'Ma trận' thông tư vẫn bủa vây doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Báo cáo của VCCI cho thấy giai đoạn 2016-2020, Quốc hội ban hành 112 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết. Chính phủ ban hành 745 Nghị định; Thủ tướng ban hàn 232 Quyết định. Và cũng trong khoảng thời gian ấy, các Bộ, ngành đã ban hành đến 2.532 Thông tư và Thông tư liên tịch. Nhưng con số này đã giảm mạnh so với trước.
'Ma trận' thông tư vẫn bủa vây doanh nghiệp
 Làm giảm hiệu lực chính sách của Chính phủ
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo “Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp”, sáng 25-6, cho thấy trong 2 nhiệm kỳ gần đây, số lượng Thông tư, công văn được ban hành có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Quốc hội ban hành 112 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết; Chính phủ ban hành 745 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hàn 232 Quyết định.
Nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, các Bộ, ngành đã ban hành 2.532 Thông tư và Thông tư liên tịch.
Con số này so với giai đoạn trước đó đã có xu hướng giảm. Cụ thể, từ năm 2011-2015, các Bộ, ngành ban hành ban hành đến 2.733 Thông tư và Thông tư liên tịch. Các Quyết định của Thủ tướng, Nghị định, Luật cũng nhiều hơn so với giai đoạn sau.
VCCI nhận định Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thể chế thông qua việc đặt ra các mục tiêu cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp (loạt Nghị quyết 02/NQ-CP hàng năm, trước đó là Nghị quyết 19/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016; Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020…). Các cơ quan hoạch định chính sách đã hiện thực hóa các chỉ đạo này, bằng cách sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản liên quan đến kinh doanh...
Cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy rõ mức độ cải cách ở các văn bản cấp nghị định trở lên. 
Nhưng khi rà soát ở các văn bản cấp thông tư, vẫn còn những quy định chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách. Vẫn có hiện tượng quy định tại thông tư không thống nhất với các văn bản cấp trên; thông tư có các quy định thiếu minh bạch, chưa hợp lý, cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thông tư vẫn quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà không được Luật, Pháp lệnh giao.
Hiện tượng đáng quan ngại là một số nội dung của công văn có tính chất quy định, hay chất lượng công văn thể hiện việc hiểu, áp dụng, thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có vấn đề. Điều này vô hình trung làm suy giảm tính hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi.
Nhận xét về những bất cập của vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết hiện vẫn còn tình trạng Luật phải chờ Thông tư. Chẳng hạn như Luật thuế phải chờ Thông tư, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước phải chờ Thông tư mới đi vào thực hiện.
'Ma trận' thông tư vẫn bủa vây doanh nghiệp ảnh 1 Một trong những thông tư đang gây tranh cãi gần đây được "điểm mặt" là Thông tư 40, quy định yêu cầu sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh.
Thêm vào đó, còn tình trạng Thông tư ban hành điều kiện kinh doanh dù Luật không trao quyền này; Thông tư quy định về thủ tục hành chính nhưng không được Luật, Pháp lệnh giao; Thông tư chưa thống nhất với Nghị định.
Điển hình là Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính có nhiều chế định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Như yêu cầu sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh. Theo ông Đậu Anh Tuấn, quy định này không phù hợp với nhiều văn bản cấp cao hơn, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Quản lý thuế.
Bên cạnh đó, còn tình trạng Thông tư quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán giữa cơ quan áp dụng. "Ví dụ như Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT, đưa ra định nghĩa về giáo viên của trung tâm ngoại ngữ, trong đó sử dụng khái niệm người bản ngữ nhưng không giải thích thêm, tạo ra sự phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng.
Cần chế tài xử phạt "loạn, “lạm” thông tư
Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng về bản chất, thông tư thể hiện góc nhìn nhỏ của một Bộ, ngành, nhưng lại ảnh hưởng rất đến số đông, nên việc xây dựng văn bản pháp luật nên dựa trên ý kiến của nhiều bên. Không nên ban hành Thông tư rồi lại đình chỉ, vì như vậy sẽ tạo ấn tượng xấu về thể chế, làm giảm hiệu lực của chính sách. 
Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp cho biết cũng có nhiều công văn có tính chất như quy định, tạo áp lực lớn về pháp lý cho cơ quan thực thi, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng băn khoăn liệu công văn trả lời của cơ quan Nhà nước có phải là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện hay không. Trong đó có những công văn Bộ, ngành chưa phù hợp với quy phạm pháp luật thì doanh nghiệp có phải thực hiện hay không.
Để khắc phục tình trạng “loạn” và “lạm” thông tư như hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng hiện đã có chế tài xử lý công dân, doanh nghiệp vi phạm hành chính, thì cũng cần có chế tài đối với công chức, viên chức soạn thảo văn bản gây tác động xấu đến nhiều người, phải gắn trách nhiệm cá nhân.
Bên cạnh đó, bộ phận pháp chế của các Bộ, ngành cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn, để ngăn chặn văn bản chất lượng không tốt được ban hành.

Các tin khác