ biết gần sát ngày khởi công. Hoặc các dự án liên quan đến khai thác mỏ ở vùng giáp ranh, dự án khôi phục các di tích cổ, cũng không thông báo cho nhau, nên đã có trường hợp gây ra xung đột vũ trang.
Tiếp theo là việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hướng đến đảm bảo tính đồng bộ của cả khối ASEAN. Việc xây dựng các sân bay, cảng biển, ga tàu hỏa, bến xe đường bộ khác biệt nhau về tiêu chuẩn, khả năng tiếp nhận cũng như cung ứng dịch vụ hậu cần cho từng loại hình vận tải.
Thí dụ, muốn các phương tiện vận tải đường bộ có thể tự do vận chuyển hàng hóa từ nước này qua nước khác không phải xuống hàng, sang xe, quy tắc vận hành và hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông phải được thống nhất.

Xây dựng niềm tin vững chắc lẫn nhau 
Nhìn vào mục tiêu phát triển các TP lớn của ASEAN, chúng ta dễ dàng nhận thấy hầu như TP nào cũng muốn trở thành TP dịch vụ. Việc kết nối thành một hệ thống mang lại lợi ích rất lớn cho các loại dịch vụ như du lịch, y tế, giáo dục (đặc biệt là giáo dục nghề).
Một thí dụ dễ thấy nhất, nếu các TP trong ASEAN có cùng quy chế du lịch thống nhất, cùng bộ quy tắc hành chính, khách từ châu Âu, châu Mỹ và các nước châu Á khác ngoài ASEAN có thể trong cùng một chuyến đi qua được nhiều nước, không phải rắc rối trong việc nhập cảnh, thuê xe, thuê khách sạn, thuê các loại dịch vụ khác...
Chưa kể nếu liên thông, các chế độ bảo hiểm nhân mạng, an ninh, an toàn, trợ giúp người đặc biệt (người tàn tật, người già) trong suốt quá trình du lịch sẽ rất thuận lợi. Khách chỉ cần đưa ra yêu cầu, đăng ký trước khi khởi hành ở một đầu mối là có thể đi từ TPHCM qua Xiem Riep, Pinang, Phuket dễ dàng, thoải mái. 
Để các TP của ASEAN kết nối lại thành khối thống nhất trên tinh thần “Thống nhất trong đa dạng” còn rất nhiều việc phải làm, vì thực tế còn quá nhiều trở ngại, đặc biệt là những sự khác biệt lớn trong chính trị và kỹ thuật.
Dù vậy, kết nối với nhau trong một mạng lưới đồng bộ, tiêu chuẩn, chuyên nghiệp là việc tất cả các nước ASEAN phải hướng đến, nếu muốn trở thành cộng đồng mạnh, có vị thế trên thế giới.
 Xây dựng ASEAN thành cộng đồng vững mạnh là “xây dựng niềm tin vững chắc lẫn nhau”. Như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tổ chức ngày 23-6-2019 tại Bangkok, Thái Lan: Khi có niềm tin mọi khúc mắc, mọi lợi ích kinh tế cục bộ sẽ được giải quyết hanh thông.

Các tin khác